Kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán sắp đến, trẻ em sẽ có thời gian nghỉ dài. Lúc này, điện thoại, TV, máy game sẽ trở thành niềm vui của nhiều trẻ em ở thành phố.
Trên thực tế, việc để trẻ tránh hoàn toàn những thiết bị điện tử vào ngày nghỉ là điều rất khó, nhưng cha mẹ cần kiểm soát để trẻ không say mê quá mức.
Nghiên cứu khoa học cho thấy có 3 loại hormone hạnh phúc: dopamine, serotonin và endorphin. Hormone hạnh phúc ở mức độ thấp là dopamine, cho phép con người tận hưởng nó mà không tiêu tốn năng lượng thể chất hoặc tinh thần, nhưng sau đó chẳng đạt được lợi ích gì cả.
Trẻ sử dụng điện thoại nhiều trong những ngày nghỉ. (Ảnh minh họa)
Đối với trẻ em, sở dĩ chúng nghiện kiểu hạnh phúc do hormone dopamine là vì dễ dàng đạt được. Các video ngắn hài hước, âm nhạc sôi động, hoàn toàn không cần sử dụng não, trẻ cảm thấy vui vẻ và thư giãn khi xem. Những thứ này sẽ khiến cơ thể tiết ra dopamine, khiến trẻ hạnh phúc ngay lập tức.
Hormone dopamine mang lại tác hại gì cho trẻ?
Có một cậu bé được đi du lịch cùng với cha mẹ. Khi tới nơi, cậu bé chỉ muốn ở trong khách sạn chơi điện thoại, không chịu ra ngoài dù cha mẹ có nói gì đi chăng nữa. Cuối cùng, cha mẹ cậu bé đành mặc kệ con mình, tự đi tham quan theo lịch trình.
Trong cuộc sống không có gì lạ khi có những đứa trẻ suốt ngày chỉ ở nhà, bầu bạn với chiếc điện thoại. Nếu cha mẹ để con mình đắm chìm trong hormone dopamine tiết ra sẽ dẫn tới nhiều tác hại như sau:
- Ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất
Hormone dopamine khiến trẻ suy nhược thể chất, giảm khả năng miễn dịch, mắc các vấn đề về cột sống cổ, giảm thị lực. Đồng thời kiểu hạnh phúc này khiến trẻ rơi vào cảm giác bị nghiện, dẫn đến suy giảm chức năng thùy trước trán của não trẻ, trẻ sẽ không thể kiểm soát được hành vi của bản thân. Thậm chí trẻ còn có các triệu chứng như lo lắng, căng thẳng, suy nhược thần kinh, trầm cảm và mất tự chủ.
- Ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ
Kiểu hạnh phúc do hormone dopamine tiết ra ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, hành vi và mức độ kiểm soát của trẻ.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Sự kích thích nhanh chóng thông qua các thú vui có trong điện thoại dù tốt hay xấu đều tác động sâu sắc đến tâm trí trẻ.
- Lãng phí thời gian
Kiểu hạnh phúc này không cho phép trẻ tiếp thu bất kỳ kiến thức và kỹ năng nào. Thay vào đó, nó khiến trẻ lãng phí thời gian đáng lẽ ra chúng có thể sử dụng để phát triển các kỹ năng cần thiết.
Mặc dù trẻ em có được hạnh phúc ngắn hạn nhưng niềm hạnh phúc này lại phải trả giá bằng việc học tập, sức khỏe thể chất và triển vọng tương lai.
Làm thế nào để trẻ không nghiện các thiết bị điện tử trong ngày nghỉ?
- Làm gương
Trước hết, cha mẹ nên giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại di động và TV, làm gương tốt cho con cái. Đồng thời, cha mẹ cần dành thời gian chất lượng hơn để con có thể lớn lên trong môi trường yêu thương.
Cha mẹ nên dành thời gian chất lượng bên con
- Giám sát, kiềm chế
Cha mẹ nên hướng dẫn con xem các nội dung trên điện thoại phù hợp với lứa tuổi. Do sự tiến bộ của công nghệ, sự phổ biến của các video ngắn và những thứ tương tự là xu hướng của thời đại, chúng ta không thể đảo ngược nhưng cha mẹ có thể giúp con lựa chọn những nội dung hữu ích cho việc học và tư duy của con.
Ví dụ, khi cha mẹ chọn những video ngắn cho con xem, có thể chọn những phim hoạt hình cổ tích Việt Nam mang tính giáo dục, những câu chuyện liên quan tới hoàn cảnh vượt khó...
- Trì hoãn sự hài lòng
Trì hoãn sự hài lòng có nghĩa là cha mẹ nên cho con cái biết rằng, mọi hạnh phúc chỉ có thể có được sau khi làm việc chăm chỉ như đọc sách, thể thao, vẽ tranh, khiêu vũ, đi du lịch và thậm chí là làm việc nhà, v.v.
Lấy việc nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách cho trẻ làm ví dụ. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc cùng trẻ đọc truyện tranh để kích thích sự hứng thú của trẻ, sau đó hướng dẫn trẻ đọc truyện cổ tích để dần nâng cao khả năng đọc. Khi trẻ có thể tự mình đọc, khuyến khích trẻ chọn những cuốn sách đơn giản, kể lại nội dung và tặng phần thưởng để rèn luyện thói quen đọc sách.
Tóm lại, nếu trong ngày nghỉ Tết cha mẹ cho con sử dụng quá nhiều điện thoại, nó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sự phát triển của trẻ. Khi hormone dopamine tiết ra liên tục, trẻ có xu hướng nghiện điện thoại và khó bỏ.