Sân khấu Hoa từ rác được trang trí bởi những vật trang trí tái sử dụng từ phế phẩm - Ảnh: T.T.D.
Tối 10-10, chương trình nghệ thuật Hoa từ rác diễn ra tại hội trường Trịnh Công Sơn, Trường đại học Văn Lang (TP.HCM), với sự tham dự của khoảng 1.800 sinh viên, khách mời.
Kết hợp nghệ thuật và môi trường trong Hoa từ rác
Đêm nhạc Hoa từ rác gồm bốn chương chính: Tình quê hương, Rải và nhặt, Môi trường muôn sắc, Hoa từ rác.
Tham gia biểu diễn xuyên suốt trong đêm nhạc là các thành viên của nhóm Feelings. Ngoài ra, một số tiết mục có sự kết hợp của sinh viên Trường đại học Văn Lang.
Điều đặc biệt của sân khấu này là sự kết hợp giữa nghệ thuật và thông điệp bảo vệ môi trường thông qua các vật phẩm trang trí trên sân khấu được sáng tạo từ phế phẩm, từ rác.
Nhà thơ Nguyễn Duy - phó viện trưởng Viện đào tạo văn hóa, nghệ thuật & truyền thông Trường đại học Văn Lang, đại diện ban tổ chức - cho biết tinh thần của chương trình dùng câu chuyện về rác thải, vật liệu tái chế từ phế phẩm để nói câu chuyện lớn hơn, đó là câu chuyện đẹp, hành động đẹp.
Từ đó cổ vũ cho cái đẹp, hướng đến lợi ích chung dành cho trái đất.
Ông Ngô Việt - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar (chuyên về xử lý rác thải), đảm nhận vai trò đạo diễn chương trình - nhấn mạnh chương trình nghệ thuật Hoa từ rác không phải là đêm nhạc giải trí đơn thuần, mà mang một sứ mệnh ý nghĩa.
"Chúng tôi đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, sống với rác như thế nào thông qua nghệ thuật nhẹ nhàng, không đặt nặng giáo huấn hay triết lý" - ông Ngô Việt nói.
Điều này được thể hiện qua các sản phẩm, vật dụng bài trí trên sân khấu được sáng tạo từ các phế phẩm như những chiếc ghế sắt, tòa tháp...
Các ca sĩ, nghệ sĩ múa tương tác với các đồ vật trang trí trên sân khấu, giúp người xem thấy được cái đẹp, những sản phẩm tái chế ý nghĩa từ trong rác.
Nhóm Feelings thể hiện ca khúc Mùa xuân đầu tiên, các thành viên nhóm ngồi trên ghế tái chế - Ảnh: T.T.D.
Tòa tháp cao là tâm điểm trên sân khấu, cũng được làm từ phế phẩm - Ảnh: T.T.D.
Tiếng nói cho Trái đất của chúng ta
Các ca khúc được chọn đưa vào chương trình dù không phải là ca khúc viết về môi trường nhưng có từ khóa liên quan đến "hoa" và "rác" theo một cách nhìn mới qua lời dẫn chuyện sinh động, qua nhiều hình thức và nhiều người.
Khán giả như được đắm chìm trong không gian âm nhạc qua các ca khúc: Nước non ngàn dặm ra đi, Tình hoài hương, Mùa xuân đầu tiên, Những ngày yêu dấu tan theo, Sắc màu, Mộng du, Hôm nay tôi nghe...
Đó là các sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến... được ban tổ chức lựa chọn đưa vào chương trình.
Thông điệp về môi trường còn được khắc họa rõ nét qua các bài múa, nghệ sĩ tương tác trực tiếp với các sản phẩm tái chế, khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người.
Các thành viên trong nhóm Feelings biểu diễn - Ảnh: T.T.D.
Tiết mục múa tháp - Ảnh: T.T.D.
Điểm nhấn của đêm nhạc là phần giao lưu chia sẻ thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất của nhà thơ Nguyễn Duy và ông Ngô Việt. Dịp này nhà thơ Nguyễn Duy kể về bài thơ Rác thiên đường, Kim mộc thủy hỏa thổ do ông sáng tác.
Đêm nhạc khép lại với ca khúc Earth Song (Bài ca Trái đất) mang thông điệp tôn vinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi chúng ta.
Nhà thơ Nguyễn Duy (bên trái) tặng khán giả bài thơ Kim mộc thủy hỏa thổ và Rác thiên đường - Ảnh: T.T.D.
Nhóm Feelings hát Earth Song - Ảnh: T.T.D.
Trong khuôn khổ chương trình, Trường đại học Văn Lang trao giải cuộc thi thiết kế thời trang tái chế mang tên Clothes the Loop.
Cuộc thi này được phát động từ tháng 6-2024 hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.
Top 15 mẫu thiết kế xuất sắc nhất làm từ các sản phẩm tái chế được chọn trình diễn.
Sinh viên Trường đại học Văn Lang trình diễn trang phục làm từ vật liệu tái chế bảo vệ môi trường - Ảnh: T.T.D.
Thiết kế mang ý nghĩa về thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh: T.T.D.