a1_pgpj.jpg

Tìm thấy cơ trong nguy

Trần Thanh Tùng (32 tuổi, TP.HCM) là chủ nhân của một dự án cộng đồng giáo dục giới tính, khởi nghiệp với chuỗi quán cà phê. Cũng như nhiều bạn trẻ khác khi khởi nghiệp với các mô hình quán cà phê, Tùng cũng phải chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng vì đợt dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.
Thế nhưng, với kinh nghiệm nhiều năm khởi nghiệp, anh tự tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng. Tùng kể: “Ngay thời điểm phải đóng cửa vì giãn cách xã hội đợt dịch đầu năm, doanh số giảm 100%. Sau đó, mình nhanh chóng đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến thì khôi phục được 1/10 doanh số mỗi ngày, nhưng vẫn chưa thể vực dậy được. Thời điểm đó, mình nhận ra rằng những đợt khủng hoảng như thế này cũng đồng thời mang lại rất nhiều tiềm năng”.
Tùng dẫn chứng như cuộc đại khủng hoảng ở Mỹ năm 1930, ngay tại thời điểm đó lại là nền tảng cho rất nhiều đại công ty ra đời. Tức là những khủng hoảng lớn sẽ thay đổi hành vi của con người, khiến những thị trường truyền thống sụp đổ và mở ra hàng loạt thị trường mới, nhu cầu mới.
“Lúc đó mình nhận ra việc lo lắng, bực dọc hay khó chịu không giúp được gì nên lao đầu vào nghiên cứu. Mình phát hiện ra một lỗ hổng của thị trường, và đó chính là cơ hội cho mình. Mình nghiên cứu trong thời điểm dịch như thế này, những ngành nào tăng, thì thấy các sản phẩm dung dịch vệ sinh, chăm sóc sức khỏe tăng tỷ lệ thuận với nhu cầu quan hệ tình dục trong mùa dịch. Sau đó nhận thấy ở Việt Nam không hề có dung dịch vệ sinh dành cho nam giới, trong khi những thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… lại rất phát triển. Vậy tại sao mình không sản xuất mặt hàng này ở Việt Nam?”, Tùng kể.

Khi khó khăn, hãy nhìn lại nguồn lực của mình

Điều đặc biệt, theo anh Tùng trong giai đoạn này là nên khởi nghiệp tinh gọn nhất. Tức là làm sao để biết được nhu cầu thực sự của thị trường trước khi mình đầu tư rất nhiều tiền để tạo nên sản phẩm. Lúc đầu Tùng chỉ thiết kế hình ảnh bao bì xong rồi tung lên bán thử xem nhu cầu của mọi người thế nào, ngay trong đêm đầu tiên đã nhận được hơn 120 đơn đặt hàng dung dịch vệ sinh nam mà chưa phải tốn đồng nào, từ đó anh mới bắt đầu làm dự án này.
Nhưng vì không phải là chuyên gia trong lĩnh vực dung dịch vệ sinh nên Tùng kết nối với người có chuyên môn và có cả nhà máy để sản xuất. Anh cho biết nhờ kinh doanh thêm mặt hàng mới và đánh trúng thị trường mà doanh số của doanh nghiệp tăng gần gấp đôi. Cụ thể trước dịch, tổng doanh số là 700 triệu đồng/tháng, bây giờ là 1 tỉ 250 triệu đồng/tháng.
“Khi thời điểm khó khăn, nhìn ra cơ hội, nhìn vào thế mạnh của mình và thấy được những nguồn lực mình đang có. Trong đó, dung dịch vệ sinh phù hợp hoàn toàn với tất cả nguồn lực mà mình đang có. Mình khuyên các bạn trẻ trong thời điểm này hãy nhìn lại nguồn lực của mình, cơ hội từ thị trường, từ những thứ phát sinh mới. Quan trọng nhất là phải tìm ra thứ gì đó trong thời điểm khó khăn và biến nguy thành cơ hội”, Tùng chia sẻ.
Đặc biệt, anh khuyên: “Trong thời điểm này, hoặc là đừng làm gì hết và giữ tiền, hoặc làm cái gì mà chắc chắn ra tiền mặt được liền, chứ không nên làm dự án mà 1 hay 2 năm sau mới lấy lời được”.

Biết chốt lỗ cũng quan trọng như kiếm lời

Bên cạnh việc tìm ra cơ hội, thị trường mới trong khủng hoảng, Tùng cho biết sau đợt dịch Covid-19 lần 1, anh đã biết nhiều hơn về quản lý chi phí; khi vừa có thông tin dịch đợt 2 thì ngay lập tức cắt giảm hết những chi phí có thể. Tuy nhiên, trong việc cắt chi phí đó vẫn phải để tiền làm ra tiền. Và thay vì phải giảm nhân sự như đợt đầu, anh quyết định thưởng thêm cho nhân viên, nhất là cấp quản lý để họ có thêm động lực cùng vượt qua khó khăn.
Tùng cũng lưu ý: “Trong kinh doanh, có một thuật ngữ cũng quan trọng như việc kiếm lời, đó là chốt lỗ. Có nhiều người rất ngoan cố, khi kinh doanh lỗ mà cứ đâm đầu vào chuyện lỗ, cứ giữ tư duy, giữ nền tảng của mình và cuối cùng là lỗ càng lỗ, đến khi không thể nào cứu vãn được”.
Tùng kể trước đây anh có 3 quán cà phê, doanh số 1 tháng hơn 1,5 tỉ đồng, nhưng sau đó lỗ liên tiếp từ ngày này sang ngày khác mà anh không để ý. Đến một ngày chợt nhận ra mình đã lỗ quá nặng, lúc đó anh suy sụp hoàn toàn. Anh bị trầm cảm và rối loạn cảm xúc, điều này tệ hại với anh khi luôn ở trong trạng thái bất an, sợ hãi cho tương lai, sợ hãi con người, không dám trò chuyện với ai. Phải mất một thời gian, rất khó khăn anh mới vực dậy được.
Từ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, Tùng khuyên: “Trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh này, nếu bạn nào thấy mình lỗ mà không thể nào khắc phục được thì nên đóng liền, đóng càng nhanh càng tốt, trước khi nó trở nên tệ hơn. Đóng và tìm những cơ hội mới, thị trường mới trong khó khăn của khủng hoảng”.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022