Theo điều tra do Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại Mỹ công bố hồi tháng 11, năm 2021 có hơn 1,18 triệu sinh viên đăng ký theo các khóa ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.
Trong đó tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp vẫn được học nhiều nhất, chiếm 61% tổng số sinh viên. So với thống kê năm 2016, tiếng Nhật soán ngôi tiếng Đức để trở thành ngành học ngôn ngữ phổ biến thứ tư. Tiếng Trung và tiếng Italy lần lượt ở vị trí thứ sáu và bảy. Tiếng Hàn đứng cuối top 10 với 19.720 sinh viên đăng ký học.
10 ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh) được sinh viên chuộng nhất tại Mỹ năm 2021:
TT | Ngôn ngữ | Số sinh viên | Tăng/giảm so với 2016 |
1 | Tây Ban Nha | 584.453 | -18% |
2 | Pháp | 135.088 | -23.1% |
3 | Ký hiệu Mỹ | 107.899 | 0,8% |
4 | Nhật | 65.661 | -4,6% |
5 | Đức | 53.543 | -33,6% |
6 | Trung Quốc/Quan thoại | 46.492 | -14,3% |
7 | Italy | 45.182 | -20,4% |
8 | Ả rập | 22.918 | -27,4% |
9 | Latin | 19.472 | -21,5% |
10 | Hàn Quốc | 19.270 | 38,3% |
Báo cáo cho biết so với năm 2016, số sinh viên theo học các ngành ngôn ngữ ngoài tiếng Anh đã giảm 16,6%. Mức này cao gấp đôi so với mức giảm sinh viên nhập học tại Mỹ nói chung (8%).
Bốn ngoại ngữ phổ biến từ châu Âu đều giảm trên 20% số sinh viên theo học. Trong đó, tiếng Pháp giảm mạnh nhất (23%), theo sau lần lượt là tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Latin đều trên 21,5%, tiếng Italy giảm hơn 20,4%. Trong số các ngôn ngữ châu Á, số sinh viên chọn tiếng Trung giảm 14,3%, trong khi tiếng Nhật chỉ giảm 4,6%.
Ngược lại, sinh viên chọn ngành tiếng Hàn tăng 38,3%, và là ngôn ngữ có số lượng sinh viên đăng ký tăng mạnh nhất. Các chuyên gia lý giải do số trường mở ngành học này tăng lên và ảnh hưởng từ K-Pop.
Từ năm 2016 đến nay đã có thêm 29 đại học mở thêm học phần, chương trình ngôn ngữ Hàn. Joowon Suh, giám đốc Chương trình Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Columbia, cho biết số lượng sinh viên theo học các học phần tiếng Hàn đã tăng 50% trong giai đoạn 2017-2021.
Ji-Yeon Lee, giáo sư tiếng Hàn tại Đại học Kansas, cho rằng, sự phổ biến của K-Pop và phim truyền hình Hàn Quốc góp phần thu hút nhiều sinh viên quan tâm đến ngôn ngữ này. Tại Đại học Kansas, số sinh viên nhập học các học phần tiếng Hàn đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Sinh viên trong lễ tốt nghiệp Đại học Columbia, Mỹ. Ảnh: Columbia University
Nhìn chung, sự sụt giảm tuyển sinh các ngành ngôn ngữ đã diễn ra nhiều năm qua, sau đỉnh cao 1,6 triệu sinh viên đăng ký vào năm 2009. Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại Mỹ cho biết vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân của việc này, nhưng Paula Krebs, giám đốc điều hành, đổ lỗi phần lớn do suy giảm nguồn tài trợ.
"Cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra và chính phủ đã ngừng tài trợ cho nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực nhân văn", tiến sĩ Krebs nói.
Huy Quân(Theo MLA, THE, CNN)