Ussery, một chuyên gia thẩm mỹ đến từ Benoit, Mississippi tự làm hầu hết công việc và tạo ra một ngôi nhà rộng 140 m2 có 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, thậm chí có bồn tắm nước nóng tại nơi trước kia là buồng lái. Thời đó cô tiêu tốn khoảng 30.000 USD, tương đương 60.000 USD hiện nay.
Cô đã sống trên chiếc máy bay 5 năm, đến khi nó hư hỏng không sửa được nữa.
Jo Ann Ussery sống trong chiếc máy bay từ 1995 đến 1999. Ảnh: CNN
Mặc dù không phải người đầu tiên sống trên máy bay, cách sống của Ussery đã truyền cảm hứng cho Bruce Campbell, một kỹ sư điện có bằng phi công tư nhân. "Tôi đang lái xe về nhà và nghe radio câu chuyện của Jo Ann. Sáng hôm sau tôi bắt đầu thực hiện ngay mong ước của mình", ông nói.
Campbell đã sống trên chiếc máy bay Boeing 727 hơn 20 năm, trong khu rừng ở Hillsboro, Oregon. "Tôi rất biết ơn ý tưởng của Jo Ann. Tôi sẽ không bao giờ sống trong một ngôi nhà thông thường", ông nói.
Dự án tiêu tốn 220.000 USD, tương đương 380.000 USD hiện nay. Chiếc Boeing này từng vận chuyển hài cốt của ông trùm vận tải Aristotle Onassis năm 1975. Tỷ phú người Argentina gốc Hy Lạp này đã kết hôn với cựu Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis (vợ của Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy) 7 năm trước khi ông qua đời.
"Tôi không biết lịch sử của chiếc máy bay vào thời điểm đó. Và tôi không biết nó có nội thất kiểu cũ, trông thực sự khủng khiếp so với các tiêu chuẩn hiện đại", ông nói.
Kết quả, Campbell phải dành vài năm cải tạo. Hiện máy bay của ông có nội thất phá cách, vòi hoa sen, ghế sofa. Trong thời gian khắc nghiệt nhất của mùa đông, Campbell thường lui tới Miyazaki, một thành phố ở miền nam Nhật Bản có thời tiết cận nhiệt đới, nơi ông sở hữu một căn hộ nhỏ. Nhưng ba năm đại dịch đi lại khó khăn nên ông đã sống ở máy bay của mình quanh năm.
Campbell thường xuyên đón khách và thậm chí còn cung cấp chỗ ở miễn phí trên máy bay. Vào mùa hè, ông tổ chức các sự kiện đón nhiều người.
Campbell có một chiếc sofa dùng làm giường ngủ trong chiếc Boeing 727. Ảnh: CNN
Nếu bạn nghĩ sống trên một chiếc máy bay đã xa xỉ, thì Joe Axline đang sống trên hai chiếc, MD-80 và DC-9, nằm cạnh nhau trong một khu đất ở Brookshire, Texas.
Axline sống ở MD-80 hơn 10 năm, sau khi ly hôn năm 2011 và đang lên kế hoạch cải tạo chiếc DC-9 thành khu vực giải trí như rạp chiếu phim và phòng chiếu âm nhạc. Ông gọi kế hoạch lớn của mình là "Dự án Tự do".
"Tôi chưa có đủ 250.000 USD cho toàn bộ dự án", Axline nói. Ông đã có đất, hệ thống thoát nước và giếng, chỉ cần điện. Trong nhiều năm, ông thậm chí còn chia sẻ không gian sử dụng máy bay với các con. Hiện giờ các con đã lớn, chỉ mình ông sống.
"Có nhiều khoảng không gian trong ngôi nhà của tôi, có điều tất cả đều không lãng phí", ông nói.
Máy bay của ông có phòng ngủ rộng, chứa tới 2 chiếc TV. Phòng ăn đủ chỗ chứa cho cả nhóm. Ông cũng có vòi hoa sen, toilet trong đó. "Thứ duy nhất tôi thiếu là cửa sổ. Tôi chỉ thi thoảng mở cửa để không khí trong lành vào nhà", ông nói.
Axline cũng quan tâm đến một chiếc Boeing 747, nhưng đã bỏ qua vì phí vận chuyển quá cao. "Chiếc máy bay đã có giá khoảng 300.000 USD, nhưng chi phí vận chuyển là 500.000 USD bởi cách duy nhất để đưa nó đến chỗ mới là tháo rời rồi lắp lại", ông nói.
Hai chiếc máy bay của Axline, một chiếc để ở, một chiếc đang cải tạo. Ảnh: CNN
Vẫn còn nhiều người khác biến máy bay thành nhà. Một trong những chiếc sớm nhất là chiếc Boeing 307 Stratoliner từng thuộc sở hữu của nhà tài phiệt, kiêm đạo diễn Howard Hughes. Ông đã chi rất nhiều tiền để biến nó thành "Penthouse bay".
Sau khi bị một cơn bão làm hư hại, nó được biến thành một chiếc du thuyền xa hoa và cuối cùng được mua vào những năm 1980 bởi Dave Drimmer, người Florida. Ông đã sống trong chiếc thuyền lai máy bay trong 20 năm, cuối cùng tặng nó cho Bảo tàng Hàng không Florida năm 2018.
Ca sĩ nhạc đồng quê người Mỹ Red Lane đã sống hàng thập kỷ trong chiếc xe DC-8 đã được cải tạo vào cuối năm 1970. "Tôi chưa bao giờ thức dậy ở nơi này và ước mình đang ở một nơi khác", ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 2006 .
Quá trình sở hữu, cải tạo và sống trong máy bay có rất nhiều khó khăn. Một trong số đó đến từ cái nhìn tò mò của người xung quanh. "Lời khuyên của tôi là hãy làm điều đó. Đừng để bất cứ ai lung lay sự tự tin của bạn. Tính toán tất cả các công việc cần thiết và cứ làm thôi", Campbell nói thêm.