Năm 1986 bắt đầu thời kỳ Đổi mới ở Việt Nam, tuy nhiên những hệ quả tích cực của chính sách Đổi mới chỉ bắt đầu ảnh hưởng mạnh tới nền kiến trúc nước ta vào khoảng cuối những năm 1980. Với những bước phát triển vượt bậc về mặt kinh tế - xã hội, với làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, từ thời điểm này người kiến trúc sư khi sáng tác có lẽ đã không còn phải nghĩ nhiều tới “tính tiết kiệm” nữa mà đã có thể “tung hoành” theo quan niệm sáng tạo của bản thân.

Mới đó mà đã khoảng một phần tư thế kỷ trôi qua, nền kiến trúc nước nhà đã có những bước tiến nhảy vọt về nhiều mặt, song cũng không thiếu những công trình mà nhìn vào đó nhiều người không thể không thở dài vì sự méo mó về mặt thẩm mỹ, sự phá hoại không thương tiếc môi trường đô thị. Một phần tư thế kỷ cũng là thời gian đủ dài để chúng ta có thể đưa ra được một cái nhìn khái quát về một thời kỳ phát triển nghệ thuật kiến trúc, thời kỳ mà chúng ta có thể coi là kiến trúc đương đại bởi nó vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, không dừng lại, không chờ đợi ai.

duongdai01.jpgẢnh 1: Nhà học H2, Đại học Xây dựng - thiết kế: KTS Nguyễn Mạnh Thu

Nói đến kiến trúc Việt Nam đương đại, có lẽ chúng ta không khỏi choáng ngợp trước một “rừng” các công trình kiến trúc mới đang vươn lên hàng ngày ở các đô thị từ cấp trung ương tới cấp địa phương, thậm chí ở cả những khu vực mà trước đây thường được coi là hẻo lánh. Hình thái kiến trúc của các công trình xây dựng ở thời kỳ đã trở nên đa dạng hơn các thời kỳ trước đây rất nhiều, vì vậy một cái nhìn tổng quan về những xu hướng sáng tác kiến trúc Việt Nam đương đại là cần thiết và chính là mục tiêu của bài viết này.

XU HƯỚNG HIỆN ĐẠI MỚI (Neo Modernism)

Xu hướng Hiện đại mới trong kiến trúc đương đại Việt Nam có thể coi là một sự tiếp nối thành công nhiều công trình theo trào lưu Hiện đại hậu kỳ ở các đô thị Miền Nam trước năm 1975 và những công trình trên cả nước giai đoạn 1975-1985. Các sáng tác theo xu hướng này vẫn cho thấy hình thức công trình luôn theo sát công năng, tuy nhiên đã có sự tìm tòi những phương cách biểu hiện mới, phù hợp với sự phát triển của công nghệ xây dựng, phù hợp với văn hóa và khí hậu Việt Nam. Do vậy xu hướng sáng tác này cũng có thể được chia thành hai xu thế: Hiện đại mới đơn thuần và Hiện đại mới mang tính địa phương.

Xu thế Hiện đại mới đơn thuần nhấn mạnh phương cách biểu hiện hình thái kiến trúc bằng những giải pháp công nghệ hiện đại, khả năng biểu hiện của các kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực kết cấu thép, kính, bê tông... được tận dụng triệt để tạo ra những bộ mặt kiến trúc hoàn toàn mới mang tính ấn tượng mạnh (ảnh 1). Tuy nhiên xu hướng này cũng dễ dẫn tới dẫn tới hiện tượng cực đoan ở một số công trình khi kết cấu thép kính bị sử dụng một thái quá làm cho công trình giống như các công trình ở Châu Âu hay Bắc Mỹ, không phù hợp với cảnh quan, khí hậu Việt Nam nên tính bản sắc không còn.

duongdai02.jpgẢnh 2: Trung tâm Hội nghị Quốc tế  – thiết kế: KTS Nguyễn Thúc Hoàng và Đặng Kim Khôi

Xu thế Hiện đại mới mang tính địa phương không chỉ chú ý tới công nghệ và vật liệu hiện đại. Điểm nổi bật của những công trình sáng tác theo xu thế này là sự nhấn mạnh vào những giải pháp kiến trúc nhiệt đới, chú ý tới các giải pháp che nắng, thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên làm cho hình thức công trình mang màu sắc bản địa độc đáo (ảnh 2). Cũng có thể coi đây là sự tiếp nối thành công của các công trình Hiện đại hậu kỳ địa phương hóa trước đây mà điển hình là các công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

XU HƯỚNG HIGH-TECH

Sự phát triển mạnh mẽ về các mặt kinh tế, xã hội Việt Nam những năm gần đây tạo ra những yêu cầu mới đối với kiến trúc, các công trình kiến trúc ngày càng trải rộng hơn, vươn cao hơn. Cùng với sự phát triển mạnh về cả chiều cao và khẩu độ ở các công trình kiến trúc đương đại thì xu hướng High-Tech càng đặc biệt có đất diễn. Với những công trình siêu cao tầng, công năng phức hợp hay những công trình đòi hỏi không gian lớn thì việc ứng dụng những công nghệ xây dựng hiện đại nhất là điều đương nhiên, như vậy thì kiến trúc các công trình theo xu hướng High-Tech cũng có sự gần gũi với xu hướng Hiện đại mới (ảnh 3).

duongdai03.jpgẢnh 3: Bảo tàng Hà Nội - thiết kế: KTS  M. von Gerkan và N. Goetze

Tuy nhiên điểm khác biệt rõ rệt của các công trình High-Tech là việc sử dụng hệ thống kết cấu hiện đại như một ngôn ngữ biểu cảm chính dẫn tới những ấn tượng mạnh về mặt cảm thụ thị giác hình khối công trình theo phương đứng hoặc phương ngang, những vật liệu cao cấp được sử dụng nhiều trong việc trang mặt ngoài công trình. Xu hướng High-Tech trong kiến trúc Việt Nam đương đại thường thấy nhất ở những công trình siêu cao tầng như các tổ hợp nhà ở, văn phòng hay những những công trình đòi hỏi không gian lớn như nhà ga sân bay, các công trình trưng bày, biểu diễn lớn (ảnh 4).

duongdai04.jpgẢnh 4: Bitexco Financial Tower - thiết kế: KTS  C. Zapata

XU HƯỚNG BIỂU HIỆN MỚI

Kiến trúc Biểu hiện không có gì xa lạ ở Việt Nam, ngôi chùa Một Cột độc đáo gợi lại hình ảnh của một bông sen vươn lên từ mặt nước đã được xây dựng từ thời Lý hay Gác chuông chùa Keo mang đậm chất điêu khắc được xây dựng từ thời Lê. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian dài gắn bó với chủ nghĩa Công năng, kiến trúc Việt Nam mới lại nhìn thấy một số công trình theo xu hướng Biểu hiện mới.

Xu hướng Biểu hiện mới trong kiến trúc Việt Nam đương đại có thể được chia thành hai xu thế tương đối rõ nét: Xu thế sử dụng ngôn ngữ Biểu hiện làm tôn nổi công năng và xu thế tách rời công năng khỏi ngôn ngữ hình thái mang đậm chất lãng mạn.

Xu thế thứ nhất có thể thấy rõ ở nhiều công trình tưởng niệm, đặc biệt là ở một số Đài tưởng niệm liệt sĩ do kiến trúc sư Lê Hiệp thiết kế, những mái đền hay cây đa cách điệu làm tôn nổi sự trang nghiêm, tính lịch sử của công trình (ảnh 5).duongdai05.jpgẢnh 5: Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn - thiết kế: KTS Lê Hiệp

Xu thế thứ hai có thể hy sinh phần nào công năng, khiến cho công năng trở nên “bất tiện” hay thậm chí tạo ra những không gian “phi công năng” nhằm phục vụ cho ý tưởng lãng mạn, bay bổng của người sáng tác, tạo ấn tượng mạnh cho người chiêm ngưỡng và sử dụng công trình (ảnh 6).duongdai06.jpgẢnh 6: Crazy House – thiết kế: KTS Đặng Việt Nga

XU HƯỚNG KIẾN TRÚC SINH THÁI

Xu hướng kiến trúc Sinh thái mới xuất hiện khoảng 10 năm gần đây ở Việt Nam với chủ đích là đưa công trình kiến trúc gắn liền với tự nhiên, tích hợp với các đặc điểm cơ bản của tự nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm. Chính nhờ sự gắn bó hữu cơ với tự nhiên nên kiến trúc Sinh thái Việt Nam dễ dàng tạo dựng tính độc đáo cho riêng mình do các điều kiện tự nhiên ở mỗi nước đều có đặc điểm riêng, không có sự trùng lặp.

Các sáng tác theo xu hướng kiến trúc Sinh thái hiện nay cũng có thể được chia thành hai xu thế: Xu thế sử dụng các vật liệu tự nhiên và xu thế sử dụng vật liệu hiện đại.

Xu thế đầu thường sử dụng bộ khung kết cấu chịu lực bằng tre, mái lợp lá gắn liền với các sáng tác của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào... Ưu điểm nổi bật của xu thế này là thân thiện với môi trường, dễ dàng tạo ra tính độc đáo của công trình, tuy nhiên nguồn vật liệu tự nhiên cũng có hạn và khả năng chịu lực của chúng cũng không cao nên không thể xây dựng đại trà được (ảnh 7).duongdai07.jpgẢnh 7: Gian hàng Việt Nam tại Expo Thượng Hải 2010 – thiết kế: KTS Võ Trọng Nghĩa

Xu thế sử dụng vật liệu hiện đại như bê tông, thép... mặc dù có giảm bớt tính thân thiện với môi trường nhưng cho phép kiến trúc sư có thể “tung hoành” trong việc sáng tác các công trình đòi hỏi không gian lớn hay cao tầng. Mặt khác do không bị hạn chế bởi tính hữu hạn của vật liệu nên hoàn toàn có thể xây dựng đại trà miễn là đáp ứng được các tiêu chí của kiến trúc Sinh thái (ảnh 8).duongdai08.jpgẢnh 8: Chung cư The Grand View - thiết kế: Công ty Tange International Consultants

XU HƯỚNG KHAI THÁC KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG

Đây là một xu hướng sáng tác khai thác phương cách bố cục không gian, các bộ phận và chi tiết của kiến trúc truyền thống, phù hợp với đặc trưng văn hóa và điều kiện khí hậu Việt Nam. Những bộ mái dốc, kết cấu che nắng, các họa tiết trang trí truyền thống kết hợp với cây xanh, mặt nước khi được đưa vào một cách hợp lý trong các công trình hiện đại có thể dễ dàng tạo ra hình thái kiến trúc độc đáo mang tính bản địa rõ ràng, đây cũng có thể coi là sự tiếp nối phong cách Kiến trúc Đông Dương lừng lẫy một thời (ảnh 9).

Tuy nhiên, việc lạm dụng các yếu tố kiến trúc truyền thống trong khi chưa nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các yếu tố này có thể tạo ra những công trình mang nặng tính hình thức, rối rắm và nệ cổ. Đặc biệt là việc gán ghép các yếu tố kiến trúc dân tộc với các yếu tố kiến trúc cổ điển, hiện đại Phương Tây một cách thiếu suy nghĩ dẫn đến việc tạo ra những công trình mang tính “Đông Tây kết hợp”, “Tân cổ giao duyên” đang lan tràn ở các đô thị Việt Nam.duongdai09.jpgẢnh 9: Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc – thiết kế: KTS  Nguyễn Thế Thảo và Nguyễn Việt Châu

XU HƯỚNG HẬU HIỆN ĐẠI

Kiến trúc Hậu Hiện đại (Post-Modernism) phát triển mạnh trên thế giới từ thập kỷ 60 đến thập kỷ 80 của thế kỷ XX khi phong cách kiến trúc Hiện đại (Modernism)  bị một số tác giả lên án như là những khối hộp vô hồn được thiết kế “từ phía trong ra chứ không phải từ không gian bên ngoài vào”. Chủ nghĩa Hậu Hiện đại hướng tới các giá trị mang tính lịch sử, tính địa phương và tính quần chúng nhờ sự hòa trộn độc đáo các yếu tố cổ điển và hiện đại. Tuy vậy kiến trúc Hậu Hiện đại cũng thường bị phê phán như  “một mớ cóp nhặt từ khắp nơi”, sa đà vào các hình thức của quá khứ...

Ở Việt Nam, những ưu thế của kiến trúc Hậu Hiện đại vẫn được phát huy ở những đô thị hình thành từ thời Pháp thuộc, nơi mà các các công trình Tân Cổ điển vẫn còn hiện hữu và đang trở thành những di sản kiến trúc mang màu sắc đặc trưng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác. Những công trình Hậu hiện đại thường được xây dựng ở những khu phố Pháp ở các đô thị này và khi mà những yếu tố Cổ điển được sử dụng như một định đề sáng tạo của kiến trúc Hậu Hiện đại thì các tác phẩm theo xu hướng này thật dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh một cách không khiên cưỡng mà khách sạn Hilton Opera là một ví dụ (ảnh 10, 11).duongdai10.jpgẢnh 10: Khách sạn Hilton Opera – thiết kế: KTS  E. De Chambure và P. Pascal

duongdai11.jpgẢnh 11: Khách sạn Hilton Opera và Nhà hát lớn Hà Nội

XU HƯỚNG NHẠI CỔ

Nói đến các xu hướng sáng tác nổi bật như tiêu đề bài báo đưa ra thường làm ta nghĩ đến những xu hướng tích cực, nhưng điều đáng buồn là bài báo này phải nói tới một xu hướng sáng tác có tác động rất tiêu cực đến nền kiến trúc nước nhà: xu hướng nhại cổ mà chủ yếu là nhại kiến trúc thời Pháp thuộc.

Trước tiên cũng phải nhắc lại rằng kiến trúc Pháp thuộc đã để lại dấu ấn đậm nét và đã được coi là một bộ phận của di sản kiến trúc tại khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác ở Việt Nam. Bộ phận kiến trúc này cũng có rất nhiều công trình mang tính hiện đại như kiến trúc Art Deco hay tính dân tộc như kiến trúc phong cách Đông Dương, tuy nhiên điều đáng buồn là đa phần các công trình nhại cổ ngày nay lại chỉ chú trọng tới các công trình Tân cổ điển và phong cách Địa phương Pháp, hai phong cách “thuần Pháp” và hầu như không còn được thiết kế, xây dựng trong giai đoạn cuối thời kỳ Pháp thuộc.

Xu hướng nhại Tân cổ điển thường được áp dụng ở việc thiết kế trụ sở các cơ quan công quyền và một số biệt thự của các “đại gia” mới nổi với hình thức đăng đối giả tạo chẳng ăn nhập gì với công năng cùng bộ mái Mansard và những hàng cột chẳng ra thức La Mã hay Hy Lạp... Thiết kế kiểu này tạo ra những tòa nhà bệ vệ, trưởng giả, xa rời quần chúng và không ăn nhập chút nào với cảnh quan thiên nhiên Việt (ảnh 12).duongdai12.jpgẢnh 12: Trụ sở Bộ Tài chính

Xu hướng nhại kiến trúc Địa phương Pháp lại thường được áp dụng trong thiết kế trường học và nhiều biệt thự, thậm chí là mặt tiền nhà liên kế. Có lẽ các kiến trúc sư – tác giả quá ấn tượng với những ngôi trường và biệt thự dành cho người Pháp giai đoạn đầu thời kỳ Pháp thuộc nhằm đáp ứng tâm lý nhớ quê hương của họ. Những công trình theo kiểu này luôn có bộ mái lợp ngói “tây”, ở trường học thì phải có mặt ngoài hành lang xây cuốn, ở biệt thự thì “dứt khoát” là phải có hệ công xon gỗ kiểu Pháp kể cả khi mái được đổ bằng bê tông (ảnh 13). duongdai13.jpgẢnh 13: Trường THCS Chu Văn An, Gia Lai

KẾT LUẬN

Phân định rạch ròi các trường phái hay xu hướng sáng tác trong kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc hiện đại chưa bao giờ là một công việc dễ dàng bởi sự đan xen về ngôn ngữ sáng tác ở cùng một tác giả, ngay trong một công trình là điều rất phổ biến trong kiến trúc hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà cả trên bình diện toàn cầu.

Hãy lấy một công trình tầm cỡ quốc gia vừa được đưa vào sử dụng là Nhà Quốc hội làm ví dụ: Theo ý tưởng mà các kiến trúc sư - tác giả thuyết minh thì hình khối kiến trúc tòa nhà được dựa trên hình tượng bánh chưng - bánh giầy với khối vuông ở dưới, khối tròn ở trên, như vậy thì công trình cũng đã phần nào mang tính Biểu hiện; bên cạnh đó là việc sử dụng các hình thức che nắng bằng các lam bê tông kết hợp với cây xanh theo phương đứng và các giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên cho thấy công trình cũng mang xu hướng Sinh thái; tuy nhiên nếu nhìn tổng thể về hình thái kiến trúc công trình thì chúng ta có thể xếp tòa nhà Quốc hội vào xu hướng Hiện đại mới mang tính địa phương thì có lẽ mang tính thuyết phục hơn cả (ảnh 14).

duongdai14.pngẢnh 14: Nhà Quốc hội Việt Nam

Bởi lý do nêu trên mà bài báo này không có tham vọng nêu được hết các xu hướng sáng tác trong kiến trúc Việt Nam đương đại, nhất là trong hoàn cảnh kiến trúc nước nhà đang ở giai đoạn “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” như hiện nay, có rất rất nhiều những công trình “đầu Ngô mình Sở” mà thú thực là tác giả bài viết không biết xếp chúng vào xu hướng sáng tác nào, có thể sau này chúng lại được coi là những đại diện của chủ nghĩa “Chiết trung mới” chăng?

KTS. Trần Quốc BảoGiảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựngNhóm Nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội (GRAH)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022