Không phải là người có năng khiếu ngoại ngữ, không học "trường chuyên, lớp chọn", không đi du học, cũng không học tiếng Anh từ bé nhưng Bùi Thành Việt (SN 2001, Hà Nội) đã nhận được chứng chỉ IELTS 8.5. Điểm thành phần lần lượt cho các kỹ năng mà Việt đạt được là: Speaking (Nói) - 8.5, Listening (Nghe) - 8.5, Reading (Đọc) - 9.0, Writing (Viết) - 8.5.

Để đạt được số điểm trên, Việt đã thi IELTS đến 8 lần. Lần đầu tiên, nam sinh thi vào năm 16 tuổi, lúc đó đạt 7.0 IELTS. Khi lên đại học, Việt tiếp tục thi và đạt điểm số 7.5. Không hài lòng với điểm số đó, 6 tháng sau, nam sinh thi lại một lần nữa và đạt kết quả như mong muốn là 8.0. Từ năm 2020 - 2022, Việt tiếp tục thi thêm 5 lần nữa và phải đến cuối năm 2022, em mới nâng được tổng điểm lên 8.5.

Những kết quả mà em đã đạt được ngày hôm nay đều nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, môi trường và có lẽ còn do một chút may mắn. Đi thi nhiều lần, Việt cũng rút ra một số bài học quý giá. Nam sinh hy vọng những bài học này có thể giúp đỡ mọi người trong quá trình học tập.

photo-3-1678618828046245615033.jpg

Chân dung nam sinh Bùi Thành Việt.

1. Học là phải học thật

Mình hiểu việc "học thật" quan trọng như thế nào khi mình bị mắc kẹt ở điểm tổng là 8.0 suốt 2 năm liền. Trong 2 năm đó, mình xem TikTok Tiếng Anh, xem Netflix US-UK, một ngày đi dạy tiếng Anh hơn 13, 14 tiếng. Mình nghĩ đơn giản với cường độ làm việc và sự tiếp xúc tiếng Anh dày đặc như vậy, mình sẽ cải thiện.

Nhưng thực tế không như mình nghĩ. Đúng là mình tiếp xúc với tiếng Anh hằng ngày nhưng đó đều là kiến thức mình đã biết và nắm rõ. Nói cách khác, mình chỉ đang ôn lại những thứ trong ngưỡng an toàn của bản thân. Vậy nên năng lực của mình không hề cải thiện mà vẫn giậm chân tại chỗ. Mình rất thất vọng về bản thân, nhiều lúc còn không dám giảng dạy trên lớp vì cảm thấy thất bại.

Khi quá thất vọng với bản thân, mình có hai lựa chọn: 1 là nghỉ việc, 2 là "yêu lại" IELTS từ đầu. Và mình thấy may mắn rằng mình đã không bỏ cuộc. Mình quyết định "yêu lại" việc học từ những việc cơ bản nhất, từ việc làm đề thường xuyên hơn, nghe samples Speaking (bài nói mẫu) hằng ngày và viết bài mới khoảng 3 lần/tuần.

Lúc đầu, việc "yêu lại" khiến mình cực kỳ nản. Nhưng rồi dần dần mình cũng làm quen với cường độ làm việc. Mình hứng thú khi có từ mới để học bởi tưởng tượng sẽ áp dụng được từ đó trong bài Speaking như thế nào. Mình hứng thú khi làm Reading, vì mình thấy văn phong trong bài rất hay và có thể tham khảo để đưa vào bài Writing. Mình hứng thú khi làm Listening bởi mình không những nghe để làm bài mà còn nghe để cải thiện phát âm.

Và đến lần thứ 8 đi thi IELTS, mình được 8.5 điểm. Trước kết quả trên, mình khá bất ngờ vì không nghĩ có thể đạt được điểm cao như vậy. Giờ nhìn lại, mình thấy may mắn vì đã mất "niềm tin", để biết phấn đấu, nỗ lực mỗi ngày.

photo-2-16786188250241696650906.jpg

Việt đã thi đến 8 lần mới chinh phục được IELTS 8.5.

2. Học là phải liên tục

Năm 16 tuổi, mình thi IELTS lần đầu tiên. Khi đó mình may mắn được 7.0. Thời điểm đó, điểm số trên là khá ổn. Và có lẽ vì vậy nên mình có phần… đánh giá quá cao năng lực bản thân. Mình lười học tiếng Anh từ đó, kết quả là khi lên lớp 12, năng lực tiếng Anh của mình kém đi hẳn. Mình thường xuyên sai những câu siêu đơn giản, phản xạ chậm hơn và điểm số tụt hẳn một bậc.

Điểm số tụt dốc giống một cú tát dành cho mình. Sau đó, mình luyện đề nhiều hơn, học thuộc phrasal verbs (cụm động từ), idioms (thành ngữ), học ngữ pháp trong quyển Destination C1, C2 suốt hơn 5 tháng. Nhưng điểm số của mình vẫn không cải thiện nhiều.

Khi đó, mình hiểu rằng mình không đang thực sự học. "Học" ở đây thực chất chỉ là "cày đề". Với các lỗi sai, mình không tìm nguyên nhân, mà chỉ đơn giản check (kiểm tra) đáp án rồi "Ồ, hóa ra là như vậy". Mình không động não, không học từ mới. Mình học theo cách hoàn toàn thụ động nên không có sự tiến bộ.

Khi nhận ra điều đó, mình quyết định học tập nghiêm túc hơn. Mình ghi lại toàn bộ những câu sai vào vở, từ vựng và cấu trúc ngữ pháp chưa nắm rõ. Thay vì "cày đề", mình "học đề". Mình tự làm thầy giáo cho bản thân. Nếu câu nào sai, mình sẽ lên Internet tìm kiếm nguyên nhân để lần sau không lặp lại lỗi. Nhờ đó, điểm số của mình tăng lên đáng kể.

3. Học là để ấm vào thân

Câu này là đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Về nghĩa đen, việc học giúp mình có một nghề để kiếm tiền, để đi ngồi uống cà phê rồi viết những dòng này, để đi bida, để nghe nhạc Taylor Swift, để mua đồ săn sale, để trả tiền cho cái mái trên đầu.

Về nghĩa bóng, việc học giúp mình trở thành phiên bản tốt hơn. Học IELTS giúp mình biết thế nào là tư duy đa ngôn ngữ, tư duy phản biện, tư duy phân tích. Việc thất bại liên tục để rồi thành công trong việc thi cử giúp mình biết thấu cảm, khiêm tốn và tự tin hơn.

Khi mình học IELTS năm 15 tuổi, mình không bao giờ nghĩ rằng sẽ dùng nó để kiếm sống. Mình cũng không nghĩ rằng nhờ nó mà mình có thể cống hiến cho mọi người. Mình luôn tin vào giáo dục vì việc học, không cách này thì cách khác, giúp mình… làm người.

photo-1-1678618822158773806993.jpg

4. Muốn đi xa thì đi cùng đồng đội

Khi mình luyện IELTS, mình may mắn có biết tới một bạn. Đó là người thầy/học sinh đầu tiên của mình. Khi học cấp 3 cùng nhau, bọn mình luyện nói ở khắp nơi, từ sân quân sự đến căng tin. Thậm chí có hôm, bọn mình còn nói về IELTS Speaking trong giờ Ngữ văn đến nỗi bị cô giáo mắng trước lớp.

"Học thầy không tày học bạn", mình luôn tin là vậy. Những thứ mình học ở trên trường/lớp chỉ là một hạt cát so với kiến thức mình học được ở bạn bè. Khi mình không hiểu phần nào đó, người đầu tiên mình tìm kiếm sự giúp đỡ là bạn bè. Thấy bạn bè giải được mình càng có thêm động lực để cải thiện bản thân.

5. Việc học thực ra là việc dễ nhất

Đây là câu mà một chị đồng nghiệp từng nói mình. Lúc nghe xong, mình đã rất hoang mang. Nhưng giờ ngẫm lại, mình thấy việc học đúng là việc dễ nhất.

Khi mình học, nếu mình thất bại trong thi cử, mình chỉ phải chịu trách nhiệm với bản thân. Nhưng khi mình đi dạy, nếu học sinh thi thất bại, mình không chỉ thấy có lỗi với bản thân, mà còn với cả học sinh, cả đội ngũ và rộng hơn là cả công ty. Áp lực phải thành công lúc này lớn hơn rất nhiều.

Giờ, trung tâm IELTS "mọc lên như nấm", học sinh không thiếu chỗ để học. Họ chọn đến với mình vì tin tưởng mình. Họ thấy mình xứng đáng để gửi gắm thời gian và công sức. Vì thế, nếu mình thất bại trong việc giảng dạy, mình không dám nhìn mặt học sinh, phụ huynh. Đó là còn chưa kể đến áp lực về uy tín, danh dự, và cái "tôi". Vì thế khi học sinh đi thi, mình còn lo hơn cả khi mình thi. Mình mong mỏi chờ điểm học sinh còn hơn cả điểm thi của bản thân.

Hồi đi học, mỗi lần bị cô giáo mắng, mình nghĩ "biết thế hôm nay trốn học". Khi mình đi làm, mỗi lần bị sếp mắng te tua, mình nghĩ trộm "tôi muốn nghỉ việc". Điểm khác biệt chỉ là cô giáo mắng vì cô muốn giúp mình, chứ cô không muốn phạt. Nhưng khi đi làm, mình bị mắng là vì đã gây ra lỗi làm ảnh hưởng đến công ty. Một lần thất bại là một lần phải trả giá bằng tiền và nước mắt.

Ảnh: NVCC

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022