Độc giả: Trung Dũng
Theo kiến trúc Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T), hiện tượng nền nhà bị phồng rộp, gây nứt trên bề mặt gạch hoặc gây ra tiếng nổ dưới sàn... có thể do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là do chênh lệch nhiệt độ. Ở Việt Nam, mùa hè nhiệt độ rất cao, thường thay đổi đột ngột khiến vật liệu giãn nở không đều, tạo nên những vết nứt trên sàn. Ngoài ra, hiện tượng phồng rộp còn xuất hiện khi các viên gạch giãn nở, viên nọ kích viên kia. Viên nào liên kết kém sẽ bị tách khỏi bề mặt sàn, gây hiện tượng phồng rộp đôi khi kèm theo cả những tiếng nổ. Nguyên nhân chính là do áp suất không khí dưới lớp gạch sinh ra.
Thứ hai là do hiện tượng lún của công trình, đặc biệt ở những công trình liền kề tiếp giáp nhau, nhưng không có khe lún ở giữa. Lúc nàỳ địa tầng thay đổi khác nhau gây nên độ lún, khiến gạch nền nhà bị đùn lên hoặc nứt vỡ.
Hiện tượng gạch nền bị nứt, bong rộp hoặc nổ tung thường do nguyên nhân về kỹ thuật và nhiệt độ.
Thứ ba là do thợ thi công không đúng kỹ thuật. Xi măng lớp dưới gạch không đều khiến cho việc giãn nở không đồng bộ, kèm theo khí hậu nóng ẩm cũng khiến gạch bị phồng rộp, nứt gãy. Ngoài ra, trong quá trình ốp lát, mạch gạch quá khít không có khe co giãn, làm cho gạch không có độ thở mỗi khi thay đổi thời tiết cũng dẫn tới tình trạng phồng rộp. Lý do nữa là trước khi lát, gạch chưa ngậm đủ nước, nên khi lát hoàn thiện việc mất nước nhanh của xi măng cũng khiến liên kết giữa gạch và bê tông kém.
Từ những nguyên nhân này, có thể đưa ra các phương án xử lý như sau:
Ở trường hợp thứ nhất: Đối với gạch bị phồng nhưng chưa bị vỡ hoặc bong ra, bạn cần kiểm tra ngoài những vị trí phồng rộp dễ thấy còn xuất hiện những điểm bong tróc nào nữa không. Sau đó tiến hành khoan bằng mũi khoan 6 vào bất kỳ điểm nào nằm trên mạch giữa các viên gạch. Việc này nhằm mục đích đẩy lượng khí bên dưới gạch thoát ra ngoài. Sau đó bơm trực tiếp hóa chất như keo dán gạch vào lỗ đã khoan để cố định lại viên gạch.
Với trường hợp thứ hai khi những viên gạch đã bong hoặc nứt, phương án tối ưu là cậy bỏ toàn bộ, vệ sinh bề mặt và lát thay thế.
Ngoài hai phương án truyền thống trên, hiện nay trên thị trường còn có loại nẹp khe co giãn sàn gạch, dùng để tạo khe co giãn khi lát. Loại nẹp này thi công đơn giản, giúp ngăn bụi bẩn, đồ vật nhỏ và nước đọng tích tụ trong khe gây mất mỹ quan hay làm giảm tác dụng của khe co giãn đối với công trình.
Trang Vy