Nỗi lo này được TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Công nghiệp TP HCM, chia sẻ tại tọa đàm về đào tạo liên thông ở TP HCM, sáng 18/12.
Dự thảo nghị định liên thông giữa các cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường không được tuyển sinh và tổ chức lớp học liên thông riêng. Ông Nhân cho rằng điều này đồng nghĩa sinh viên liên thông phải học cùng sinh viên chính quy, việc tuyển sinh cũng phải theo tiêu chí tương tự.
Theo ông Nhân, quy định mới có thể sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo liên thông, nhưng quy mô đào tạo trong 5 năm tới có thể giảm xuống còn dưới 10.000 người, tức bằng 1/10 số người học hệ này hiện nay.
Lý giải, ông Nhân nói số lượng người học liên thông hiện nay đã ít hơn trước vì vào đại học dễ dàng hơn. Bộ quy định chỉ tiêu liên thông của các trường không quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học. Thực tế, trường Đại học Công nghiệp TP HCM chỉ tuyển được 300-400 sinh viên mỗi năm, bằng 1/4 tổng chỉ tiêu được cho phép.
Đa số học viên hệ liên thông phải học vào thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối vì còn phải đi làm. Còn sinh viên chính quy, chiếm phần đông, chỉ học ban ngày, trong tuần. Ông Nhân nhận định khi xếp lớp chung thì người học liên thông sẽ chọn công việc chứ không nghỉ làm để đi học.
"Nếu đặt ra quy định này thì việc đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học của trường có thể bị khai tử", TS Nhân nói. Ông đánh giá việc này không khuyến khích, thậm chí làm giảm cơ hội tiếp cận bậc học cao hơn của người học.
TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ tại tọa đàm về đào tạo liên thông, ngày 19/12. Ảnh: Lệ Nguyễn
Tương tự, thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Đào tạo, trường Đại học Luật TP HCM, cũng đề nghị Bộ xem lại yêu cầu này. Theo ông, quy định đào tạo liên thông phải cùng một chương trình, tiêu chuẩn như đào tạo chính quy là hợp lý. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học ra sao, chung hay riêng, trường cần được chủ động quyết định.
"Người học liên thông, đa phần vừa học vừa làm, nếu yêu cầu học chung với sinh viên chính quy thì khó cho họ, và trường cũng khó tuyển sinh", ông Hiểu nói.
Ngoài ra, quy định các trường không được tuyển sinh liên thông riêng là chưa phù hợp. Bởi, học viên liên thông là những người đã có bằng cấp, đang đi làm. Các trường cần có phương thức tuyển sinh riêng, phù hợp với họ.
Với kinh nghiệm về hệ thống giáo dục Mỹ, TS Trần Đức Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Viện Phát triển giáo dục đại học Sài Gòn, nhìn nhận Bộ không nên đặt quy định cứng cho việc tuyển sinh, dạy học liên thông của các trường.
Trả lời, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh Bộ sẽ không làm thay hay can thiệp việc tuyển sinh của trường. Bộ sẽ nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, dự kiến trình Chính phủ ban hành vào năm 2024.
Hiện 134/243 trường đại học (trừ các trường an ninh, quốc phòng) đào tạo liên thông. Tính đến hết năm học 2021-2022, số sinh viên học liên thông khoảng 108.600, chiếm 0,05% quy mô sinh viên toàn quốc, tập trung nhiều nhất ở hai ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học.
Lệ Nguyễn