Rời Sài Thành ngột ngạt, vợ chồng trẻ chi 50 triệu cải tạo căn bếp giữ lửa cho gia đình ở Đà Lạt và gây bão "like" mạng xã hộiĐọc ngay
Nếu bạn là người thích nấu ăn, làm bánh và dành chủ yếu thời gian trong bếp nhưng lại không thích đi siêu thị mua đồ ăn thì có lẽ sẽ đồng cảm với sâu sắc với chị Nguyễn Dung (hiện đang sinh sống tại Úc). Bởi lẽ, việc đi siêu thị hay mua đồ ăn đều được ông xã chị thực hiện.
"Thường thì khoảng 1-2 tuần anh sẽ đi mua đồ ăn 1 lần. Tuy nhiên do công việc, anh hay đi công tác xa nhà, trước mỗi chuyến đi công tác là anh sẽ mua đồ cho 2 mẹ con ở nhà. Chắc là do tâm lý sợ ở nhà 2 mẹ con thiếu đồ ăn nên anh thường mua dư.
Và thế là mỗi lần ông xã đi siêu thị về là mình tha hồ phân chia đồ đạc: Rau củ để tủ lạnh, thịt cá cũng cần chia nhỏ theo khẩu phần từng bữa, tới khi nấu không phải giã đông tất cả. Thỉnh thoảng lại có cả quà là gói bánh ngọt để vợ nhâm nhi với ly trà. Thế nên một chiếc tủ lạnh to trong căn bếp nho nhỏ là thứ cả 2 vợ chồng mình đều gật gù hưởng ứng. Cũng từ tâm lý đó mà căn bếp của mình luôn có rất nhiều thứ: Từ các loại bột để làm bánh, các loại hạt, đồ đông lạnh…", chị Nguyễn Dung chia sẻ.
Chị Nguyễn Dung bên con trai nhỏ của mình.
Góc tủ bếp là nơi được chị Nguyễn Dung yêu thích nhất. Bởi có nhiều ngăn lưu trữ để bày biện. Thiết kế tủ trắng bên trên và ngăn nhỏ là do hai vợ chồng tự tay thiết kế.
Cả hai vợ chồng chị Nguyễn Dung đều không phải dân thiết kế nhưng đây là căn bếp đầu tiên của gia đình nên đã cùng nhau thực hiện. "Mình thì thích phong cách cổ điển, anh xã thì thích hiện đại, con trai thì thích thập cẩm nên cuối cùng bọn mình chọn đơn giản. Cái tủ bếp trong phòng để đồ khô là do 2 vợ chồng thiết kế, nhận nhà xong, tự liên hệ với thợ, đưa bản vẽ cho họ làm. May mắn chọn được bác thợ có tâm, nên làm rất chu đáo".
Phòng bếp theo phong cách đơn giản sau nhiều lần họp bàn ý kiến của gia đình.
Theo chị Nguyễn Dung, do lần đầu xây nhà nên vẫn còn nhiều thiếu sót như cách sắp xếp vị trí để máy rửa bát, tủ để bát đũa, chỗ để lò vi sóng nhưng dù sao chị vẫn cảm thấy rất hài lòng. Và từ căn bếp nhỏ này, 2 mẹ con đã nấu ra rất nhiều món ăn, căn bếp lúc nào cũng đỏ lửa.
Một vài góc nhỏ trong phòng bếp của gia đình.
Điều quan trọng nhất mà chị Nguyễn Dung nhận thấy, đó là con trai chị cũng đã có rất nhiều bài học bổ ích từ căn bếp. Từ việc sẵn sàng vào bếp phụ mẹ nấu nướng, nặn cho mẹ chiếc bánh, làm cho bố món kem yêu thích để có những trải nghiệm thực tế đầu đời đầy ý nghĩa.
Những món đồ cơ bản cũng được chị Nguyễn Dung điểm danh trong loạt danh sách cần có trong phòng bếp cho các chị em, để dù là người lười đi siêu thị vẫn phải đầy đủ, tươm tất.
Bột làm bánh
Bếp của gia đình chị Nguyễn Dung lúc nào cũng rất nhiều bột mì từ bột làm bánh mì, bột đa dụng (để làm các món như bánh ngọt, bánh bao, Pancake, Waffle ….) hay bột Self-rasing để làm một số loại bánh như Scone. Vì đơn giản cả chồng và con trai chị đều thích làm và ăn bánh.
Thịt, cá, tôm
Những thực phẩm này khi được ông xã mua về nhà chị Nguyễn Dung sẽ chia vào hộp để ngăn đá. Nếu ngày mai muốn nấu gì thì hôm nay có thể cho vào ngăn mát, đến bữa chỉ việc nấu rất tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngăn đá của gia đình chị có đủ hộp từ nhỏ (đựng thịt băm nấu canh) đến hộp to đựng thực phẩm để nấu cho cả nhà, hay hộp cỡ vừa đủ nấu cho 2 mẹ con… Nói chung rất tiện và không tốn quá nhiều thời gian chuẩn bị.
Rau và hoa quả
Gia đình chị Nguyễn Dung luôn mua các loại rau và hoa quả chỉ vừa đủ ăn. Vì gia đình vốn thích ăn nhiều rau nên việc bảo quản rau tươi rất quan trọng. Rau mua ở siêu thị về thường ướt, chị Dung sẽ để ngoài cho khô ráo rồi bọc báo và cho vào tủ lạnh.
Với một số loại rau nhanh bị hỏng như rau cải cúc chị sẽ cho vào hộp chuyên dụng cho rau hoặc ăn trước, các loại rau giữ được lâu thì sẽ ăn sau.
Các loại nước xịt lau bàn, rửa tay, rửa bát, cọ bồn cầu
Đây đều là những loại hóa chất để tẩy rửa vết bẩn và gia đình chị cũng thường xuyên sử dụng. Chị Dung vốn thích mọi thứ bóng và sạch sẽ từ bàn bếp, bồn rửa bát, bồn rửa mặt, vòi nước, bồn cầu. Nên những chai nước tẩy rửa vết bẩn không bao giờ được phép thiếu trong gia đình.
"Thực ra, những hóa chất này không hại như chúng ta thường nghĩ. Khi dùng đeo bao tay, tránh ngửi trực tiếp, lau xong thì lau lại bằng khăn ẩm thì mọi thứ sẽ sạch bóng. Chứ nhà vệ sinh, nhà bếp có rất nhiều vi khuẩn, chỉ dùng nước và khăn thì không thể sạch được".
Hộp đựng thực phẩm trong tủ lạnh và thực phẩm khô
Đồ ăn trong tủ lạnh chị Nguyễn Dung thường thích đựng vào hộp kín để vi khuẩn không thể xâm nhập. Ngoài ra, với những đồ ăn cần hâm nóng thì chị chọn hộp thủy tinh, chịu được nhiệt trong lò vi sóng, sẽ tốt hơn hộp nhựa rất nhiều.
Vốn là một người không ngăn nắp lại không giỏi sắp xếp đồ đạc nên nhiều khi đồ đạc trong phòng bếp cứ ngổn ngang. Để khắc phục tình trạng luộm thuộm thì chị Dung cũng sử dụng hộp đựng thực phẩm, phân loại, cho vào hộp rồi ghi tem cụ thể, mỗi khi muốn gì thì lấy trong hộp rất nhanh chóng.
Trà
Là người thích thích uống trà, ban đầu chị Nguyễn Dung chỉ quen uống vài loại cơ bản như trà xanh, trà bá tước, trà đen. Nhưng rồi mỗi lần đi siêu thị mua đồ ăn, ông xã chị lại mang về vài vị trà mới nho nhỏ để thử. Dần dần, phòng bếp của gia đình cũng đầy ắp những vị trà cực đa dạng từ lúc nào không hay.
Các loại gia vị
Gia đình chị Dung thường nêm đồ ăn bằng muối và không dùng bột ngọt, hạt nêm nên rất hiếm khi sử dụng đường. Chính vì thế, các loại gia vị, nước sốt để ướp, lá khô…là những thứ không thể thiếu trong căn bếp của gia đình.
Cùng ngắm thêm không gian phòng bếp đầy đủ tiện nghi của chị Nguyễn Dung.
Ảnh và video: NVCC