Đoàn làm phim Đất rừng phương Nam xuất hiện tại thảm đỏ Liên hoan phim lần thứ XXIII.
Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam là một trong 2 hội thảo thuộc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra tại TP Đà Lạt từ ngày 21-25/11.
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng công tác truyền thông trong lĩnh vực điện ảnh ở nước ta chưa đủ chuyên nghiệp và toàn cầu hóa, thực trạng “ném đá” tác phẩm điện ảnh gây bất lợi cho sự phát triển nền điện ảnh.
NSƯT Phi Tiến Sơn, đạo diễn phim Đào, phở và piano cho rằng nước ta đang có một lứa đạo diễn trẻ, tài năng, dũng cảm, bắt đầu có ý thức vượt qua dòng phim giải trí để tiếp cận những vấn đề lớn hơn.
“Một nền điện ảnh lớn cần phải có tác phẩm lớn, có giá trị nhân văn, nghệ thuật và tư tưởng. Làm phim có tính giải trí cao, thu hút được nhiều khán giả, doanh thu cao là rất khó và cần thiết để tái đầu tư, nuôi đội ngũ. Nhưng giấc mơ của các nhà làm phim, của nền công nghiệp điện ảnh không dừng ở đó. Họ muốn không chỉ có sản phẩm điện ảnh ăn khách mà còn có tác phẩm điện ảnh. Chỉ khi đó thế giới mới biết điện ảnh Việt Nam”, đạo diễn chia sẻ.
Tuy nhiên, NSƯT Phi Tiến Sơn cũng chia sẻ rằng làm được như thế không dễ, chẳng hạn như tình trạng phim Đất rừng phương Nam bị “đánh”. “Vừa rồi có một số phim bạo chi tìm đến đề tài lịch sử, tìm hiểu hồn cốt dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước. Vậy mà chỉ vài lỗi, hoặc chưa chính xác về chi tiết lịch sử mà dư luận đã sôi sục soi xét. Con đường gian truân chưa đi đã vấp thì còn ai muốn đi nữa? Và đến khi nào chúng ta ra được biển lớn?”, đạo diễn Phi Tiến Sơn tâm tư.
Cảnh phim Đất rừng Phương Nam
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc nhận định sự thành bại của một bộ phim phải kể đến vai trò của truyền thông. Có nhiều cách để định nghĩa một bộ phim thành công, về chất lượng nghệ thuật, hiệu quả doanh thu… Trong đó, chắc chắn không thể không tính tới hiệu ứng truyền thông trên môi trường mạng xã hội, nhất là trong tình hình Internet và điện thoại thông minh phổ cập nhanh chóng và tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội của Việt Nam đông đảo như hiện nay.
“Truyền thông là cách tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất tới khán giả. Nhưng công cụ nào cũng luôn có mặt mạnh và điểm chưa mạnh của nó. Trong mỗi chiến lược truyền thông cho ngành công nghiệp điện ảnh hay cho từng bộ phim, thiết nghĩ phải có các kế hoạch dự phòng cho các tình huống, nguy cơ khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Xử lý khủng hoảng truyền thông như thế nào lại là một vấn đề rất không đơn giản”, nữ tổng biên tập nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng cần đặt ra vấn đề bảo vệ người làm phim trước tình trạng nhiều người tung những bài viết thóa mạ, bới lông tìm vết, không ít người chưa xem nhưng cũng không ngần ngại “ném đá” phim.
Theo ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, qua hội thảo cho thấy những người làm phim có những nỗi đau và dễ bị tổn thương. Họ cần được bảo vệ một cách rành mạch trước những cách truyền thông thiên lệch.