Sau hơn hai thập kỷ thăng tiến trong công việc, một bà mẹ họ Park (48 tuổi, tên họ nhân vật đã được thay đổi) đã quyết định từ bỏ công việc điều hành tại một công ty để ở nhà làm nội trợ.

Được biết, lý do chị từ bỏ sự nghiệp thành công đó của mình rất đơn giản: để quản lý việc học hành của 2 cô con gái đang học cấp hai và lớp 10 trong bối cảnh giáo dục khắc nghiệt của phường Daechi-dong.

Cho những ai chưa biết, Daechi-dong là một khu phố ở quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Nơi đây được coi là khu vực đại diện niềm đam mê và kỳ vọng trong việc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ tại xứ sở Kimchi. Daechi-dong là ngôi nhà của hàng nghìn "hagwon" - một hình thức trường tư phổ biến ở Hàn Quốc với việc kinh doanh giáo dục thông qua dạy thêm học thêm. Tại đây, các bà mẹ đều mong muốn sau khi kết thúc 12 năm học, con cái của họ sẽ đỗ vào một trường đại học danh tiếng.

photo-7-1675046942951480813496.jpeg
cau-hoi-sai-trong-de-thi-dai-hoc-tai-han-quoc-gay-chan-dong-1675030772289459544566-16750469584181103560548.jpg202110190003170-16750307725011076446033-16750469584192004796734.jpg

Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc được coi là kỳ thi khắc nghiệt nhất trên thế giới

"Đó là nơi diễn ra 'Sky Castle' thực thụ. Các bà mẹ từ bỏ thời gian và tiền bạc với mong muốn con vào được các trường đại học nổi tiếng ngay từ khi bắt đầu tiểu học. Một số gia đình thậm chí chuyển đến phường Daechi-dong chỉ vì mục đích tìm kiếm môi trường giáo dục tốt cho con. Đó là cách mà các bà mẹ bị ám ảnh về chuyện đỗ đại học", chị Park nói.

Trong phần chia sẻ của mình, vị phụ huynh họ Park có nhắc đến cụm từ "Sky Castle". Thực ra, Sky Castle là một bộ phim có chủ đề về gia đình nhưng nó lại được khai thác ở một khía cạnh rất mới - đó chính là những mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái với cuộc chiến vào được các trường đại học hàng đầu Hàn Quốc. Các bậc phụ huynh trong phim đã thực hiện công cuộc chạy đua học hành theo phong cách "quý tộc" nhưng cũng không kém phần "điên rồ": Từ thuê những gia sư nổi tiếng về dạy tại nhà cho con đến tổ chức câu lạc bộ đọc sách hay thậm chí là cố gắng lấy được lộ trình học tập để được tuyển thẳng vào trường đại học Y khoa Quốc gia Seoul...

Chị Park tâm sự, bản thân chị quyết định nghỉ việc vì cảm thấy tội lỗi do quá bận rộn với công việc mà thiếu đi sự quan tâm đến việc học của con cái. Mặc dù, chị từng nghĩ mình sẽ không bao giờ là một "bà mẹ Daechi", từ bỏ sự nghiệp vì con cái trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, khi các con gái của chị lớn lên và bắt đầu đối mặt với thực tế cạnh tranh vào đại học khốc liệt, chị cảm nhận niềm tự hào của bản thân với tư cách là một giám đốc điều hành trong thế giới kinh doanh do nam giới thống trị đã phai nhạt dần.

photo-4-16750469331922114958961.jpg

Nhiều phụ huynh quyết định nghỉ việc để ở nhà lo cho con

Và bây giờ, với tư cách là một người mẹ toàn thời gian, lịch trình của chị gắn liền với lịch trình của con. Cụ thể, bà mẹ này sẽ thức dậy lúc 6 giờ 30 sáng để đưa con đến trường và sau đó làm việc nhà. Vào buổi chiều, chị Park chuẩn bị bữa ăn cho con khi chúng trở về nhà, đưa con đến hagwon vào khoảng 4 hoặc 5 giờ chiều và đón con lần nữa lúc 10 giờ tối. Trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, chị lái xe đưa 2 cô con gái đến một hagwon khác - nơi chúng tham gia các khóa học đặc biệt và cũng chuẩn bị 3 bữa ăn hàng ngày. Một ngày của bà mẹ "toàn thời gian" này chỉ kết thúc sau khi con lên giường và đi ngủ.

Vào những lúc rảnh rỗi, chị Park thường trò chuyện về việc học của con với các bà mẹ khác và tham dự các buổi hội thảo về giáo dục - điều mà chị không bao giờ có thể làm được khi còn đi làm. Chị Park cho biết hiện tại bản thân có cuộc sống bận rộn hơn trước rất nhiều và chị đang làm những gì mà một người mẹ có thể làm cho con: "Trước khi quá muộn, tôi muốn giúp các con gái của mình học hết cấp ba để vào một trường đại học tốt".

Theo ông Park In-yeon - giảng viên tại EBS và là người đứng đầu một học viện giáo dục địa phương, cơ hội để người trẻ vào được các trường đại học hàng đầu là rất thấp nếu không có mẹ ở sát cánh kề bên. Song, bên cạnh việc giáo dục con cái, các bà mẹ cũng phải tạo ra một hồ sơ tuyển sinh đại học tốt.

"Vì nhiều bà mẹ ở Daechi-dong là những bà mẹ trực thăng, những người quá tập trung vào việc học hành của con cái, nên các bà mẹ có xu hướng chọn con cái hơn là công việc", ông Park nói.

photo-3-1675046928998274538377.jpg

Sau nghỉ việc, cuộc sống của các bà mẹ chỉ xoay quanh con cái

Tương tự, cô Oh Myeong-jin cũng lựa chọn việc nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con vào năm ngoái. Gác công việc nghệ nhân thủy tinh sang một bên, người phụ nữ 42 tuổi này chọn cách xây dựng profile học tập "sang - xịn - mịn" để con gái mình có thêm cơ hội được tuyển thẳng vào đại học. Theo chia sẻ, cô Oh dự định cho con gái vào đại học thông qua phương thức tuyển sinh sớm.

"Trước đây, từng là sinh viên nên tôi biết việc chuẩn bị vào đại học khó khăn như thế nào. Đó là điều mà những đứa nhỏ không thể làm một mình. Nếu một người mẹ không sát cánh cùng con cái, thì ai sẽ giúp chúng đây? Có một sự thật phũ phàng rằng bằng đại học quyết định địa vị xã hội ở Hàn Quốc. Do đó, tôi phải cố gắng rất nhiều để các con tôi có cơ hội bước vào giới thượng lưu và có những công việc văn phòng ổn định", cô Oh chia sẻ.

Thậm chí, cô ấy ví việc trở thành một bà mẹ Daechi giống như trở thành chiến binh trong một cuộc chiến - cuộc chiến để đứa con của mình bước chân vào các trường đại học hàng đầu:

"Đó là một trò chơi thắng thua. Bạn thắng nếu con bạn vào được 3 trường SKY: Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University), Đại học Hàn Quốc (Korea University) và Đại học (Yonsei University) - những trường đại học hàng đầu của đất nước. Bạn sẽ thua cuộc và bị coi là kém cỏi nếu con bạn không làm như vậy.

Ít nhất là ở Daechi-dong, nuôi dạy con cái có thể coi là một công việc căng thẳng bậc nhất, đó là lý do tại sao các bậc cha mẹ sẵn sàng từ bỏ công việc của mình để ở nhà lo cho con. Mọi người sẽ chẳng quan tâm bạn sống ở đâu, bạn tốt nghiệp trường nào hay làm công việc gì, nhưng thành tích học tập của một đứa trẻ thì có", cô bày tỏ.

photo-2-1675046923039861873512.jpg

Các bậc phụ huynh Hàn Quốc sẽ đến những nơi linh thiêng cầu bái cho việc học của con cái

Trong khi một số bà mẹ tìm kiếm cơ hội cho con vào các trường đại học hàng đầu trong nước, thì những phụ huynh khác lại để mắt đến các trường đại học ở nước ngoài. Kim Eun-hye - một người mẹ 3 con, đã gửi đứa con cả đến một trường quốc tế trên đảo Jeju để chuẩn bị cho con một tương lai đầy hứa hẹn.

Dĩ nhiên, mong muốn đó khiến cô Kim phải trả một cái giá khá đắt theo nghĩa đen. Học phí hàng tháng cho mỗi môn học tại hagwon này là khoảng 1 triệu won (hơn 19 triệu đồng) cho học sinh trung học và khoảng 3 triệu won (hơn 57 triệu đồng) cho học sinh có khả năng tiếp thu kiến thức kém.

Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, cho biết con cái là người mang lại sự hài lòng trong cuộc sống cho các bà mẹ. Có thể nói, sự thành công trong học tập của một đứa trẻ - mục tiêu của nhiều bà mẹ là một yếu tố có thể khiến các bà mẹ cảm thấy thành công với những gì họ đã làm. Đó cũng là sự đền bù mà họ muốn từ con cái vì đã hy sinh sự nghiệp của bản thân.

Sau tất cả, mức độ hài lòng đạt đến đỉnh điểm khi con cái họ đỗ vào đại học, nhưng giáo sư Lim cũng chỉ ra rằng hội chứng "chiếc tổ trống" (empty nest syndrome) có thể tiềm ẩn với những bà mẹ kỳ vọng con quá nhiều. Theo từ điển Cambridge, "empty nest syndrome" là những cảm xúc buồn của cha mẹ khi con cái lớn lên và xa nhà. Điều đó cũng đặc biệt đúng với những "bà mẹ Daechi", khi con cái của họ vào đại học, họ sẽ ở nhà và chịu cảm giác cô đơn tột cùng khi không có gì để làm.

photo-1-16750469183442077312055.jpg

Con cái là người mang lại sự hài lòng trong cuộc sống cho các bà mẹ Hàn Quốc

Tương tự, Huh Chang-deog - giáo sư xã hội học tại Đại học Yeungnam, coi việc phụ nữ rời khỏi nơi làm việc để hỗ trợ việc học hành của con cái họ là một mất mát xã hội.

"Trước khi được gọi là mẹ của ai đó, các bà mẹ đều có cuộc sống riêng của mình với tư cách là phụ nữ và người phụ nữ có sự nghiệp. Việc các bà mẹ nghỉ việc và đóng mác nó là hy sinh công việc cho trẻ em là một quyết định khôn ngoan? Tôi không nghĩ vậy.

Trẻ con có cuộc sống của chúng, và các bà mẹ cũng vậy. Đó là hai điều khác nhau, nhưng các phụ huynh thường quên điều đó. Bỏ việc là lựa chọn của họ, nhưng tôi khuyên họ đừng quyết định như vậy và hy sinh mọi thứ cho con cái vì cuối cùng, họ đã đánh mất cuộc đời của chính mình", giáo sư Huh Chang-deog chia sẻ.

Theo The Korea Herald

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022