Có nhiều lý do để Nguyễn Tiến Danh (26 tuổi, quê Quảng Nam), cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cùng các giáo viên, học viên của Trung tâm Anh ngữ DUTI English (Q.Thanh Khê) phối hợp với CLB Môi trường - Trường ĐH học Bách khoa lập dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà”. Ngoài trách nhiệm của người trẻ trước ô nhiễm rác thải nhựa, họ cũng cho thấy một cách thay đổi hành vi khéo léo…
Cây cảnh được “chế tác” từ chai nhựa NGỌC HÂN |
Anh Danh kể, dự án là nơi giao lưu, thu đổi các vật liệu giấy, nhựa và “tặng” lại những món quà nhỏ. “Khi các sinh viên mang rác thải nhựa, giấy đến sẽ được chúng tôi sẽ đổi hoa và quà. Các thành viên của nhóm sẽ chế tác những vật trang trí đẹp mắt, hữu dụng từ chai nhựa, bao bì, giấy... để làm quà đổi. Đặc biệt, chúng tôi trồng những chậu hoa, cây cảnh để trao đổi. Nếu một cây xanh, chậu cảnh được trồng là một hành động giúp giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi”, Danh chia sẻ. Nhóm cũng tận dụng nguồn sách cũ khi tiếp nhận, rồi phân loại, tổng hợp thành từng bộ đầy đủ để tặng lại cho học sinh, sinh viên nghèo.
“Bởi đó là sinh mệnh”
Trịnh Thị Phương Anh, Chủ nhiệm CLB Môi trường (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), cho biết CLB đã giúp đỡ được nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách trao tặng sách, tài liệu cũ. “Dấu hiệu đáng mừng nhất của dự án ‘Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” là tính lan tỏa về ý thức bảo vệ môi trường trong các bạn trẻ. Từ ý tưởng của dự án, nhiều học sinh THPT cũng tận dụng chai lọ bằng nhựa để trồng cây, tạo không gian xanh tại gia đình”, chị Phương Anh nói.
Mỗi năm, dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” mở 3 đợt thu đổi. Đơt 1 khởi động ngay sau tết nguyên đán, thời điểm có quá nhiều vỏ bánh kẹo, vỏ chai, vỏ lon... thải ra. Kế tiếp là dịp 5.6, ngày Môi trường thế giới, cũng là thời điểm sinh viên nghỉ hè và dọn dẹp phòng trọ. Đợt 3 tổ chức vào tháng 8, lúc sinh viên sắp nhập học, đây là lúc nhóm triển khai dự án mang sách cũ và tài liệu học tập ra làm quà.
Chị Trịnh Thị Phương Anh cho hay trước sự lan tỏa của dự án trong cộng đồng, CLB đang tính đến chuyện sẽ phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương tại Q.Liên Chiểu để mở rộng để thu hút người dân. Nếu người dân có hứng thú với chương trình “đổi rác lấy quà”, họ sẽ chủ động phân loại rác tại nguồn và gián tiếp hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến Danh vẫn đặt niềm tin vào các bạn trẻ. “Hy vọng dự án sẽ ngày càng phát triển. Từ những hành động dù nhỏ, mỗi người hãy biết trân quý môi trường sống, chung tay vì môi trường, bởi đó là sinh mệnh”, anh tâm sự.