Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh - Ảnh: NVCC
Tới hôm qua (8-11), khán giả đã biết Bộ phim bí ẩn thực ra là phim Giải cứu anh "thầy".
Đứng đằng sau nó là Nguyễn Phi Phi Anh - người đứng sau chuỗi 35 đêm nhạc kịch HOPE (Đêm hè sau cuối, Mộng ước đêm hè, Góc phố danh vọng) cháy vé khoảng 7, 8 năm trước và đây là bộ phim điện ảnh đầu tay của anh.
Trước đó, ê kíp chọn cách phương thức quảng bá "chiếu phim mù", tức tên phim, thể loại, nội dung, đạo diễn, diễn viên được giấu kín hết, chỉ khi vào rạp thì khán giả mới biết.
Phim kể về nhân vật chính là "bậc thầy phong cách sống" Minh Thấu. Sau một ngày ghi hình đầy bất ổn cùng các khoản nợ chồng chất, giang hồ bám đuôi, Minh Thấu quyết định từ biệt fan rồi… bỏ trốn.
Bỗng một nhân viên từ tổ chức "Luôn vui cười" xuất hiện tại ngã ba thời gian và câu chuyện diễn ra trong 4 cung đường giả lập.
Giải cứu anh "thầy" là một phim không giống với các phim khác của thị trường điện ảnh Việt Nam. Nó vừa có chất hài đen, vừa có yếu tố hành trình, gia đình, lại vừa châm biếm…
Và nó "quái". Một kiểu "quái" khá khó chịu, sốt ruột, thậm chí buồn ngủ nhưng khán giả lại không bỏ về giữa chừng, vẫn ngồi tới cuối cùng để xem thực ra nó là gì.
Giải cứu anh "thầy" đang phát hành ngoài rạp - Ảnh: ĐPCC
Nguyễn Phi Phi Anh: Phim sau sẽ hiền hơn!
* Phải thú thực, tôi đã ngủ gần 20 phút ở cung đường giả lập thứ ba. Rồi đến đoạn các nhân vật ăn bánh cốm, tôi cảm thấy như một trò đùa vậy… Có phải bạn đùa dai quá không?
- Đến đoạn đó, bản thân tôi cũng tức thay cho khán giả. Có những đoạn thực ra đã rất cuốn rồi, khán giả muốn biết đáp án nhưng tôi lại cố tình không trả lời ngay.
Như phân đoạn ăn bánh cốm, lẽ ra có thể đi thẳng vào câu chuyện nhưng nhất quyết phải có màn đổi bánh. Tôi cũng thấy phim "quái", ở địa vị khán giả tôi thấy tức kinh khủng.
Nhưng chị biết không? Tôi rất khoái chí, ý tôi cái khoái chí của một người làm sáng tạo ấy.
Tôi muốn người ta phải tò mò vì bộ phim của mình nhưng đồng thời tôi không cho họ câu trả lời.
Đó là lý do có thể sẽ có những người khó chịu, sốt ruột, nhưng họ vẫn cứ ngồi đó, không bỏ về giữa chừng đợi cuối phim xem thử nó là cái gì.
Điều này bắt nguồn từ việc thiếu kinh nghiệm điện ảnh đấy. Khi làm, tôi chẳng thấy mình "ác" gì, mà còn luôn sợ phim chưa đủ thú vị.
Dù vậy khi xem lại, tôi cũng phải thừa nhận: Mình "ác" với khán giả quá. Một vừa hai phải thôi! Tôi hứa phim sau sẽ "hiền" hơn.
* Vậy bạn làm phim cho khán giả coi hay chỉ để mình khoái chí?
- Cả hai. Khán giả có thể sẽ khó chịu bởi chỗ này hoặc chỗ kia nhưng tôi tin, cũng sẽ có những trải nghiệm giải trí khi thưởng thức bộ phim này.
Tôi thấy người xem có hai kiểu tâm lý. Có những khán giả chỉ mong biết cái kết nhưng cũng sẽ có những người "relax" (thư giãn) hơn một chút.
Có người nói với tôi thế này: Phim này chẳng có gì ngoài những trò đùa và thông điệp sáo rỗng. Tôi rất vui khi nghe thế. Có nghĩa, khán giả của tôi rất "thưởng thức" phim, anh ta không bị các tình tiết "dắt mũi".
Giải cứu anh "thầy"có thời lượng gần 100 phút - Ảnh: ĐPCC
Không bắt đầu thì không biết bao giờ mới làm
* Quá trình làm Giải cứu anh "thầy" có gì vui?
- Trước đây tôi chỉ biết làm nhạc kịch, có thời gian làm hoạt hình, nhưng điện ảnh lại là một loại hình rất khác (hoạt hình - PV). Làm một bộ phim khó hơn 10 lần làm một vở nhạc kịch.
Bộ phim có nhiều cái ngô nghê, thô sơ của một người lần đầu tiên làm phim nhưng nếu tôi không bắt đầu thì không biết tới bao giờ. Sớm hay muộn cũng phải bắt đầu và tốt nhất là sớm.
Bộ phim giúp tôi tương tác, hiểu thêm về khán giả. Tôi rất vui. Còn quá trình làm phim thì vui quá.
* Lại muốn hỏi Nguyễn Phi Phi Anh, bạn chán nhạc kịch rồi à? Sao quay sang làm phim vậy?
- Điện ảnh là một trong những niềm yêu thích của thế hệ chúng tôi. Từ bé xem phim, tôi đã muốn làm phim. Tôi là một đứa thích nhiều thứ, trong đó có nhạc kịch và đó là đam mê mà tôi có điều kiện, cơ hội làm được trước ở thời điểm đó. Giờ thì tôi thấy tạm thời thế là đủ rồi.
Tôi biết nếu tôi làm tiếp nhạc kịch, nhiều người sẽ rất vui. Nhưng tôi cũng phải phát triển nữa. Tôi đang muốn làm phim.
Trong các cung đường giả lập, nhiều đoạn chuyển sang màu phim đen trắng - Ảnh: ĐPCC
* Ở các cung đường giả lập, bạn chọn màu phim đen trắng. Mục đích tạo không gian ba chiều hay đơn giản, chỉ vì đây là một phim kinh phí thấp? Khán giả đại chúng Việt Nam ngày nay không quá chuộng màu đen trắng đâu…
- (Cười lớn) Tôi biết chứ nhưng quay đen trắng rẻ hơn nhiều. Màu phim liên quan đến thiết kế. Kiến trúc, màu sắc xã hội Việt Nam hiện rất lộn xộn.
Chúng tôi không thể chặt hết cây đi để trồng cây khác, không thể sơn lại hết nhà người ta được và hiện cũng chưa đủ tiền để dựng cả bối cảnh, phim trường. Đen trắng là hợp lý và khả dĩ nhất.
Tất nhiên có rất nhiều cách để khắc phục vụ tiền bạc nhưng trong phim này, tôi đã chọn cách công bằng nhất với nghệ thuật. Không phải ít tiền muốn làm gì thì làm. Như thế là không tôn trọng khán giả.
* Nhân vật Phòn khiến tôi vẫn nhận ra Nguyễn Phi Phi Anh của thời làm nhạc kịch đây rồi. Một anh chàng nghịch ngợm, nghệ sĩ tính, trong sáng và vẫn tin vào cổ tích như xưa…
- Lúc đầu không có nhân vật Phòn nhưng lúc đó, tôi cần một cái cớ để dẫn dắt. Phòn ra đời, đó là một nhân vật dễ chịu, vừa trào phúng lại vừa cổ tích.
Ban đầu, Phòn ngồi lù lù trong nhà Minh Tinh (chị gái Minh Thấu) nhưng chán quá. Tôi quyết định cho anh ta múa cột. Chỉ hai tiếng trước khi quay mới nghĩ ra cảnh đó đấy. Đó là lý do ở trên tôi nói khi làm phim này, toàn trò vui thôi.
Tôi hay nghĩ thêm cái này cái kia vào để mình vui và hy vọng khán giả vui. Xem phim này, tôi mong khán giả đừng "nghiêm túc" quá.
Nguyễn Phi Phi Anh sinh năm 1991, từng giành học bổng du học toàn phần bốn năm tại Trường phổ thông Anglo - Chinese School của Singapore.
Sau đó anh theo học 5 năm tại Hampshire College, Massachusetts, Mỹ chuyên ngành Sân khấu Điện ảnh.
7 năm trước, Nguyễn Phi Phi Anh trở thành hiện tượng của làng sân khấu với 35 đêm nhạc kịch thuộc dự án HOPE. Anh cũng lọt Top 30 Under 30 Forbes năm 2015.
Nguyễn Phi Phi Anh từng là giám đốc Hãng phim hoạt hình VinTaTa. Giải cứu anh "thầy" là phim đầu tay của anh, được quay năm 2023 và vừa ra mắt ở rạp.
Hầu hết diễn viên trong phim đều là những người đã cộng tác với anh ở dự án nhạc kịch trước đó.