Ông Hiền nhấn mạnh, ở đây cần phải xem xét kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học trong tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục.
Giữ hay bỏ dù tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt đến 99%?
Thực tế, đề xuất "một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc" không phải là ý tưởng mới vì đã từng có người đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp do năm nào kết quả (tốt nghiệp) của mọi tỉnh thành cũng đều… đẹp!
Thứ hai, cũng đã có ý kiến cần có một kỳ thi đại học toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề để tránh tình trạng các trường đại học mở lò luyện thi hết sức bát nháo, gây thiệt thòi, bất công cho những thí sinh không có điều kiện.
Về đề xuất đã đến lúc cần bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Sóng Hiền - một nghiên cứu sinh Trường Đại học Newcastle (Australia) nêu quan điểm: đề xuất của thầy mang cảm tính chủ quan.
Ông Hiền cho rằng, ở đây cần phải xem xét kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học trong tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục. Cho dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có đạt đến 99% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đi chăng nữa , thì những con số các môn học qua kỳ thi phần nào đã phản ánh một cách khá trung thực bức tranh tổng thể của chất lượng đào tạo của cả hệ thống giáo dục trong một giai đoạn.
Theo ông Hiền, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để các nhà làm chính sách giáo dục, các cơ sở giáo dục địa phương cũng như các hiệu trưởng và giáo viên của mỗi trường có sự điều chỉnh hợp lý hơn đối với chất lượng giảng dạy của đơn vị mình.
“Kết quả này cung cấp một nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng cho vấn đề hoạch định cũng như điều chỉnh các chính sách giáo dục trong tương lai khi mà đánh giá qua học bạ dường như không còn là một nguồn dữ liệu đáng tin cậỵ”- ông Hiển nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sóng Hiền
Trước việc có ý kiến cần có một kỳ thi đại học toàn quốc do Bộ GD&ĐT ra đề, ông Hiền khẳng định , không nên quay lại thời kỳ trước đây giao cho Bộ GD& ĐT tổ chức.
Vì theo ông Hiền, giáo dục đại học nó là một bậc học hoàn toàn khác biệt với giáo dục phổ thông. Trong khi giáo dục phổ thông nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng căn bản của một công dân, bắt đầu để định hướng nghề nghiệp dựa trên sở trường và năng lực của học sinh thì giáo dục đại học hướng tới đào tạo chuyên sâu vào một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể.
Vì vậy, kỳ thi của nó sẽ mang tính đa dạng theo ngành nghề và đòi hỏi những kiến thức và năng lực đầu vào phải đáp ứng theo một tiêu chí cao hơn, chuyên biệt hơn phù hợp với yêu cầu của mỗi trường. Tất yếu chúng ta sẽ không thể thống nhất một kỳ thi chung như kỳ thi tốt nghiệp THPT được.
Bên cạnh đó, ông Hiền phân tích, giáo dục đại học đang trên đường thực thi chính sách tự chủ đại học, cho nên việc tuyển sinh là quyền tự quyết của mỗi trường. Còn chất lượng đào tạo của mỗi trường sẽ được đánh giá cao thông qua công cụ hiệu quả nhất đó chính là thị trường lao động.
Điều này hoàn toàn hợp lý vì như giải thích trên mục đích của 2 kỳ thi này hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ phục cho mục đích đánh giá chất lượng giáo dục của bậc phổ thông tức là ở mức độ căn bản còn đối với kỳ thi hay kiểm tra đánh giá năng lực ở bậc đại học đòi hỏi chuẩn kiến thức và năng lực có tính chuyên biệt và cao hơn phù hợp với mỗi ngành học mà thí sinh lựa chọn theo học
“Vì vậy không nên và không thể lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm tiêu chí cho tuyển chọn vào bậc đại học”- ông Hiền nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hiền, khi các trường đại học hướng đến tự chủ thì việc tồn tại hay phát triển của trường đó hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo và đầu ra của người học. Nếu như các trường dễ dãi trong tuyển sinh và xem nhẹ chất lượng đào tạo thì sớm hay muộn những trường đó sẽ bị đào thải bởi chính thị trường lao động . Những sinh viên tốt nghiệp từ những trường đó sẽ không thể tìm được việc làm và uy tín của những trường đó sẽ mất đi.
“Vì vậy các trường buộc phải có những hình thức tuyển sinh và đánh giá năng lực đầu vào một cách chặt chẽ để có thể đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực mà họ cung cấp cho thị trường lao động và đó cũng là một phần sứ mệnh mà giáo dục đại học phải gánh vác để đóng góp vào sự phát triển của xã hội”- ông Hiền nói.
Mới đây, nhà giáo Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc THCS. Những học sinh nguyện vọng học lên ĐH tham gia một kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 7 hằng năm - kỳ thi 'tuyển sinh đại học toàn quốc'.