Sinh viên tốt nghiệp ngành y đi làm sale, tốt nghiệp tài chính ngân hàng đi làm ngành công nghệ thông tin, tốt nghiệp sư phạm lại có thể làm nhân viên văn phòng…
Những lựa chọn năm 18 tuổi non nớt có thể sau vài năm trở thành cái lắc đầu ngao ngán: Sai lầm tuổi trẻ. Vậy nên đã có những người trẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn, dứt khoát tìm một con đường mới nhen nhóm hy vọng thành công.
Sai lầm khi lựa chọn ngành nghề ở tuổi 18
"Thay đổi định hướng về nghề nghiệp của mình sau khi đã tốn rất nhiều thời gian dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học, đó là thử thách đầu tiên cho những bạn sinh viên nuôi suy nghĩ làm trái ngành giống như mình của 2 năm trước", Trần Phạm Anh Khôi chia sẻ.
Anh Khôi năm nay 22 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đang là lập trình viên tại một công ty phần mềm.
Góc làm việc yêu thích của Anh Khôi (Ảnh: NVCC).
Ở tuổi 18, các bạn học sinh THPT chưa đủ kinh nghiệm để tự đưa ra quyết định. Nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài khiến cho lựa chọn không chính xác.
Một số bạn trẻ khác chưa có định hướng về nghề nghiệp tương lai, "nhắm mắt" chọn theo trào lưu xu hướng, theo bạn bè, mà không có sự tìm hiểu, tư vấn, không biết được khả năng có phù hợp với ngành hay không, dẫn đến bây giờ muốn từ bỏ những quyết định mơ hồ năm đó.
Cùng chung thực trạng này, Nguyễn Phúc Trường - phóng viên thể thao tại một đài truyền hình - chia sẻ: "Mình vừa nhận bằng tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh kinh doanh của Trường Đại học Tài chính - Marketing. Chắc hẳn khi nghe mình nói về chuyên ngành của mình các bạn sẽ ngạc nhiên bởi hiện tại mình đang làm việc tại đài truyền hình.
Ban đầu mình lựa chọn học ngành này vì có đam mê với tiếng Anh và cũng có một chút năng khiếu. Ngành học này lúc đó cũng khá "hot" và gia đình cũng có định hướng cho mình theo đuổi nó".
Định hướng lại đúng đam mê, hợp sở trường
Việc bản thân chủ động tìm hiểu để lựa chọn con đường phù hợp với mình trong thời đại hiện nay không quá khó cũng không bao giờ là muộn.
Anh Khôi chia sẻ về cách anh ấy định vị lại chính mình: "Mình đã tham khảo kim chỉ nam cho cuộc sống vẹn toàn - Ikigai. Mình đã liên tục trả lời những câu hỏi đó và rồi đưa ra quyết định cho sự nghiệp mới".
Những câu hỏi được Anh Khôi nhắc đến nằm trong vòng tròn Ikigai có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào. Cụ thể: "What do you love?" (Bạn yêu thích điều gì?), "What are you good at?" (Bạn giỏi ở lĩnh vực nào?), "What does the world need" (Xã hội này đang cần bạn làm gì?), "What can you be paid for?" (Điều gì giúp bạn kiếm được thu nhập?).
Câu trả lời về công việc phù hợp với mình là giao điểm của các vòng tròn (Ảnh: Nhà xuất bản First News).
Khi được hỏi về lý do làm trái ngành học, Phúc Trường chia sẻ: "Nó xuất phát từ đam mê về thể thao của mình, đặc biệt là bóng đá. Trước đây khi chọn ngành vào đại học, mình chưa từng nghĩ đến bóng đá, có thể năm 18 tuổi mình cho rằng mình không đủ sức theo đuổi ngành này.
Sau nhiều lần thử sức, mình nhận thấy khả năng của bản thân nên quyết định gắn bó với công việc này".
Nắm bắt cơ duyên, tận dụng cơ hội
4 năm ngồi trên giảng đường đại học là không ngắn và những kiến thức sinh viên thu nhận được cũng đủ chuyên sâu để bắt đầu một sự nghiệp. Nhưng nếu ngành học đó không phải ngành mà bạn đam mê, không phải sở trường, bạn có chấp nhận đi chậm hơn những người bạn cùng trang lứa để quyết định làm trái nghề, bắt đầu từ con số không?
Phúc Trường chia sẻ anh nhận được sự ủng hộ lớn từ gia đình khi thay đổi ngành nghề. Chàng trai cho biết, để có được thành công trong công việc hiện tại, anh đã trang bị kiến thức và kỹ năng bằng cách học một khóa bình luận bóng đá. Đó là bước đệm để Trường có được chỗ đứng trong ngành nghề khắc nghiệt.
Những trải nghiệm thực tế của Phúc Trường khi làm việc tại HTV giúp ích cho bạn rất nhiều (Ảnh: NVCC).
Trái ngược với Trường, Anh Khôi nói: "Mình đến với nghề IT là một sự liều lĩnh, nó không dễ, thậm chí còn rất khó với người cầm cọ vẽ trong suốt 4 năm đại học như mình. Mình còn phải đấu tranh với gia đình một trận lớn để có được mình hôm nay".
Anh Khôi nói thêm: "Mình không mất nhiều thời gian để tìm khóa học và theo đuổi nghề này vì mình thích mà. Bây giờ rất dễ tìm việc, chỉ cần các bạn đã trang bị đầy đủ kiến thức và niềm đam mê.
Mình apply (ứng tuyển - PV) vào nhiều công ty và từng làm nhiều vị trí để xác nhận sự phù hợp với công việc IT. Mình thành công khi hoàn thành việc học ở giảng đường và một vị trí công việc như giao điểm của vòng tròn Ikigai".
Ms. Mestey, chuyên gia tư vấn của tạp chí Truecareer từng phát biểu: "Hãy thật chủ động trong thị trường lao động khắc nghiệt này. Không phải dễ gì xin được công việc mình yêu thích và phù hợp với năng lực của mình đâu".
Phúc Trường cũng đã nỗ lực hết mình để tìm kiếm một cơ hội: "Mình tìm kiếm trên tất cả các trang tuyển dụng và tham khảo từ người quen, mình may mắn được thử việc tại HTV với các vị trí biên tập viên, phóng viên, bình luận viên. Mình được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, học nhiều thứ hơn. Qua đó mình đã tự tin hơn với quyết định theo đuổi ngành nghề này.
Mình mong các bạn cũng can đảm như mình vài năm trước, biết đâu sẽ đổi lấy một phiên bản các bạn mong muốn nhất".