"Má Năm" không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng yêu Hiphop tại Việt Nam. Mới đây, bà vừa xuất bản tập Tản văn – Bút ký có tựa đề "Chúng ta là Một Gia đình" do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.

Sách là những tản mạn của bà về cuộc sống của một người mẹ cùng 2 người con. Đặc biệt hơn, khi hành trình làm mẹ của bà khá khác so với những bà mẹ khác…

"Má Năm" (tên thật Nguyễn Kiều Phương) – là mẹ của rapper Đạt Maniac (tên thật Trần Sơn Đạt). "Má Năm" cũng là cái tên thân thương mà nhiều bạn trẻ yêu Hip Hop ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung dành cho bà.

img6835-17041940961351355620111.jpg

Má Năm là một "biểu tượng" của năng lượng tích cực với Hiphop niềm Nam nói riêng.

Từ khi Rap/Hip Hop tại Việt Nam còn nhận về những cái nhìn hồ nghi, không mấy thiện cảm, bà được biết đến như một phụ huynh hết mực ủng hộ đam mê của con trai. Cho tới thời điểm hiện tại, khi Hiphop đã có chỗ đứng trên bản đồ âm nhạc, Đạt Maniac và những người anh em của mình đều đã là những nhân vật "cây đa, cây đề", ít nhiều để lại những dấu ấn trong lịch sử của bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam. Từ đó, bà Nguyễn Kiều Phương còn được biết đến như "Người mẹ của những đứa trẻ Hiphop".

Bên ngoài việc thường xuyên đến với sân chơi Hiphop, Má Năm còn xuất bản nhiều bài thơ - đã từng xuất bản tập thơ; bút ký tản văn, được đăng trên nhiều báo, tạp chí như: Báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, báo Vĩnh Long, báo Văn học Việt, Tạp chí Văn Quán… Ngoài ra, bà cũng không ít lần kết hợp cùng các nghệ sĩ Hip Hop trong các sản phẩm nghệ thuật của họ.

img6853-17041940961601195162796.jpg

Má Năm cùng những người con tài năng của mình.

"Chúng ta là một gia đình" gồm nhiều tác phẩm của Má Năm trong suốt 14 năm qua. Sách cũng tặng kèm 6 phụ bản tranh vẽ do DAOS501 (một "huyền thoại" trong làng graffiti Việt Nam) thực hiện. Bên cạnh đó, sách cũng có sự tham gia thể hiện mỹ thuật của nghệ sĩ Trần Nguyễn Phương Tín (Pick) - là con trai Má Năm, em ruột rapper Đạt Maniac.

Sách hiện đã có mặt tại Nhà sách của Nhà Xuất bản Phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh.

Lời của tác giả:

Ngày ba mất, các con còn nhỏ, chưa bị chấn động mạnh về sự chia ly vĩnh viễn dẫu chúng vẫn biết buồn đau và khóc lóc. Cho đến khi "thằng con trai" trong chúng lớn lên, chúng biết đè nén và tự an ủi khi nghĩ đến sự mất mát ấy. Lâu dần chúng quen với cuộc sống gia đình chỉ có mẹ. Chỉ còn mẹ nhưng không phải vì thế mà chúng quên ba. Trong câu chuyện hàng ngày chúng vẫn nhắc ba, trong cuộc sống chúng vẫn lấy thiên hạ ra so sánh với ba chúng. Cứ nhìn chúng nói năng nhỏ nhẹ với mọi người, học những điều hay của thiên hạ, khiêm nhường, từ tốn, không ba hoa thô lỗ và nhất là cả hai theo đuổi năng khiếu âm nhạc, sẽ thấy rõ chúng thừa kế tính cách của ba để lại. Chúng luôn biết cảm ơn mọi người đã giúp đỡ mình.

Nhìn chúng sống nghiêm túc và tự giác rất đáng ngưỡng mộ. Chúng sống như thể không muốn để người đời có cơ hội chỉ vào những lỗi lầm của mình dè bỉu rằng "tại chúng không có cha".

Cám ơn cuộc đời này cho mình chút may mắn và hạnh phúc làm mẹ những đứa trẻ ngoan.

Từ những đứa con trong gia đình đến những đứa con ngoài xã hội, những đứa trẻ mang nặng trong lòng nỗi "bất lực mơ hồ" của bản thân, những đứa trẻ đầy tâm trạng "khó nói" với ba mẹ ruột của mình nhưng có thể trò chuyện với mình suốt đêm để sau đó cảm thấy được mở lòng.

Với suy nghĩ đơn giản, trẻ chỉ nói khi người đối diện chịu nghe nên mình luôn luôn lắng nghe với tư cách của một người mẹ yên lặng để con cái tỏ bày.

Tất cả những bài viết trong cuốn sách này tưởng chừng chỉ là những mẩu chuyện vặt; nhưng bên trong lúc nào cũng gửi gắm một chút hàm ý dạy dỗ và nhắn nhủ cho bọn trẻ, bởi CHÚNG TA LÀ MỘT GIA ĐÌNH.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022