Theo bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu 2024 (English Proficiency Index - EF EPI) của EF công bố hôm 13/11, người Việt đạt 498/800 điểm, nằm trong nhóm có mức độ thông thạo thấp (450-499 điểm). Năm ngoái, Việt Nam được 505 điểm, xếp 58 thế giới và thuộc nhóm trung bình. Thứ hạng tốt nhất là 52, vào năm 2019.

Ông Mark Do, Giám đốc EF tại Việt Nam, cho hay thống kê dựa trên kết quả bài kiểm tra của những người tham dự tự nguyện đủ 18 tuổi tại hơn 116 quốc gia và vùng lãnh thổ. Độ tuổi trung bình của mẫu khảo sát toàn cầu là 26. Hơn 90% người làm bài không phải là học viên của tổ chức.

Đây là bài kiểm tra tiếng Anh trực tuyến, miễn phí về kỹ năng Đọc và Nghe. Người tham gia được đánh giá thuộc một trong 6 cấp độ thành thạo dựa trên Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR).

Theo ông Mark, điểm EF EPI quốc gia được tính theo điểm trung bình của người thi, trong ba năm liên tiếp.

"Phương pháp trên giúp chỉ số ổn định hơn và giảm thiểu biến động do thay đổi mẫu theo từng năm. EF cũng tính điểm các ngành nghề, chức năng công việc và cấp bậc theo cách tương tự", ông Mark nói.

EF sau đó sử dụng kết quả này để tính điểm từng khu vực trên thế giới (châu Á, châu Âu...), căn cứ dân số của từng nước. Ví dụ, điểm của Ấn Độ sẽ có trọng số lớn hơn Thái Lan khi tính điểm khu vực châu Á.

"Dựa vào các ngưỡng điểm, chúng tôi xếp hạng quốc gia, khu vực và thành phố vào từng nhóm trình độ", ông Mark nói.

Về việc điểm của người Việt giảm, ông Mark cho rằng có thể do bài kiểm tra được phổ biến rộng rãi đến các tỉnh, thành nhỏ, thay vì chỉ tập trung ở các thành phố lớn - nơi phong trào học tiếng Anh phát triển hơn.

"Điểm số thành thạo tiếng Anh của người Việt có xu hướng giảm nhẹ vào năm 2024 (498) sau ba năm tăng liên tục trước đó. So với tình hình chung của thế giới, mức độ giảm của Việt Nam là khá nhỏ", ông Mark nói.

Đại diện EF đánh giá việc rơi xuống ngưỡng "thấp" không quá nghiêm trọng bởi những năm trước, điểm số trung bình của người Việt cũng chỉ vừa ở mức trên "trung bình". Trong khi đó, nhóm làm bài kiểm tra ngày càng mở rộng, ra nhiều tỉnh, thành nhỏ nên có thể sẽ làm điểm trung bình giảm theo.

thi-sinh-7196-1731780707.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5a4GEFjYHIK2DtgXOzlaSA

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM, hồi tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo một chuyên gia khảo thí nhìn nhận xếp hạng của EF "không phải chỉ số chuyên môn và không đại diện cho Việt Nam". Theo bà, đây là điểm của người Việt làm bài thi của EF, không phải bài đánh giá có chọn mẫu như Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.

"Chuyên môn không dùng kết quả này bao giờ", tiến sĩ về phương pháp dạy học tiếng Anh nói. Bà nhận định EF cũng đầu tư cho bài thi nhưng số lượng câu hỏi, thời gian làm bài cũng như tiêu chí không đủ để đánh giá năng lực tiếng Anh.

"Bài thi đánh giá năng lực đủ phải như TOEFL iBT hay IELTS", bà nói.

Bên cạnh đó, bà cho biết muốn khảo sát hay lấy mẫu đánh giá, các tổ chức cần xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo và được đồng ý. Trong khi đó, EF không có hợp tác nào, là tổ chức chuyên đưa học sinh đến các trung tâm ở nước ngoài để học tiếng Anh.

Song đại diện EF khẳng định nhờ vào sự nhất quán trong thu thập dữ liệu (từ 2011), cách thực hiện (online), cách tính (trung bình ba năm gần nhất), và những bước lọc bỏ dữ liệu gây nhiễu (thời gian làm bài, thông tin tài khoản,...), kết quả báo cáo về xu hướng, và sự so sánh là có thể dùng tham khảo cho nhiều mục đích.

Ông Mark cho hay hiện không có nguồn dữ liệu khác đủ thông tin ở quy mô lớn để đánh giá toàn diện. Một số tổ chức chọn mẫu dựa vào người tham gia cụ thể như học sinh, sinh viên luyện thi chứng chỉ để du học. Do đó, họ không đo lường được kết quả của những người không đủ điều kiện đóng lệ phí thi hoặc không có nhu cầu, hoặc dùng tiếng Anh vào mục đích khác.

Ngoài ra, từ giữa năm 2024, bài kiểm tra EF SET đã có phiên bản mới với 4 kỹ năng (Nghe, Nói, Đọc, Viết).

Lệ Nguyễn - Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022