Biểu diễn bản giao hưởng hợp xướng Điện Biên Phủ dài 30 phút của tác giả Hoàng Vân - Ảnh: DANH KHANG
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói với Tuổi Trẻ Online ngay sau chương trình hòa nhạc Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên diễn ra vào hai đêm từ 2 tới 3-5 ở Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội).
Chương trình do Cục công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Kịch bản do TS Lê Y Linh viết; tổng đạo diễn và chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân…
Cùng các nghệ sĩ Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà, Nguyễn Huy Đức, Tuyết Mai, Nguyễn Anh Vũ, Đỗ Vũ Lan Nhung, Nguyễn Bích Trà…
Không bao giờ quên, mùa thu đông năm ấy
Ông Đỗ Hồng Quân đến dự hòa nhạc Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên với tư cách là người phối khí cho hai tác phẩm Tiến quân ca (Văn Cao), Chiến thắng Điện Biên (Giải phóng Điện Biên) (Đỗ Nhuận) trong chương trình.
Ông đến còn với một tư cách đặc biệt khác - một người con đến nghe nhạc của cha Đỗ Nhuận.
Bài ca Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong năm tác phẩm được giải tại đại hội văn công toàn quốc cuối năm 1954.
Lúc đó, các đoàn văn công kháng chiến tề tựu về Hà Nội dự Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Tờ nhạc sông Hồng số ra ngày 14-1-1955 đưa tin: "Tổng kết đại hội văn công toàn quốc đã khai mạc từ 16-12 đến 12-1-1955, 1071 anh chị em trong 28 đơn vị văn công biểu diễn 28 lần cho 17 vạn người xem".
Đào Tố Loan và Du kích sông Thao của tác giả Đỗ Nhuận - Ảnh: DANH KHANG
Ngoài Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận, tập nhạc được giải còn có Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Quê tôi giải phóng (Văn Chung), Mừng chiến thắng Tây Bắc (nhạc Đặng Đình Hưng, lời Đào Vũ -Thái Ly) và Mùa lúa chín (Văn Chung).
Hòa nhạc Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên tái hiện một phần không khí ngày đó với năm ca khúc trên và bản đại hợp xướng Điện Biên Phủ của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Qua các bản phối mới, sáng tạo của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Lưu Quang Minh, Trần Mạnh Hùng, Cao Đình Thắng, Trọng Đài, các tác phẩm trong chương trình vừa lạ mạ quen vang lên tại khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.
Nghệ sĩ piano Bích Trà chơi bản phóng tác Mừng chiến thắng Tây Bắc - Ảnh: DANH KHANG
Và có lẽ, cũng không có nhiều dịp nghe Mừng chiến thắng Tây Bắc - một tác phẩm ít được biểu diễn, ghi âm của tác giả Đặng Đình Hưng.
Bản rondo (luân khúc) cuộn tròn không dứt một thời một lần nữa trở lại qua phần phóng tác của nhà soạn nhạc Diran Tavityan cùng tiếng đàn piano của Bích Trà và dàn nhạc giao hưởng vừa mang âm hưởng hào hùng vừa thiết tha, trữ tình, sâu lắng.
Chương trình kết lại bằng bản đại hợp xướng Điện Biên Phủ dài 30 phút của nhạc sĩ Hoàng Vân.
"Trên chiến trường không bao giờ quên, mùa thu đông năm ấy… Trên những con đường không bao giờ quên, những con đường ngày nay cỏ đã mọc thành rừng, thây đã thành đường rộng thênh thang…".
Có những khán giả đã rơi nước mắt.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân… - Ảnh: DANH KHANG
"Âm nhạc của các cụ vẫn tươi rói"
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Các cụ Văn Cao, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Đặng Đình Hưng, Văn Chung, Hoàng Việt, Huy Thục,… vẫn đang hiện hiện trong khán phòng hôm nay trong một không khí rất Điện Biên, không phải trong chiến tranh mà trong ngày mừng chiến thắng".
"Dù 70 năm đã trôi qua nhưng rõ ràng âm nhạc của các cụ vẫn tươi rói, phập phồng, truyền lửa tới bây giờ", ông nói.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, giai đoạn này đánh dấu một bước chuyển động lớn có tính chất đi lên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nếu trước đó, âm nhạc Việt Nam vẫn đang mò mẫm để mang âm nhạc dân tộc hòa nhập cùng âm nhạc hiện đại thì tới giai đoạn này, các nhạc sĩ đã tìm ra được đường đi của mình.
Đó là con đường vận dùng sáng tạo các chất liệu âm nhạc truyền thống phong phú. Không chỉ có nhạc của dân tộc Kinh mà còn nhiều miền âm nhạc khác như Mông, Thái, Khơ Mú… Cộng với đoàn quân từ miền Trung và miền Nam ra mang những chất liệu âm nhạc khác nữa. Tất cả trộn lẫn, làm đẹp cho nhau.
Ca sĩ Phạm Thu Hà thể hiện tác phẩm Người chiến sĩ ấy của nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh: DANH KHANG
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, từ đây, hành khúc Việt Nam cũng bắt đầu được hình thành, tiêu biểu là Hành quân xa. Đây được xem là hành khúc sớm nhất của âm nhạc Việt Nam
Tiếp theo đó là sự ra đời của trường ca như Trường ca sông Lô, Du kích sông Thao… , sau này có thêm hợp xướng. Đó là điều từ trước tới giai đoạn đó không có.
Ông Đỗ Hồng Quân đánh giá, sự kích hoạt về mặt xã hội và thời thế đã khiến cho nềm âm nhạc Việt Nam chuyển động, sang trang. Giai đoạn âm nhạc này cũng trở thành một trong những mốc đỉnh cao trong tiến trình phát triển của âm nhạc Việt Nam.
Xem thêm hình ảnh tại hòa hòa Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên:
Ca sĩ Đào Tố Loan và Quê tôi giải phóng của nhạc sĩ Văn Chung - Ảnh: DANH KHANG
Ca sĩ Nguyễn Tường Linh thể hiện Mùa lúa chín của nhạc sĩ Hoàng Việt - Ảnh: DANH KHANG
Hòa nhạc Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên diễn ra trong hai đêm ngày 2 và 3-5 tại Nhà hát Hồ Gươm - Ảnh: DANH KHANG