anh-1-c10ff.jpg

Dưới góc độ phong thuỷ, gian bếp tượng trưng cho tài lộc và cũng là nơi mang dưỡng khí cho gia đình

Dưới đây, kiến trúc sư (KTS) Lê Đức Dũng - Công ty CP Kiến trúc DMC Việt Nam sẽ  tư vấn cho độc giả Lê Minh Thùy (Cà Mau), Văn Như Phương (Bạc Liêu) và Cấn Duy Khánh (Đà Nẵng) cách sắp xếp và bài trí gian bếp sao cho hợp phong thủy, giúp “hút” tài lộc và sức khỏe cho gia chủ. “Tọa hung hướng cát”
Vị trí trung tâm của ngôi nhà chính là thái cực của căn nhà, nên gặp “cát” chứ không nên gặp “hung”, nên sạch sẽ chứ không nên bị xáo trộn. Do đó, gia chủ không nên đặt bếp ở gần cửa chính ra vào nhà. Vị trí tốt nhất để đặt gian bếp là thật sâu trong nhà. Bạn nên bố trí một phòng phía sâu sau nhà để làm gian bếp, một mặt của nhà bếp nên nhìn về chỗ thoáng của ngôi nhà như sân sau nhà, ban công, khoảng trống bên hông nhà… Theo quan niệm phong thủy, bếp ăn nên đặt ở vị trí “tọa hung hướng cát”, có nghĩa là nằm ở hướng dữ nhưng nhìn về phương lành để bếp nấu có thể hỗ trợ áp chế những luồng khí gây bất lợi cho gia chủ. Khí dương mà lửa bếp sinh ra có thể điều hòa các loại khí bất lợi khác, giúp cải thiện được phong thủy của căn nhà một cách rất hiệu quả.Tuyệt đối không nên đặt bếp ở hướng Tây Bắc vì đây là vị trí “lửa tại cửa thiên đàng” - vị trí tử cho hành hỏa. Vị trí Tây Bắc ngôi nhà cũng coi là đại diện cho người người đàn ông sống trong nhà hoặc người trụ cột của gia đình. Nếu đã xây bếp tại vị trí này thì bạn cố gắng di chuyển toàn bộ thiết bị tạo lửa hoặc năng lượng ra khỏi vị trí Tây Bắc của gian bếp. Người ta cho rằng chúng sẽ đốt cháy hết vận may đi vào nhà. Nếu ngay cả các thiết bị tạo nhiệt cũng đã được cố định, bạn phải khắc phục bằng cách đặt một chậu luôn có nước vào vị trí này.
Giữ bếp luôn thông thoáng để tránh khí xấu
KTS Lê Đức Dũng cho biết, khí lưu thông thuận tiện là một yêu cầu rất quan trọng trong phong thủy. Bếp phải luôn thông thoáng, đường khí lưu thông phải thật êm ái. Nếu nhà rộng, nên tạo một cửa sổ và mở hàng ngày để khí sạch đi qua. Với những nhà bếp hẹp và kín thì giải pháp tốt nhất là một chiếc máy hút khói, quạt hút, ống thoát khói. Bạn nên vệ sinh chúng thường xuyên, đảm bảo sự sạch sẽ cần thiết bởi bếp bị ám khói cũng làm giảm vận may của gia đình.
Bếp vốn là nơi chế biến thức ăn để đưa chất bổ dưỡng vào nuôi cơ thể, là chỗ có lửa và thuộc về Hỏa. Còn phòng vệ sinh là nơi có nước, thuộc về Thủy. Theo thuyết Ngũ hành, Thủy và Hỏa vốn tương khắc với nhau nên việc bố trí nhà bếp giáp tường hoặc gần với phòng vệ sinh là điều rất kỵ. Trong các căn hộ chung cư hiện nay, vì diện tích chật hẹp nên nhà vệ sinh thường được bố trí gần bếp. Nếu không thể thay đổi được bố cục này, bạn có thể hóa giải phần nào sự rắc rối này bằng cách: Cửa nhà vệ sinh phải luôn đóng, không bao giờ để bếp đối mặt với nhà vệ sinh, giữ cho nhà bếp luôn khô ráo, sạch sẽ, thiết kế thêm một cánh cửa để ngăn cách giữa nhà bếp và phòng vệ sinh, hoặc có thể dùng bức bình phong, mành treo để che hai bên lại.
Tránh những yếu tố đối lập
Thủy khí do hệ thống nước sinh ra và Hỏa khí do lửa ở bếp sinh ra vốn xung khắc với nhau. Vì thế, bếp và vòi nước tuyệt đối không nên đối diện với nhau. Trong không gian bếp, bạn nên sắp xếp hệ thống nước và bếp thuận chiều với nhau là tốt nhất. Nếu không sắp xếp được theo vị trí đó thì có thể xếp chúng song song nhưng cố gắng lệch với nhau thì tốt hơn. Trong quá trình nấu nướng thức ăn và vệ sinh chén bát, bạn sẽ sử dụng nhiều đến nước. Tuy nhiên trong phong thủy, nước tượng trưng cho sự dồi dào của tài lộc. Vì thế, bạn cần sử dụng nguồn nước thật hợp lý và đúng mức, tránh mọi sự thất thoát lãng phí không đáng có.
Không nên sử dụng những vật dụng dùng một lần
Nếu có một bữa tiệc vui vẻ ngoài vườn và tránh việc lạc mất những chiếc muỗng, nĩa bạc đắt tiền, bạn có thể sử dụng vật dụng giấy một lần rồi bỏ. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng dao, chén, đĩa… bằng giấy hoặc nhựa dùng một lần cho gian bếp bởi điều này ám thị về sự nghèo túng. Vì thế, bạn đừng bận tâm nếu phải mất thêm 5-10 phút rửa chén hay một ít tiền thêm vào để mua bộ đồ ăn tốt hơn.
Nhà bếp cách xa phòng ngủ
Phòng ngủ nên cách xa nhà bếp để tránh được mùi khói, mùi dầu mỡ bay vào phòng. Điều này giúp cho người trong nhà giữ được sức khỏe tốt, không bị ảnh hưởng bởi sự ngột ngạt nóng bức mà sinh ra tính tình nóng nảy, dễ tức giận.    

Tôi sinh ngày 11/7/1987, chồng tôi sinh ngày 7/7/1980. Chúng tôi đã có một cháu sinh năm 2012 và đang định sinh cháu nữa vào năm sau. Xin hỏi quý báo nếu như vậy thì cháu có được tuổi với bố mẹ không? Tôi xin chân thành cảm ơn.Trịnh Thị Trang (Trường THCS Hoa Liên - Nghi Xuân - Hà Tĩnh)

Chuyên gia Nguyễn An (Trung tâm phong thủy Hoàn Kiếm) trả lời:
Để xem tuổi con có hợp với tuổi bố mẹ không, phải dựa trên 3 yếu tố cơ bản Niên mệnh, Thiên Can, Địa Chi để đưa ra nhận định. Nếu coi 3 yếu tố trên là điểm 10 thì với những năm sinh con đạt từ khung điểm 5 -7 là khá tốt, từ 7 điểm trở lên là rất tốt. Với dự định sinh con của 2 bạn vào năm 2015, tôi xin đưa ra một số nhận xét sau: Bố sinh năm 1980, tuổi Canh Thân niên mệnh Thạch Lựu Mộc. Mẹ sinh năm 1987, tuổi Đinh Mão niên mệnh Lư Trung Hỏa. Nếu sinh con vào năm 2015 (năm Ất Mùi, Sa Trung Kim), sẽ phân tích được kết quả như sau:1. Xung Hợp Niên MệnhGiữa bố và con: Niên mệnh của hai người tương khắc, triệt tiêu lẫn nhau, hungGiữa mẹ và con: Niên mệnh của hai người tương khắc, triệt tiêu lẫn nhau, hungĐánh giá: 0/4 điểm2. Xung Hợp Thiên CanGiữa bố và con: Thiên can của hai người tương hợp nhau, cátGiữa mẹ và con: Thiên can của hai người bình hòa với nhauĐánh giá: 1.5/2 điểm3. Xung Hợp Địa ChiGiữa bố và con: Địa chi của hai người không xung không khắc nhau, bình hòaGiữa mẹ và con: Địa chi của hai người đạt Tam Hợp, cátĐánh giá: 2.5/4 điểm4. Kết luậnTổng điểm: 4/10 điểmNhư vậy vợ chồng bạn không nên sinh con vào năm này. Nên sinh con vào năm 2018 – tuổi Mậu Tuất ( Mệnh Bình Địa Mộc) sẽ được điểm số là 6,5 tốt cho việc sinh con.   
Những lưu ý cho một gian bếp hoàn hảo
- Bếp nên có một vị trí cố định, thuận tiện cho người nấu. Dây chuyền sử dụng như soạn rửa, gia công, chế biến nên coi trọng trước tiên, không nên chồng chéo gây hỗn loạn sự vận hành của dòng khí. - Nên thiết kế bếp phù hợp về kích thước, tỷ lệ con người. Hài hoà về tỷ lệ cũng là tìm được trạng thái cân bằng âm dương, ngũ hành theo phong thuỷ. - Trước mặt của bếp cần phải thoáng rộng, sạch sẽ, yên tĩnh để dòng năng lượng tập trung cung cấp cho bếp được đều đặn, ổn định. Bếp không nên đặt đối diện với cửa chính, khí lúc này xộc thẳng vào khu bếp không tốt, gió thổi trực diện gây tắt bếp, tạt lửa hoặc khiến người đứng nấu không kiểm soát được sau lưng, dễ giật mình, thiếu tập trung khi có gió sập cửa hay người đi ra vào dẫn đến việc xử lý thiếu chính xác khi nấu bếp… - Tránh đặt bếp đối diện với bồn rửa, những vật dụng chứa nước như tủ lạnh, máy giặt... hoặc khu vệ sinh dẫn đến sự xâm nhập của thủy khí và tạp khí làm chiết giảm hoạt tính của bếp. Bếp cũng không nên đặt tại vị trí kẹp giữa những đồ có nước như tủ lạnh hay bồn rửa. Phong thủy gọi đây là thuỷ hoả tương xung, không có lợi về tài lộc gia chủ và sức khoẻ của nữ chủ nhân trong nhà. - Bếp tránh đặt ở vị trí quá sát với cửa sổ họăc dựa lưng vào cửa sổ, vừa làm mất tập trung trong thao tác vừa không thể kiểm soát được các yếu tố tự nhiên bất ngờ. Gió tự nhiên thổi mạnh đôi khi lại làm phân tán bớt đi những dòng năng lượng tích cực. - Không nên bố trí bếp ở ngoài nhà, hành lang. Nên đặt bếp trong nhà chỗ kín đáo, khuất tầm nhìn khi khách đến nhà, nhưng cũng không đặt ở những vị trí tối tăm, tù túng gây bất lợi cho sự vận hành của Dương khí.
Huyền Thanh
Quý độc giả có ý kiến đóng góp hoặc câu hỏi gửi về chuyên mục Phong thủy thường thức xin gửi theo địa chỉ hoặc Ban báo Gia đình và Xã hội Cuối tuần – P. 504, tòa nhà VP3 – Bán đảo Linh Đàm – Hà Nội. Quý độc giả vui lòng ghi rõ ngày tháng, năm sinh và các thông tin cần thiết khác để được tư vấn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022