Phim Chuyện tình Tokyo (1991) đình đám một thời - Ảnh: IMDb
Trước khi làn sóng Hàn Quốc xuất hiện, đã từng có một Nhật Bản “khuấy đảo” thị trường Đông Nam Á với hàng loạt bộ phim truyền hình vào cuối những năm 1990 và đầu 2000 như Chuyện tình Tokyo (1991), Kỳ nghỉ dài (1996)...
Tại Việt Nam, truyền hình Nhật Bản không chỉ là những bộ phim hay được chiếu trong khung giờ vàng, mà đó còn là những ký ức tuổi thơ với bữa cơm gia đình ấm áp của nhiều thế hệ.
Thậm chí, từ “osin” được người Việt sử dụng rộng rãi cũng lấy từ phim Oshin để chỉ người giúp việc, hay câu chuyện chống chọi bệnh tật trong Một lít nước mắt khiến nhiều người xem phải “khóc như mưa”.
Tuy nhiên, phim truyền hình Nhật Bản sau đó lại “khép kín” một cách khó hiểu dù đạt được rất nhiều thành công từ thương mại đến hàn lâm.
Phim Nhật thời lượng ngắn, ngân sách ít, bản quyền chặt
Với thời lượng ít ỏi, các bộ phim Nhật kết thúc quá nhanh để sắp xếp lịch phát sóng ở các quốc gia khác cũng như không đủ thời gian quảng bá để đương đầu trên đường đua quốc tế.
Phim Hạ cánh nơi anh với thời lượng lên đến 16 tập - Ảnh: Netflix
Nếu phim Hàn như Hạ cánh nơi anh tăng thời lượng đến tận 16 tập với mỗi tập kéo dài từ 70 - 110 phút, hay series Law and Order (Luật pháp và Trật tự) của Mỹ dù mỗi tập dài chỉ 45 phút nhưng đã phát sóng 22 mùa với mỗi mùa gồm 22 tập thì các đài truyền hình Nhật chỉ phát sóng phim vào ba tháng tương ứng với ba mùa trong năm (mùa hè, mùa thu, mùa đông), bao gồm 10 - 12 tập với chưa đến một giờ mỗi tập.
Thời lượng ngắn cũng đến từ ngân sách hạn hẹp dành cho mỗi bộ phim truyền hình Nhật.
Series Law and Order (Luật pháp và Trật tự) với 22 mùa phát sóng - Ảnh: Netflix
Theo tờ Nippon, chi phí cho mỗi tập phim Nhật dao động từ 30 - 40 triệu yen (khoảng 5 - 6 tỉ đồng), trong khi bộ phim Mất tích (2004) của Mỹ tiêu tốn gần 4,5 triệu đô la cho mỗi tập phim.
Số tiền càng lớn, các ngôi sao quốc tế nhiều tên tuổi càng dễ xuất hiện, kèm theo một kịch bản trau chuốt và đầu tư quay phim công phu là những yếu tố “bảo chứng” cho sự thành công của một bộ phim truyền hình.
Nhưng hơn hết, bản quyền quá chặt chẽ là trở ngại rất lớn để phim truyền hình Nhật được quảng bá toàn cầu.
Nghiên cứu của David Humphrey thuộc Đại học Bang Michigan (Mỹ) chỉ ra rằng sự bùng nổ phim truyền hình Nhật Bản ở các quốc gia Đông Nam Á đầu năm 2000 làm xuất hiện tình trạng đạo nhái và phát hành lậu nghiêm trọng.
Ở thời điểm đó, Nhật Bản ưu tiên phát sóng trong nước và rất lâu mới đến các quốc gia khác, khiến người xem quá mong đợi và các đĩa lậu ra đời để đáp ứng nhu cầu.
Với việc đề cao thị trường nội địa, trước tình hình trên, Nhật Bản đã ra giá mua bản quyền rất cao và được nhà nước bảo hộ rất kỹ, gây khó khăn để mở ra thị trường quốc tế.
Anime áp đảo thị trường phim Nhật
Trong khi phim truyền hình vẫn đang tìm chỗ đứng, anime đã xuất hiện và phát triển vượt bậc, trở thành một trong những chủ lực ở thị trường phim ảnh Nhật Bản.
Theo Japan Insider, tương tự như các nhà làm phim phương Tây, đơn vị sản xuất và phát hành anime là hai đơn vị riêng biệt.
Do đó, các đơn vị sản xuất sẽ tập trung phát triển nội dung anime, còn các đơn vị phát hành tự do quảng bá và mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Anime Chú thuật hồi chiến bùng nổ trên nền tảng Netflix - Ảnh: YouTube
Ngoài ra, so với phim truyền hình, anime cũng không bị “đóng khung” vào một nền văn hóa nhất định, nội dung anime có thể mơ mộng và phi thực tế nên dễ dàng thu hút khán giả ở nhiều độ tuổi và quốc gia khác nhau.
Với sự áp đảo của anime, nhiều nhà làm phim truyền hình đã chuyển thể anime thành phiên bản người đóng (live action) để thu hút người hâm mộ từ anime.
Tuy nhiên, yêu cầu bám sát nguyên tác quá cao của người hâm mộ Nhật Bản khiến các tạo hình nhân vật trong phim bị giả, các tình tiết cũng gượng gạo và đôi khi phi thực tế.
Một số bộ phận khán giả trên diễn đàn Allkpop bày tỏ: “Phim Nhật đa phần lấy cảm hứng từ anime và truyện tranh dẫn đến một số nhân vật trông cứ như đang hóa trang (cosplay) vậy”; “Tôi đã xem qua vài phim live action (người đóng) và từ bỏ, họ nên chỉnh sửa kịch bản thực tế hơn”...