Mong tăng lương, giảm bớt tập huấn, sổ sách
Gần 7 năm gắn bó với nghề, cô Đỗ Thị Thương (Hoài Đức, Hoà Bình) ngậm ngùi chia sẻ mức lương cơ bản cô nhận được khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu trừ đi tiền ăn trưa 1 tháng, cô cầm về chỉ còn trên dưới 6 triệu. Mức thu nhập này khiến cô Thương sống khá khó khăn, chỉ đủ duy trì cuộc sống tối thiểu trong nhà...
Năm mới 2023, cô Thương chia sẻ, cô chỉ mong giáo viên mầm non cũng như giáo viên cả nước được “cởi trói” giảm tải bớt bài vở, sổ sách. Năm nào giáo viên cũng bận bịu với những đợt tập huấn thay đổi. Nào là thay đổi cách trang trí lớp, năm nay làm thiên về màu này chất liệu nọ, sang năm màu khác chất liệu khác; bài soạn thì mỗi năm đổi mới tập huấn 1 kiểu, các cô cứ bị quay như chong chóng. Giáo viên này cho rằng , thời gian cho công việc rất dài toàn hơn 8 tiếng, rồi lại phải dọn dẹp, trang trí trường lớp, lo làm đồ dùng đồ chơi...
Lương phải được tăng để đời sống giáo viên phải được cải thiện. Có như vậy mới giữ được giáo viên. “Nghề giáo viên mầm non vất vả mà lương thấp thì không ai dám làm. Yêu nghề mến trẻ đến mấy cũng rất khó trụ lại với nghề. ”- cô Thương chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Dung (Hà Nội) chia sẻ mong muốn, năm 2023 ngành giáo dục tiếp tục giảm các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ cho giáo viên để họ chuyên tâm vào dạy thật, thi thật.
Theo cô Dung, việc soạn giáo án, đánh giá học sinh nhiều nơi còn nặng giấy tờ. Một số trường học ở thành phố lớn, hầu hết đã tinh giản các loại giấy tờ viết tay, ưu tiên nhận xét, đánh giá học sinh trên hệ thống online. Trong khi đó, ở trường học vùng sâu, vùng xa, thầy cô bị yêu cầu soạn giáo án bằng tay, mất thời gian, không hiệu quả và sinh động... “Mong Bộ GD&ĐT năm mới chỉ đạo quyết liệt hơn việc tinh giảm các thủ tục, giấy tờ cho giáo viên”- cô Dung tâm sự.
Mong có đường bê tông cho học sinh
Cô Lò Thị An (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ, muốn các con đường đi điểm trường xa có đường bê tông và các điểm trường xa đều có phòng ở cho giáo viên để yên tâm công tác.
Giáo viên ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang chỉ mong học sinh của mình có cơm ăn no, mặc đủ ấm. Ảnh: Đỗ Hợp
Cô Chảo Thị Viện, thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang cũng mong học sinh của mình được ăn no mặc ấm dù mùa hè hay mùa đông.
Học sinh được quan tâm của phụ huynh và các ban ngành, giúp các em đi học đều hơn thì với giáo viên vùng cao thật hạnh phúc.
Trong khi đó, nhiều giáo viên chia sẻ mong muốn mong muốn Bộ GD&ĐT cần có những chỉ đạo và giám sát tốt việc thực hiện các bộ sách giáo khoa trong chương trình mới thật khoa học và tăng tính thực tiễn. Tránh kiến thức hàn lâm, lý thuyết viển vông không thực tế.
Môi trường giáo dục trong các nhà trường cần được thực hiện dân chủ, minh bạch. Việc điều chuyển, phân công công tác giáo viên phải được thực hiện công khai, có tình, có lý. Công tác cán bộ trong các trường học cần nhanh chóng tiến tới việc thi tuyển công khai ở các địa phương để chọn được những lãnh đạo đủ tâm, tài gánh vác sự nghiệp giáo dục nước nhà.