anh-chup-man-hinh-2022-12-09-luc-134225-167056815872845835027-89-202-404-706-crop-16705681986231817648314.pngNSND Quốc Hưng: 'Trong cuộc đời ai cũng có tình yêu đơn phương'

GiadinhNet - Vốn "đóng đinh" với dòng nhạc thính phòng, mới đây NSND Quốc Hưng bất ngờ chuyển sang hát nhạc tình ở tuổi U60 khiến nhiều người ngạc nhiên, ngay cả vợ anh cũng đặt dấu hỏi.

Cần có thêm những cuộc thi âm nhạc với yếu tố quốc tế

- Là một trong những giám khảo của cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc năm 2023, anh đánh giá thế nào về "lực lượng" tài năng trẻ, nghệ sĩ trẻ năm nay?

Đây là một trong những cuộc thi uy tín của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho âm nhạc Việt Nam nói chung và thanh nhạc nói riêng. Cuộc thi đã thu hút thí sinh ở khắp ba miền Bắc – Trung - Nam và đồng đều cả 2 bảng: Bảng A (từ 18- 23 tuổi), Bảng B (từ 24 tuổi trở lên). Đặc biệt, ở bảng B, các thí sinh tham gia chủ yếu ở các nhà hát, các trường chuyên nghiệp như: Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TPHCM, ĐH văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát nhạc vũ kịch…

Hơn nữa, trong thời gian khá dài không có cuộc thi thính phòng nào nên tôi đánh giá cao việc các thí sinh thể hiện tính chuyên nghiệp cao từ số lượng đến chất lượng các tác phẩm dự thi, điển hình là các tác phẩm kinh điển trong trích đoạn opera cũng như romance kinh điển thế giới.

- Được biết, cuộc thi năm nay nhiều học trò của anh dự thi và giành giải nhất, điều này không tránh khỏi việc nảy sinh nghi vấn về tính công bằng.Anh nói sao về điều này?

Tôi không lo ngại điều này bởi theo đúng quy định của BTC cuộc thi thì những thầy cô làm giám khảo có học sinh, sinh viên tham gia sẽ không được bàn luận, chấm điểm để đảm bảo tính công bằng, cuộc thi hiệu quả, đạt chất lượng cao.

Mùa năm nay, tôi có 4 học trò dự thi. Tôi cũng như các giám khảo khác đều không được bàn luận, chấm điểm những thí sinh đó. Vì thế tôi tự tin rằng kết quả chung kết là hoàn toàn công tâm, công bằng nhất với các thí sinh.

screen-shot-2023-12-13-at-151712-17024555853041038305013.png2-giai-nhat-bang-b-tran-quoc-dat-va-ha-my-17024555704901983149495.jpg

3 học trò của NSND Quốc Hưng đạt giải Nhất trong Cuộc thi hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc năm 2023

- Theo anh, để những tài năng bước ra từ cuộc thi được tỏa sáng trên những sân khấu không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế còn cần điều gì?

Tôi hy vọng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có những kế hoạch dài hơi để đầu tư bồi dưỡng, đào tạo những tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng; có kế hoạch sắp xếp lịch thi hợp lý hơn; đưa quy chế tổ chức chấm thi theo chuẩn mực quốc tế.

Và hơn nữa, chúng ta cần có thêm những cuộc thi Âm nhạc mùa thu, Hát thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng mở rộng với yếu tố quốc tế để sự nghiệp chăm sóc, đào tạo tài năng âm nhạc cổ điển Việt Nam cập nhật theo trình độ thế giới.

"Tôi bắt đầu bước vào showbiz, catse thay đổi khá cao"

- Có một thực tế rằng, thí sinh nào bước ra từ những cuộc thi hàn lâm thế này đều mang trong mình đam mê và tham vọng rất lớn với opera; nhưng sau này thực tế cuộc sống khó khăn sẽ không mấy người theo đuổi đến cùng, anh cũng từng chia sẻ như thế!

Đất nước phát triển kéo theo đời sống tinh thần của mọi người được nâng cao, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn và nhạc thính phòng, nhạc kịch cổ điển cũng phát triển theo. Đặc biệt là các nhà hát ngoài Bắc như Nhạc vũ kịch Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng hay Học viện âm nhạc quốc gia cũng có từng tốp nhỏ thành lập CLB cổ điển thính phòng. Đấy là tín hiệu đáng mừng cho những người làm âm nhạc, đặc biệt là nghệ thuật chuyên nghiệp, cổ điển thính phòng.

Còn nói về thực tế cuộc sống khiến nghệ sĩ không theo đuổi opera đến cùng thì như tôi cũng từng chia sẻ, đó là điều khó tránh. Cá nhân tôi trước đây chỉ hát opera, đời sống kinh tế hay sự nổi tiếng rất hạn chế. Tập một vở opera rất vất vả, có khi mất vài tháng mới xong, nhưng thù lao chỉ từ 5 - 10 triệu. Tôi thường nói vui, phải yêu lắm mới theo được bộ môn này.

Khi lập gia đình, tôi vẫn tha thiết yêu opera, nhưng cần lựa chọn con đường thực tế hơn. Sống đời nghệ sĩ, nếu thể hiện những tác phẩm theo thị hiếu, dễ được đón nhận thì kinh tế hay sự nổi tiếng cũng tăng lên. Tôi chuyển hướng hát nhạc Việt và may mắn được công chúng yêu mến. Giờ đi hát 2 bài thôi, thù lao cũng kha khá rồi.

3501256406087894945437241300312928947396787n-1702455398461386456309.jpeg

- Cách đây không lâu, do thực tế cuộc sống nên anh đã có sự chuyển hướng âm nhạc táo bạo, đó là hát nhạc tình. Đến thời điểm hiện tại, anh đánh giá vị trí của mình thế nào với dòng nhạc này?

Thật ra tôi đã hát nhạc trữ tình từ thời học sinh tại các phòng trà ở Hà Nội. Tôi cũng rất thành công, kiếm đủ tiền trang trải học phí cho bản thân. Tuy nhiên, khi lên tới đại học, tôi tập trung vào nhạc thính phòng hơn, vì tôi xác định, đam mê của mình là opera và nhạc thính phòng cổ điển.

Bẵng đi khá dài tập trung cổ điển và giữ lại giảng dạy nên lâu không hát nhạc tình. Khoảng hơn 20 năm, tôi được một số bạn bè, đồng nghiệp khuyên thử album nhạc tình. Tôi cũng hào hứng trở lại với dòng nhạc này nên tôi không gặp nhiều khó khăn. Tôi hát với một trái tim thổn thức. Giọng tôi thì hát nhạc tình cũng rất hợp, nó mang sự sâu lắng, đầy đặn và cách hát khá tình nên được đón nhận nồng nhiệt.

Hơn nữa, với bất cứ thể loại nào, người nghệ sĩ cần song hành giữa cả kỹ thuật và tình cảm. Họ phải hiểu được lời bài hát, ý tứ của nhạc sĩ để khi thể hiện, mỗi lời ca đều chạm đến tâm can của khán giả. Đó mới là quan trọng.

- Nhiều nghệ sĩ tâm sự, có hậu phương vững chắc mới có sức "phiêu" với âm nhạc. Với anh điều này đúng sai thế nào?

Hậu phương vững chắc là điều chắc chắn rồi. Tôi may mắn khi có vợ cùng nghề. Chúng tôi học cùng nhiều năm, yêu nhau từ trường nhạc 8 năm rồi kết hôn nên tôi lựa chọn âm nhạc thế nào hay làm bất cứ điều gì đều được vợ dõi theo ủng hộ. Đó là điều tuyệt vời.

Nhưng các cụ nói, có thực mới vực được đạo. Trong thực tế, tôi theo con đường hát nhạc kịch nhiều năm, muốn phiêu theo âm nhạc cũng tuỳ ý nhưng đến khi lập gia đình, có vợ con thì tôi buộc phải tìm một cách khác để kiếm tiền. Ví dụ như tôi bắt đầu bước vào showbiz, kiểu như thay vì cổ điển, opera thì tôi xoay sang hát các ca khúc Việt Nam để biểu diễn trong các chương trình lớn của Nhà nước hay các hội nghị,... Sau này catse có thay đổi, khá cao nên đời sống không vất vả nữa.

- Liệu anh có dự định với 1 dự án tình ca hoặc một sản phẩm nào để "nịnh" hậu phương của mình không?

Tôi vẫn còn 3 album nhạc tình (gồm 30 ca khúc) nữa đang đợi thời điểm hợp lý sẽ phát hành (Cười)

Xin cảm ơn chia sẻ của NSND Quốc Hưng!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022