Mục Kiền Liên - Hình tượng hiếu đạo trong Phật giáo

Mùa Vu lan báo hiếu năm nay có thêm một cách "chú giải" tích Mục Kiền Liên cứu mẹ bằng ngôn ngữ điện ảnh, do đạo diễn Quản Trọng Phúc thực hiện, nghệ sĩ Trà My chuyển thể kịch bản và là nhà sản xuất. Phim "Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân" gói gọn trong 40 phút nhưng gánh vác cả một hành trình dài từ khi Tôn giả Mục Kiền Liên còn trẻ, bước lên con đường cầu đạo, gia nhập Tăng đoàn, trở thành một trong mười vị đại đệ tử xuất sắc nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Cùng với câu chuyện xuất gia thành tu sĩ, đắc Thánh quả, phim còn là câu chuyện xúc động về Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ ở địa ngục, trở thành hình tượng hiếu đạo trong Phật giáo, cũng là nguồn gốc ra đời của ngày lễ Vu Lan.

muc-kien-lien2-16921832202361487903620.jpg

Nghệ sĩ Trà My hóa thân với vai Thanh Đề, mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên

muc-kien-lien6-16921832204531761156765.jpg

Bà bị đọa xuống địa ngục, chịu cảnh đỏi khát, khổ sở

Câu chuyện trong phim bắt đầu từ bà Thanh Đề (mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên) lúc còn sống thường xuyên hành hạ người ở, tham lam, gian dối và không tin vào Phật pháp. Thay vì nghe theo lời con trai mang số tiền cha để lại cúng dường thì bà Thanh Đề lại phung phí cho bản thân và các nghi lễ cúng bái. Vì thế mà sau khi mất, bà bị đọa xuống địa ngục.

Thấy mẹ mình đói khát khổ sở mà không thể giúp đỡ, Ngài Mục Kiềnn Liên đã đến thưa với Đức Phật. Theo lời Đức Phật, ngày rằm tháng bảy - là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư tăng Tự tứ nên thiết lễ Vu Lan Bồn - lễ cúng "giải đảo huyền" (giải cứu cái khổ bị treo ngược), mẫu thân của Ngài đã được giải thoát. Tôn giả Mục Kiền Liên cảm kích ân Phật đã khuyến khích tổ chức lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy hàng năm để cúng dường tăng chúng mười phương hội về, đồng thời tụng kinh Vu Lan Bồn để báo hiểu cho cha mẹ. 

"Mục Kiền Liên" Việt Bắc - Sự phát hiện thú vị của nghệ sĩ Trà My 

Kể lại tích truyện có thật đã quá nổi tiếng là sức ép không nhỏ với đạo diễn trẻ mới ở độ tuổi ngoài 20.

"Tôn giả Mục Kiền Liên là một nhân vật lịch sử có thật. Ngài có quá trình xuất gia tu học và đắc quả, được sử liệu ghi chép. Tôi đã phải tìm tòi, đọc những giai thoại về ngài Mục Kiền Liên, xin tư vấn của các thượng toạ, đại đức...", đạo diễn Quản Trọng Phúc cho biết.

muc-kien-lien8-16921832205811491351882.jpg

Đạo diễn Quản Trọng Phúc và mẹ - nghệ sĩ Trà My

Một thuận lợi với Quản Trọng Phúc là anh có người mẹ cùng nghề, nhiều kinh nghiệm và theo đạo Phật nên hỗ trợ cho anh ở những khâu quan trọng nhất.

Không biết vô tình hay hữu duyên mà các diễn viên được mời vào phim phần nhiều là diễn viên hài hoặc có tố chất hài ngoài đời. Chi tiết này được NSUT Chí Trung phát hiện. Anh dí dỏm nói: "Tôi, nghệ sĩ Trà My là chuyên nghiệp rồi. NSND Tiến Đạt thì quá hài. Rồi Thu Huyền, Việt Bắc, Hiệp Vịt, Jimmii Khánh, Thuỳ Liên đều đóng hài rất đạt. Nhưng ở phim này nhiều lúc tôi ở thế khó, vì Trà My muốn tôi pha vào chút hài cho sinh động thì Quản Trọng Phúc lại muốn tôi "thoát vai" để bảo đảm tinh thần nguyên tác. Vì thế tôi hiến kế là quay hai concept để cho hai mẹ con… cãi nhau chọn".

Điều thú vị nữa còn nằm ở dàn diễn viên chính. NSND Tiến Đạt (vai Đức Phật), Việt Bắc (vai Mục Kiền Liên) và nghệ sĩ Trà My (vai bà Thanh Đề) là những vai diễn mang đến sự bất ngờ cho khán giả.

z4603902139919-5897141478b17f1c2679377333aaea51-8124-7293-16921837089491604685078.jpg35-5388-16921836998901456853901.jpgmkl3-1692030352190268824138-16921837001371627614138.jpgmuc-kien-lien4-1692183219632766700013.jpg

 NSND Tiến Đạt và Việt Bắc được khen ngợi khi hóa thân vào vai Đức Phật và Mục Kiền Liên

Ban đầu, nhìn tạo hình Đức Phật trên poster, ít ai nghĩ rằng đó là NSND Tiến Đạt. Trong sử sách miêu tả, Đức Phật khi tại thế có thân hình cao lớn, trong khi đó NSND Tiến Đạt lại có chiều cao khiêm tốn nên các góc quay phần nhiều là ngồi hoặc quay cận, nửa người. Điều quan trọng là tạo hình, thần thái vừa mang tính nghệ thuật, vừa gần với sự hình dung trong thần thức của số đông về Đức Phật. Để thực hiện được điều này, khâu hóa trang là vô cùng cầu kỳ. Thay vì ra trường quay mới hóa trang như bình thường, các nghệ sĩ phải họa mặt từ trước, bởi công đoạn này thường kéo dài 3 tiếng đồng hồ.

Việt Bắc những tưởng chỉ hợp với những vai vui vui hay láu cá, bặm trợn thì hóa ra anh cũng có khả năng biến hóa đến cả hình tượng tôn nghiêm nhất. Phát hiện thú vị này công đầu thuộc về nghệ sĩ Trà My.

Chị cho biết, khi quyết định làm phim Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân, điều chị băn khoăn nhất là vai Ngài Mục Kiền Liên. Nhiều nghệ sĩ được lựa chọn nhưng cuối cùng chị quyết định mời Việt Bắc vào vai chính.

Việt Bắc ban đầu thậm chí còn hoài nghi bản thân bởi "khuôn mặt tôi đóng Tôn Ngộ Không hợp hơn": "Thật sự tôi đọc qua kịch bản còn không biết Mục Kiền Liên là nhân vật như thế nào, tôi không có ý niệm gì cả. Tuy nhiên, được sự khẳng định chắc nịch từ nghệ sĩ Trà My, tôi đọc kỹ kịch bản, tìm hiểu nhân vật. Khi phim bấm máy, cả đoàn ai cũng bất ngờ vì sự hoá thân quá nhập vai của tôi". Việt Bắc chia sẻ.

Với nghệ sĩ Trà My, vốn được khán giả quen với hài nên việc vào vai Thanh Đề lần này khiến nhiều người ngạc nhiên. Thực ra, chị là dân cải lương, từng đảm nhiệm nhiều vai thân phận éo le. Mùa Vu lan mấy năm trước chị cũng từng gây xúc động với vở "Người mẹ một mắt" nên với vai diễn chịu nhiều đày đọa lần này không phải là thách thức với chị.

39-9280-1692183700189586458857.jpg

Cảnh quay trong hang tốn nhiều công sức của ê kipưựS

Nhưng bối cảnh thì lại là trải nghiệm vô cùng "thót tim" vì diễn ra hoàn toàn trong hang, vừa tối, thấp, ẩm ướt, gập ghềnh khiến chị và các diễn viên có thể bị trượt chân bất cứ lúc nào. Trong không gian ấy, đi đứng được đã khó, đằng này chị còn đeo gông, bị trói tay nên vừa đóng vừa phải niệm Phật để "xin được các Ngài phù hộ" và có thêm tinh thần tập trung vào vai diễn.

NSND Nguyễn Hải đảm nhiệm vai Diêm Vương, dù từng làm rất nhiều phim nhưng khi diễn trong hang, anh cũng có chút "hãi". "Mình có tuổi rồi, sơ sểnh ra cái là ‘toang’ vì rất trơn và dốc. Chưa kể các thiết bị tạo khói, lửa trong hang khiến tôi bị khó thở. Còn Jimmii Khánh thì khổ vì đeo "dây truyền" bằng cỗ lòng lợn. "Cả một ngày trời nắng nóng nên đến khi quay thì "món ăn thần thánh" nơi hạ giới bị bốc mùi thối inh mà vẫn cứ phải đeo lủng lẳng ở cổ. Cũng may cảnh của tôi quay khá nhanh, nếu không thì chắc tôi sợ món lòng lợn đến hết đời".

Nhà sư diễn mà như không diễn trong phim "Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân"

Trong phim có nhiều cảnh quay về các nhà sư nên không gì yên tâm hơn bằng việc mời chính các nhà sư vào vai. Vốn là phật tử nên nghệ sĩ Trà My có nhiều mối quan hệ quen biết với các trụ trì chùa.

Thượng tọa Thích Trường Xuân – trụ trì chùa Liên trì, Quốc Oai, Hà Nội và Đại đức Thích Giác Giáo – Trụ trì chùa Kim Ngưu, Bắc Ninh được mời vào vai nhà sư, nên có thể nói các thầy diễn mà không cần phải diễn, chỉ bê nguyên vào đời là đã đủ chân thực và sinh động rồi. Duy có Đại đức Thích Giác Giáo thì khó hơn vì thầy vốn quê Thanh Hóa, dễ gặp khó với những câu thoại dài có nhiều dấu hỏi, dấu ngã. Vì thế, đạo diễn phải thay đổi một vài từ trong thoại để thuận cho thầy, không phải "cố nhớ cho đúng hỏi với ngã".

muc-kien-lien1-16921832193261521686181.jpg

Diễn viên Việt Bắc, NSND Tiến Đạt và Đại đức Thích Giác Giáo – Trụ trì chùa Kim Ngưu, Bắc Ninh (từ trái qua phải)

Thượng toạ, Thích Đức Nguyên - Uỷ viên HĐTS TW GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình không đảm nhiệm diễn xuất nhưng là thành phần rất quan trọng cho đoàn làm phim. Dù đã góp ý, chỉnh sửa về kịch bản nhưng để yên tâm hơn, đạo diễn Quản Trọng Phúc còn mời Thượng tọa đi theo đoàn làm phim trong suốt thời gian quay để được góp ý, điều chỉnh thêm.

Lý giải về chi tiết bát cơm hóa thành lửa, Thượng toạ Thích Đức Nguyên nhìn nhận ở góc độ sâu sa của triết lý Phật giáo: "Bà Thanh Đề do tạo nghiệp ác nên khi chết đi bị đọa vào cảnh giới của địa ngục, chịu những tội khổ. Khi Tôn giả Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo mang cơm vào cho mẹ, bà vẫn khởi lòng tham, không chia sẻ cho ai cả, khiến bát cơm hóa thành ngọn lửa. Đó là biểu pháp, không phải bát cơm hóa lửa mà là đau khổ trong tâm thì không thể ăn được. Đức Phật dạy rằng hết thảy là do tâm tạo, phải chuyển hóa tâm thức thì mới bớt đi khổ đau. Chúng ta có đời sống an vui hạnh phúc hay không là do tâm làm chủ. Nó sai chúng ta làm việc tốt, việc lành để đi đến ai vui; nó cũng sai khiến chúng ta làm việc ác, mang ác nghiệp phải nhận quả báo".

phim-muc-kien-lien2-16921832207641476499494.jpg

Thượng toạ, Thích Đức Nguyên - Uỷ viên HĐTS TW GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình đảm nhiệm vai trò cố vấn cho phim

Về thắc mắc tại sao Ngài Mục Kiền Liên và các nhà sư trong phim đều vận pháp phục màu vàng, trong khi có phim lại để nhân vật mặc áo cà sa, Thượng tọa Thích Đức Nguyên cho biết: "Bộ phim nói về Mục Kiền Liên, là người nước Ma Kiệt Đà (Magadha), nay thuộc miền Bắc Ấn Độ. Tôn giả Mục Kiền Liên là tỳ kheo nổi tiếng ở thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế nên trang phục đó phải đúng với văn hóa phật giáo Ấn Độ, không dùng y phục Việt. Phim nói về thời kỳ đầu của Đức Phật nên cần trung thành với lịch sử khi Ngài còn tạ thế".

Với thời lượng co gọn trong 40 phút nên có nhiều cảnh quay dụng công đã không được đưa vào phim. Những nuối tiếc như cần khắc họa thêm bằng hình ảnh để làm rõ nét hơn sự ác cũng như sự "coi thường Tam Bảo" của bà Thanh Đề ra sao thì sẽ sinh động hơn là thể hiện bằng thoại… được nghệ sĩ Trà My lý giải rằng, còn rất nhiều chi tiết mà chúng tôi muốn khắc họa, nhưng nội dung dài mà thời lượng phải gói trong 40 phút nên phải tiết chế rất nhiều. Quan trọng là phim giữ được tinh thần cốt lõi và truyền tải thông điệp về đạo hiếu, luật nhân quả để gửi đến khán giả trong mùa Vu Lan.

"Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân" tới đây sẽ được phát hành trên kênh Youtube. Đạo diễn Quản Trọng Phúc cũng hướng đến việc kết nối với các chùa để phát sóng bộ phim như một hình thức giảng pháp sinh động đến các phật tử, khán giả trong mùa Vu lan báo hiếu.

Trailer phim "Mục Kiền Liên cứu độ mẫu thân"

tra-my-va-con-trai-copy-1504878640630-crop-1504878675739.jpgNghệ sĩ Trà My: Mùa Vu lan, tôi bị nhiều người “ghét”

GiadinhNet - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Vu lan là nghệ sĩ Trà My lại kín lịch biểu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đi nhiều, diễn nhiều đã cho chị những kỷ niệm xúc động, nhưng cũng vì thế mà chị bị khán giả “ghét” vì đã lấy đi nước mắt của họ khi nghĩ về cha mẹ…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022