Nhạc sĩ Hoài An bắt đầu được công chúng yêu mến sau khi bài hát Tình thơ của anh được phát hành cuối thế kỷ 20. 

Đây cũng là ca khúc thường được chọn biểu diễn trong các dịp lễ hội của nhiều trường trung học và càng gần gũi hơn nữa với lứa tuổi học trò vì đã được đưa vào sách Âm nhạc 12, bộ Cánh diều.

Hoài An chia sẻ, đây là cảm nhận mà anh muốn kể lại bằng âm nhạc.Đó là vào khoảng năm 1998, khi đang dàn dựng chương trình thi văn nghệ cho một trường cấp 3 ở TP.HCM, anh thấy được những tình cảm đầu đời, trong sáng của các bạn học sinh, rất dễ thương, nên đã viết bài hát Tình thơ.

"Bài hát này gồm 2 đoạn A và B, âm vực chỉ quãng 9 (rất hẹp), nên hầu như ai cũng có thể hát. Điều thú vị là ban đầu tôi muốn dùng đoạn A như là điệp khúc, nhưng do không thể viết được gì trước đoạn A, nên tôi viết tiếp đoạn B và nghe lại thấy thuận tai" - Hoài An kể lại.

Những kỷ niệm về mái trường

* Ca khúc gắn bó dài lâu với tên tuổi của anh. Vậy vì sao trong một chương trình truyền hình nói về những bài hát quan trọng của bản thân, anh lại không nhắc đến nó?

- Ca khúc phổ biến nhờ gắn bó với những kỷ niệm về mái trường và tình cảm trong sáng tuổi học trò, lại dễ thuộc, dễ hát. Phần kỹ thuật gần như không có gì đặc biệt để nói, ca từ gần gũi, dễ thương… Tôi nghĩ bài hát này được đưa vào sách giáo khoa dựa trên sự trong sáng, dễ thương, cảm xúc - tình cảm "vừa đủ tới" của câu chuyện hơn là phần nhạc, cộng thêm vào đó là tình cảm của quý khán - thính giả dành cho.

Nhạc sĩ Hoài An

Những ca khúc tôi viết trong cùng khoảng thời gian này còn có Nếu phôi pha ngày mai (bản song ca đầu tiên), Tình yêu khó quên (rock), Một ngày xa xăm (bán cổ điển), Bên em mùa Xuân (blues)..., trong đó có ca khúc rất phổ biến, có ca khúc "thầm lặng" hơn, nhưng nội dung các ca khúc ấy có nhiều ý nghĩa đối với riêng tôi.

* Nhân tiện, anh có thể kể về những điều thú vị trong tuổi học trò của mình không? Liệu có điều gì "dính dáng" đến các bài hát nói trên của anh?

- Thời học trò, tôi "ôm đồm" cả thể thao, máy tính và âm nhạc. Sáng đi học, chiều ra sân tập điền kinh, tối đi tập võ 6 đêm/tuần. Giờ rảnh, tôi học lập trình, đọc truyện… Từ lớp 9 đến lớp 11, về thể thao, tôi có HCB nhảy cao toàn thành và nhiều HCV nhảy cao, điền kinh cấp quận. Cuối tuần, tôi thường tập với ban nhạc, thời gian tập của từng người thì tự sắp xếp, nên tôi vẫn dư thời gian.

Thời học sinh, với tôi, kỷ niệm nhiều nhất là với ban nhạc, nhưng lại không "gắn" với các sáng tác đầu tay của tôi.

* Như vậy, quãng thời gian chơi với ban nhạc hẳn có nhiều ý nghĩa với anh chứ?

- Một tuổi trẻ đầy sức sống. Tôi và mấy anh em thân lập nhóm Sóng Xanh, chủ yếu cover nhạc rock quốc tế và nhạc tự sáng tác. Một thời gian dài nhóm biểu diễn thường xuyên ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM, Hội quán trẻ... Sóng Xanh đã tham gia Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc năm 1998 ở Hà Nội và đạt giải Ba. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, vì trước đó nhóm chỉ biểu diễn ở khu vực TP.HCM.

tinh-tho-1752620925031736937687.jpeg

Trang sách “Tình thơ”

Năm lớp 10 tôi viết ca khúc Nhớ Trưng Vương, viết về trường trung học của tôi, bài hát được đăng báo Mực tím cùng phần phỏng vấn ngắn. Cùng năm đó tôi đi đánh đàn ở một vũ trường tại quận, nên với tôi, năm lớp 10 (1992) là kỷ niệm đánh dấu "tuổi nghề" âm nhạc.

Tôi tập tành chơi nhạc khá sớm, nên bạn bè thường lớn hơn tôi vài tuổi. Xuất phát điểm của tôi là từ ban nhạc, sáng tác chỉ là viết cho vui, rồi từ từ viết nhiều hơn và may mắn có bài được phổ biến rộng rãi.

Phong trào ban nhạc sinh viên lúc bấy giờ phát triển mạnh, nên các ban hầu hết quen biết nhau, cùng diễn nhiều sân khấu. Anh em thường chia thành "hai phái": ban nhạc (biểu diễn) và sáng tác. Nhiều anh em bạn bè đến giờ vẫn hoạt động chuyên nghiệp bên âm nhạc như Quốc An, Tấn Trung, Xuân Nghĩa, Lý Huỳnh Long...

25 năm cho 1 album

* Đang là tác giả của những bài hit, vì sao anh lại dành thời gian để viết sử ca, truyền thuyết?

- Đối với tôi, mọi thứ đều ở chữ duyên. Khoảng thời gian 1998 - 2008 tôi may mắn có nhiều các ca khúc được phổ biến (100% là tình ca). Bên cạnh đó, được truyền cảm hứng từ ba tôi, tôi viết Truyền thuyết Cổ Loa (Chuyện thành Cổ Loa), Tiếng trống Mê Linh, Trương Chi - Mỵ Nương… trong khoảng 2000 - 2003. Đến 2004, các ca khúc này được dàn dựng trong những live show lớn, khích lệ tôi "mở" thêm một hướng sáng tác mới về sử ca - truyền thuyết - cổ tích.

Tôi không tự ép mình viết khi chưa đủ cảm xúc, nên có nhiều năm tôi không viết bài nào, có khi vài tuần viết liên tục mấy bài. Đến 2023 tôi có gần 20 bài chủ đề hồn Việt, tôi chọn 15 bài cho đợt 1, gồm 2 CD. Phần sản xuất các ca khúc mới viết cũng gần 2 năm, nên đến tháng 6 vừa rồi tôi mới ra mắt album Hồn Việt.

Có thể 25 năm là quá dài cho 1 album, nhưng tôi thấy xứng đáng. Tôi có nhiều kinh nghiệm và học thêm được nhiều điều từ chính album này.

* Cảm hứng nổi bật nhất trong anh khi phiêu lưu với dòng lịch sử của dân tộc bằng âm nhạc?

- Đó là sự tự hào về bề dày của lịch sử, về sự phong phú của văn hóa vùng miền… Cảm giác mình được ở trong một không gian - thời gian từ xa xưa thật đặc biệt. Đến giờ khi nghe lại cả album, đôi khi tôi cũng tự hỏi tại sao tôi có thể hoàn thành dự án này, 25 năm là 1/4 đời người (cười). Nhờ quá trình viết và sản xuất album Hồn Việt, tôi biết thêm được nhiều kiến thức cả về lịch sử, xã hội, văn hóa… và đặc biệt là âm nhạc

hon-viet-17526209249871053727853.jpeg

Hoài An mất 25 năm để hoàn thành album “Hồn Việt”

* Anh có đăng những đoạn video chơi đàn nguyệt trên trang cá nhân. Phải chăng lúc anh viết sử ca cũng là lúc anh muốn tìm về những nhạc cụ dân tộc?

- Quãng thời gian ghi âm nhiều chương trình âm nhạc trong phòng thu, tôi có dịp tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, mãi đến 2013 tôi mới tìm hiểu thêm về chúng. Có một kỷ niệm khó quên là khi tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp, phải đánh câu intro bằng đàn kìm (nguyệt), thế là tôi học thuộc lòng vị trí phím để đánh đúng câu đó, chứ tôi hoàn toàn không biết gì.

Thời điểm 2020 - 2022, tôi mới có thời gian học hỏi về nhạc cụ dân tộc, và tôi luôn cảm thấy sự rung động đặc biệt khi nghe đàn tranh, kìm, bầu, đàn đáy… Chính nhạc cụ dân tộc giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng khi viết và sản xuất album Hồn Việt.

* Có lẽ vì mang dòng máu Việt Nam nên khi nghe âm thanh của những nhạc cụ dân tộc chúng ta thấy gần gũi và rất dễ xúc động. Thế nhưng, có rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ thường thấy nhạc dân tộc là điều gì xa lạ và "âm lịch", theo anh vấn đề nằm ở đâu?

- Âm nhạc cũng cần đúng chỗ, đúng thời gian, đúng người. Với nhiều người trẻ thích sự hiện đại, năng động… có lẽ sự "giao thoa" giữa một vài nhạc cụ dân tộc chủ đạo trên nền hòa âm và tiết tấu hiện đại của ban nhạc nhẹ là một lựa chọn tốt để làm quen nhạc cụ dân tộc, rồi từ từ họ sẽ tìm hiểu thêm về nhạc cụ dân tộc trong âm nhạc cổ truyền, các thể loại, bài bản… Còn với người có sẵn sự rung động với nhạc cụ dân tộc thì dễ dàng rồi.

Về mặt cấu tạo và âm thanh tự nhiên, với tôi, nhạc cụ dân tộc nghe hay nhất trong một không gian nhỏ, đủ yên tĩnh (kể cả tâm hồn của người nghe). Nếu diễn ở một nhà hát lớn, hoặc một sân vận động, nhất là khi có dàn nhạc điện tử diễn cùng, việc bố trí micro tăng âm cho nhạc cụ dân tộc cũng đã là một thử thách khá lớn (làm sao để nghe rõ, nghe đúng tiếng nhạc cụ dân tộc).

me-vo-2-17526209250152013840972.jpeg

Hoài An học toán-tin, từng rất mê lập trình và võ thuật

* Anh nói rằng mình bắt đầu học đàn guitar từ chị gái và anh có một người em trai cũng là nhạc sĩ của những bài hit. Có lẽ anh tự hào vì không khí âm nhạc, nghệ thuật trong gia đình mình?

- Thật lòng là từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ theo con đường sáng tác chuyên nghiệp, vì tôi thích chơi đàn hơn là viết. Trong nhà tôi, ngoài 2 chị gái chơi guitar còn có anh Hoài Chân chơi trống trong nhóm Sóng Xanh, Võ Hoài Phúc theo sáng tác. Hai chú ruột của tôi đều là cao thủ guitar: cố NSƯT Quang Dũng, và nhạc sĩ Võ Văn Quang.

Tuy nhiên nói cho đúng thì môi trường gia đình tôi gốc là toán - tin, yêu thích văn chương và lịch sử (cười).

* Nhiều người xem việc anh học chuyên toán nhưng lại làm nghệ thuật, có vẻ như mâu thuẫn. Tuy nhiên, cảm xúc thì cần lãng mạn nhưng khi làm việc - kể cả việc sáng tác nhạc - thì cần sự logic, điều này thì "dân chuyên toán" có nhiều thuận lợi hơn, phải không thưa anh?

- Tôi nghĩ viết vài bài nhạc thì chỉ cần cảm xúc là đủ để bắt đầu, nhưng càng đi sâu, đi xa… thì càng cần logic, nên muốn viết được nhiều, viết chuyên nghiệp, thì sự logic trong tổ chức, sắp xếp, phát triển, mở rộng, thu gọn… là không thể thiếu.

Một số phương pháp phát triển câu nhạc đều dễ dàng nhìn thấy phép tịnh tiến, hàm số… của toán học.

- Có thể nói, bản nhạc là tổng hợp nhiều lần lựa chọn để có một đường đi (giai điệu) thỏa mãn nhiều tiêu chí, được tối ưu theo một số ràng buộc cụ thể (giai điệu, ca từ). Tuy nhiên đây chỉ là sự phân tích, thực tế khi viết tôi dựa vào cảm xúc, kinh nghiệm. Khả năng chơi được nhiều nhạc cụ giúp tôi có thêm nhiều cảm hứng.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vài nét về nhạc sĩ Hoài An

Tên khai sinh là Võ Đại Hoài An, sinh năm 1977, hiện sống và làm việc tại TP.HCM.

Hội viên Hội Nhạc sĩ TP.HCM.

Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Là tác giả của hơn 500 bài hát và nhiều album ca nhạc.

Anh đã nhận được các giải thưởng Làn sóng xanh, VTV - Bài hát tôi yêu, Mai vàng (báo Người lao động)…

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022