NewJeans được vinh danh ở giải thưởng quốc tế Billboard Women in Music Awards - Ảnh: Billboard
Các nhóm nhạc nữ Gen4 của K-Pop giờ đây đã không còn muốn đi theo con đường “chậm mà chắc”, là xây dựng danh tiếng trong nước vững vàng rồi mới tính đến chuyện “Mỹ tiến” hay “Nhật tiến”.
Giờ đây họ chọn cách phát triển song song cả hai, thậm chí còn chú trọng thị trường quốc tế hơn cả quê nhà.
Là thần tượng K-Pop nhưng lại xa rời khán giả trong nước
Hướng đi này không chỉ nhấn mạnh khát vọng vươn ra quốc tế của các ông lớn trong ngành giải trí mà còn đặt ra những câu hỏi quan trọng, liên quan đến tính bền vững và định hướng chiến lược của các nhóm nhạc nữ hiện nay.
ITZY tiếp tục tour lưu diễn toàn cầu thứ hai trong năm 2024, đi qua 18 quốc gia trên thế giới - Ảnh: JYP
Theo The Korea Times, các báo cáo trong ngành âm nhạc đang cho thấy sự suy thoái ở thị trường nội địa khi các nhóm nhạc tân binh lẫn kỳ cựu đều bị sụt giảm đáng kể về doanh số bán album, vị trí trên bảng xếp hạng và mức độ tương tác của người hâm mộ.
Baby Monster từng được dự đoán là "tân binh khủng long" khi thừa hưởng danh tiếng từ người chị BlackPink, nhưng thực tế các bài hát của nhóm đều khá chật vật để có thể ghi dấu ấn trong Top 100 Melon (ứng dụng nghe nhạc trực tuyến phổ biến tại Hàn).
NewJeans được vinh danh ở giải thưởng quốc tế Billboard Women in Music Awards - Ảnh: Billboard
Hay như NewJeans, tuy hay vắng mặt tại các lễ trao giải, show âm nhạc trong nước nhưng nhóm lại thường xuyên góp mặt tại các sự kiện âm nhạc của Mỹ. Vậy nên, lượng fan chủ yếu của NewJeans thường đến từ các quốc gia châu Mỹ, châu Á khác.
Dấu hiệu tích cực hay tiêu cực?
Trả lời cho câu hỏi có phải các nhóm nhạc Hàn Quốc giờ đang lơ là thị trường “mẹ đẻ” của mình hay không, các chuyên gia âm nhạc đưa ra ý kiến rằng điều này phụ thuộc nhiều vào chiến lược của các công ty quản lý.
Baby Monster được lòng fan quốc tế, nhưng lại xa lạ với khán giả quê nhà - Ảnh: YG
Không thể phủ nhận rằng thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhóm nhạc, nhưng chính việc ưu tiên việc hoạt động ở nước ngoài đã khiến họ ngày càng xa cách với người hâm mộ trong nước.
"Xu hướng tăng lời bài hát tiếng Anh và mời các nhà sản xuất phương Tây để tăng sự nhận diện ở nước ngoài dường như đang khiến khán giả cảm thấy xa lạ với chính nhóm nhạc tại đất nước mình” - một chuyên gia trong ngành nói với The Korea Times.
Nhưng xét về nhiều khía cạnh khác, đây được xem là một bước đi khôn ngoan và có định hướng lâu dài.
Bởi việc đầu tư song song ở hai thị trường sẽ giúp các nhóm nhạc nữ tăng thêm độ nhận diện, tăng thêm fan.
Từ đó sản sinh ra các chuyến lưu diễn quốc tế, những cơ hội được biểu diễn tại các sự kiện tầm cỡ. Các nhóm sẽ "tranh thủ" khi còn hot để hoạt động năng suất, bởi tuổi thọ của công việc làm thần tượng vốn chẳng kéo dài được lâu.
Born Pink World Tour của BlackPink có quy mô hoành tráng nhất trong lịch sử các nhóm nhạc nữ K-pop
Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Hàn Quốc đang hạ nhiệt, sức hấp dẫn toàn cầu của các nhóm nhạc nữ K-pop sẽ đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy ngành công nghiệp này đổi mới và thích ứng nhanh hơn với bối cảnh chung.