anh-tu-lieu-1578931219049220247770.jpg

Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: TL

Tuổi 90 vẫn giữ thói quen ngày trẻ

Chúng tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên vào ngày sinh nhật tròn 90 tuổi của ông. Căn hộ tập thể nhỏ nhắn ở phố Vạn Bảo (Ba Đình, Hà Nội) tràn ngập hoa và tiếng hát, tiếng trò chuyện của các em thiếu nhi dành cho vị nhạc sĩ gạo cội. Trong không khí rực rỡ sắc màu ấy, với các thiên thần nhỏ xung quanh, nụ cười của ông gợi đến hình ảnh một ông tiên hiền từ. Vị nhạc sĩ già thấy mình như trẻ lại, dù sức khỏe của ông vài năm nay khá yếu.

Nhạc sĩ bị hen kinh niên, một bên phổi đã bị khô khiến ông gặp khó khăn hơn trong trò chuyện. Gia đình phải mua máy hỗ trợ hô hấp để ông điều hòa nhịp thở, nhất là vào những hôm trái gió trở trời. Dù vậy, ông vẫn giữ thói quen từ thời còn trẻ, đó là đọc sách và suy nghĩ mỗi ngày. "Tôi giữ nếp đọc từ hồi còn bé đến giờ, không chỉ báo chí mà còn nhiều lĩnh vực khác...", nhạc sĩ Phạm Tuyên nói. Nhờ vậy mà ở tuổi 90, ông không khỏi khiến mọi người kinh ngạc khi vẫn giữ được sự minh mẫn và trí nhớ tuyệt vời, không chỉ với ca khúc mà còn với những kỷ niệm, những con người mà ông ấn tượng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, tính ra ông là vị nhạc sĩ hiếm hoi có 70 năm tuổi Đảng. Và vào thời điểm này, khi mọi người, mọi nhà đang tưng bừng bước vào mùa xuân mới, đất nước chào đón kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng thì cũng là lúc mà những ca khúc bất hủ về Đảng của ông lại vang lên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói, năm nay đúng là một năm rất đặc biệt, vì nó gợi cho ông nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời sáng tác. 90 năm qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã để lại một kho tàng âm nhạc vô cùng đồ sộ, lên đến 700 ca khúc trải dài ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ca khúc chính trị, trữ tình đến ca khúc thiếu nhi, hay viết về các ngành nghề…

Những mốc son gắn liền với Đảng

anh-thanh-ha-15789312190451020117578.jpg

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong ngày sinh nhật tròn 90 tuổi. Ảnh: Thanh Hà

Với nhiều người, viết một ca khúc hay về Đảng đã là khó, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên có đến 3 ca khúc nổi tiếng. Đó là "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng", "Đảng cho ta một mùa xuân", "Màu cờ tôi yêu" mà nhà phê bình lý luận âm nhạc Thụy Kha gọi là "cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp…".

Nhắc đến những ca khúc này, nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: "Mùa xuân của tôi gắn với Đảng. Ngày thành lập Đảng đúng vào mùa xuân, mà mùa xuân thì có bao giờ "già" đâu. Đó là mùa của tuổi trẻ, mùa của niềm tin, của hi vọng và sức sống mới. Vì thế, dù có bao nhiêu tuổi đời thì Đảng vẫn luôn mang đến mùa xuân. Đó cũng là ý nghĩa mà trong ca khúc "Đảng đã cho ta mùa xuân" được tôi gửi gắm".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc này vào năm 1959, khi đó ông 29 tuổi. Mặc dù cảm xúc xuất thần khiến ông chỉ viết trong một khoảng thời gian ngắn nhưng ngẫm ra, nó là sự hun đúc của cả một quá trình ông đi theo cách mạng. Đó là những năm tháng ông công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa V, sau đó là Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đã có những chùm ca khúc về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, về Thiếu sinh quân Việt Nam.

Năm 1954, ông được cử làm cán bộ phụ trách Văn-Thể-Mỹ tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Từ năm 1958, ông về nước, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Khoảng thời gian công tác tại đây giúp ông "sống cùng lịch sử" qua các bản tin thời sự liên tục được cập nhật trên sóng. Bằng sự nhạy bén và cảm xúc của người nghệ sĩ, ông đã biến những thông tin đó thành tác phẩm âm nhạc.

Ca khúc "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng" ra đời cũng từ nguồn cơn như thế. Ông kể: Năm 1959, đất nước kỷ niệm 29 năm Ngày thành lập Đảng 3/2, đó là lần đầu tiên tôi viết bài hát về Đảng. Ngắn thôi nhưng câu chữ giản dị được viết ra từ một thanh niên được giác ngộ đi theo lý tưởng cách mạng đầy nhiệt huyết: "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Trước như tuổi thơ tôi nào biết đường/Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông/Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Đảng ta ơi, cám ơn Người dạy dỗ/Từ đây lòng tôi sướng vui đau khổ/Và tình yêu căm giận hóa lời ca/Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà/Đảng của tôi ơi, Người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng".

Đến ca khúc thứ hai "Đảng cho ta một mùa xuân" là một sự khái quát cao hơn, ngắn gọn nhưng súc tích về chặng đường thành lập cũng như những thay đổi từ khi có Đảng: "Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân/Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm/Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng/Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang/Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới/Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi" và "Xua đi màn đêm chiến tranh gieo bao khổ đau/Cuộc đời từ nay sẽ sáng tươi như mùa xuân/Vượt bao gian khó ta tiến lên đi theo Đảng/Băng giá tan dần ánh dương càng huy hoàng/Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta"…

Bài hát được viết với nhịp tươi vui, rộn ràng, ca từ giản dị nên nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước. Điều đặc biệt là ca khúc được viết đúng năm Canh Tý 1960, cách đây tròn 60 năm và cũng là thời điểm mà đất nước trong thời điểm kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng.

Năm nay cũng là năm Canh Tý nên nhắc đến "Đảng cho ta một mùa xuân", người nhạc sĩ 90 tuổi vẫn không khỏi bồi hồi: "Hôm rồi có mấy anh đến chơi bảo, sao chừng ấy năm qua đi mà bài hát vẫn có sức sống lay động như thế? Là bởi khi viết bài hát đó, tôi mới 30 tuổi, mà tuổi trẻ thì luôn tràn đầy sức sống và sự lạc quan vào tương lai. Thời điểm ấy chưa có nhạc sĩ nào viết ca khúc về Đảng trong những năm miền Bắc mới giải phóng nên khi ra đời, nó nhanh chóng đi vào đời sống".

Khi được gợi ý viết ca khúc về Đảng, ông tâm niệm rằng viết về mùa xuân không cần phải ồn ào, âm nhạc nhẹ nhàng, tươi tắn, tha thiết nhưng đầy tình cảm, đầy hy vọng thì mới truyền cảm. "Nhưng viết về mùa xuân như thế nào để kết hợp được với Ngày thành lập Đảng? Lúc đấy tôi nhớ đến một câu nổi tiếng của một chiến sĩ Cộng sản Pháp Paul Vaillant Couturier: "Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới". Từ ý câu nói nổi tiếng ấy tôi kết hợp với mùa xuân của đất nước chúng ta và tên bài hát ra đời: "Đảng cho ta một mùa xuân". Khi viết bài hát tôi mang tâm trạng công dân của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh được đón mùa xuân trong hòa bình. Đây là ca khúc cộng đồng, không mang tính chất chính luận nên mọi người có thể vừa nắm tay nhau, thậm chí nhảy múa và hát cũng được", nhạc sĩ sinh năm 1930 nói.

Có một kỷ niệm mà đến nay ông vẫn còn nhớ là năm 1975 đất nước thống nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên vào TPHCM, các nhạc sĩ trong đó chia sẻ rằng: "Chúng tôi sinh hoạt ở trong này vẫn hát bài hát "Đảng cho ta cả một mùa xuân" của anh. Một bài hát tưởng như bài chính luận viết về chủ đề chính trị nhưng âm điệu ca từ rất tươi vui, nhẹ nhàng, tha thiết". Ông bảo: "Viết về Đảng có nhiều cách khác nhau nhưng đối với một người suốt cả thời tuổi trẻ gắn liền với những năm kháng chiến, tôi thấy chỗ nào gian khổ nhất, đòi hỏi sự hy sinh quyết liệt nhất thì ở đấy có những đảng viên. Tôi viết "Đảng cho ta cả một mùa xuân" với một tâm hồn thanh niên tươi trẻ nhưng không chỉ với cảm xúc của riêng mình. Với mỗi bài hát, tôi luôn cố gắng nhìn rộng ra, cảm nhận bằng cái chung của dân tộc, của mọi người dành cho Đảng".

Dù vậy, khi ca khúc ra đời, cũng có người "nâng quan điểm" rằng "Một năm có 4 mùa, tại sao lại nói Đảng chỉ cho có một mùa là ám chỉ điều gì? Cần phải xem xét lại lập trường sáng tác của ông nhạc sĩ này". Tuy nhiên, sức sống và sự lan tỏa của ca khúc đã minh chứng không chỉ cho thành công của người nhạc sĩ mà cao hơn, đó là cảm xúc dành cho Đảng, mỗi khi người ta nghe và hát "Đảnh cho ta một mùa xuân". 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 12/1/1930, quê ở làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Ông là con thứ 9 của Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh. Cha ông mất khi nhạc sĩ Phạm Tuyên mới 15 tuổi nhưng suốt cả đời, ông luôn học hỏi, phấn đấu để làm theo lời dạy của cha mình: “Làm gì cũng phải giữ cho mình trong sáng”.

 Lê Thanh Hà

pham-tuyen2-15788817575591562201244.jpgNhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động đón tuổi 90

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022