Cũng như nhiều người phụ nữ khác, khi chọn lựa căn hộ và thiết kế các công năng cho gia đình mình, chị Kim Dung (Hà Nội) chú trọng nhiều đến khu nấu nướng
Trước đây vợ chồng chị từng sống trong căn nhà của bố mẹ chồng. Khi ra ngoài ở riêng vì con đã lớn dần, chị Dung quyết định tạo một góc ăn uống thật xinh đẹp để có nhiều cảm hứng vào bếp mỗi khi trở về nhà.
Theo chị, căn bếp chính là nơi giữ gìn hơi ấm, hòa khí cho không gian sống. Vì thế, căn bếp vừa là nơi "giấu kín" các vật dụng để tạo sự gọn gàng cho căn hộ vừa là nơi để mọi người dành thời gian quan tâm đến nhau nhiều hơn.
Căn bếp được chị Dung "giấu kín" vào khu vực riêng, tách khỏi khu vực sinh hoạt chung để tạo sự ngăn nắp về tổng thể.
Bí quyết của chị Dung giúp căn bếp nhỏ của gia đình mình rộng thoáng hơn chính là sử dụng đồ trang trí, đồ dùng cùng tone màu với bếp hoặc có tone màu hài hfoa. Bếp được chị lựa chọn màu gỗ sáng và trắng, đồ dùng chọn tone trắng - gỗ - be. Nhà có trẻ con nên không thể tránh được mấy đồ có màu đỏ - xanh với chức năng hâm sữa, cọ rửa bình sữa…
Khu vực nấu luôn gọn gàng, ngăn nắp. Hốc bên cạnh tủ lạnh đang để chờ lắp lò vi sóng và lò nướng. Lúc làm bếp, do kinh phí có hạn nên chị chỉ chọn lắp máy rửa bát.
Không gian sống luôn tuân theo quy tắc ít đồ, sắp xếp đơn giản để tâm hồn luôn thư thái, nhẹ nhõm.
Chia sẻ về lý do thiết kế bếp lấy cảm hứng từ lối sống tối giản, chị Kim Dung bộc bạch: "Trước khi đọc cuốn "Lối sống tối giản của người Nhật" và "Nghĩ đơn giản cho mình thanh thản", mình đã không hề nghĩ rằng những đồ vật xung quanh có thể tác động, thậm chí là mạnh mẽ lên tâm trạng của mình. Nhưng chiêm nghiệm và ngẫm lại, mình thấy hoàn toàn đúng.
Một ngày mệt mỏi với công việc và muôn vàn áp lực, khi bước chân về nhà thấy mọi thứ đều ngổn ngang y như tâm trạng, cảm giác trong lòng chỉ muốn chết đi một lúc. Thế nhưng, sau một ngày trở về nhà, nếu nhìn thấy căn nhà gọn gàng đơn giản, tâm hồn cũng trở nên nhẹ nhõm, bão tố cũng cứ thế dịu dần".
Ngăn đựng bát đĩa hay sử dụng.
Dưới bồn rửa đựng các loại tẩy rửa.
Kệ thớt dao.
Ngăn đựng gia vị giúp chị Dung dễ thao tác khi nấu nướng. Chị rất thích ngăn đựng này vì tránh được việc bày bừa phía trên khiến căn bếp dễ trở nên lộn xộn.
Tủ đựng phía trên đựng cốc, ly, chai, lọ...
Dưới bếp từ là 2 ngăn để xoong chảo.
Căn bếp là nơi nhiều đồ đạc nhất và cũng dễ bừa bãi nhất, dễ bẩn nhất và khó vệ sinh nhất. Vì thế, khi thiết kế bếp, chị Dung đã yêu cầu đơn vị kiến trúc sư thiết kế căn bếp thật đơn giản, dễ lau dọn và có nhiều tủ chứa đồ. Góc bếp cũng được chị sắp xếp theo cách của mình.
Đó là chị tưởng tượng khi bản thân bận rộn nhất vẫn có thể cất hết mọi thứ đang bừa bộn trong chớp mắt. Khi cuống lên thật nhanh cho kịp giờ cơm vẫn có thể với cái này, lấy cái kia dễ dàng.
Tủ đựng các hộp nhựa, máy móc, dụng cụ.
Kệ để đựng các đồ lặt vặt cho gia đình và cho các bé. Chị Dung chọn mua thêm những chiếc giỏ mây để đồ đạc được cất trữ ngăn nắp hơn.
Cũng từ khi có căn bếp của riêng mình, chị mua gì cũng trở nên đắn đo hơn. Sau cảm giác thích, chị dừng lại vài phút tự chất vấn bản thân: "Cái này mua về bao giờ thì dùng, dùng mục đích gì, nếu chưa dùng thì cất ở đâu, cất rồi thì liệu có dùng tới nữa không…". Cuộc chất vấn ấy đủ để chị đưa ra quyết định sáng suốt về việc mua các món đồ cần thiết cho cuộc sống. Đó cũng là sự gọn gàng, tối giản, vì ít đồ tự khắc sẽ giảm bày bừa.
Tủ phía trên đựng đồ khô. Chị hạn chế mua nhiều để có thể sử dụng hết số đồ mình đã mua.
Một ngăn riêng đựng các loại bánh kẹo.
Ngăn đựng bát đĩa của các bé phù hợp với chiều cao giúp bé dễ dàng tự lấy đồ cho mình.
Chị Dung là mẹ của 3 bạn nhỏ. Nhà có nhiều trẻ con nên không tránh được nhiều đồ linh tinh. Chị đã giảm thiểu tối đa sự bày bừa đó bằng việc phân khu cho đồ đạc tùy mục đích sử dụng. Đến thời điểm hiện tại, khi căn bếp qua nhiều ngày sử dụng vẫn luôn giữ được sự ngăn nắp, chị Dung cảm thấy cuộc sống thêm nhiều điều thú vị, căn nhà đúng nghĩa là tổ ấm trọn vẹn, bình yên.
Theo Afamily/Nhịp sống Việt