NSND Lê Chức sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật - cha ông là nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh; mẹ là người đầu tiên thể hiện thành công hình tượng người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Năm 1965 ông theo học diễn viên rồi trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt những năm công tác, ông từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như GĐ Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông nhiều lần làm trưởng ban giám khảo, trưởng BTC các kỳ thi liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. Ông nhận NSƯT năm 1993. Năm 2007, ông nghỉ hưu theo quy định. Và đến 2023 ông nhận danh hiệu NSND.
Mới đây, PV Gia đình & Xã hội đến gặp ông vào một ngày mưa tại ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyên Hồng để nghe ông tâm sự về cuộc sống về hưu của một giọng đọng huyền thoại. Đó là một căn nhà ngổn ngang đồ đạc, đến chỗ ngồi cũng phải nhường nhau nhưng ông tự hào nói đây là đồ của CLB trẻ em khuyết tật do vợ ông là chủ nhiệm. Trước đây, vợ ông còn dạy các trẻ em trong CLB cách làm hoa giả để bán, để các bé có thêm thu nhập.
NSND Lê Chức tại ngôi nhà riêng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Ngọc Mai
NSND Lê Chức giới thiệu về bố với niềm tự hào.
Ông hào sảng chia sẻ về ngôi nhà nhỏ của mình không chỉ ngổn ngang tầng 1 mà 3 tầng còn lại cũng tràn ngập đồ đạc, chứa đựng cả thư viện sách cùng những kỷ niệm suốt nhiều năm của mình. "Nói đúng ra đó là cả một kho tàng của tôi. Ngay cả chỗ ngủ tôi cũng "chen chúc" với sách vở, tài liệu. Đứa cháu tôi còn hỏi: Thế tối ông ngủ chỗ nào? - Đơn giản lắm, tôi bỏ gọn những tư liệu sang một bên là có chỗ ngủ rồi. Mở mắt mỗi buổi sáng là thấy tri thức, thấy tượng phật,...", ông kể.
Chia sẻ về công việc sau nghỉ hưu, NSND Lê Chức thừa nhận: "Chưa từng có ngày nào nghỉ hưu và bản thân tôi cũng tự tạo ra những điều kiện không nghỉ hưu. Nếu nghỉ hưu theo tuổi (1947) thì tôi nghỉ năm 2007. Nhưng năm 2003, tôi đã rời chức vụ Phó cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn để sang làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Khi chuyển sang bên hội thì chuyển luôn tuổi nghỉ hưu về hành chính để sang công việc mới nên coi như nói theo ngôn ngữ điện ảnh là tôi có 1 động thái “mờ chồng" giữa nghỉ hưu hành chính và tiếp tục công việc ở một nơi được hiểu là không lấy tiêu chí nghỉ hưu làm yếu tố then chốt. Vì thế, tôi đã ngồi vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từ 2005 “mờ chồng" động thái nghỉ hưu 2007 và nhận phụ cấp trách nhiệm của Phó Chủ tịch Thường trực 5,60 (theo lương cơ bản).
Nhưng tất cả những điều đó không quan trọng bằng việc tôi chưa từng cho mình một ngày nào nghỉ hưu đến tận bây giờ - ở tuổi 78. Bởi tôi không làm cái này thì làm cái khác".
NSND Lê Chức tự hào khoe kho tàng riêng của mình. Ảnh: N.M
NSND Lê Chức giới thiệu từng ngóc ngách trong ngôi nhà "ngổn ngang" đồ sưu tầm và thế giới sách, góc thờ Phật của ông. Video: N.M
"Không làm cái này thì làm cái khác" theo như ông nói là làm cố vấn nghệ thuật, viết kịch bản, dựng vở và gần như ngày nào cũng đôi ba lần có mặt ở phòng thu. Ông hài hước kể: "Nếu ngày nào không có lịch đến phòng thu thì hôm sau kiểu gì cũng gấp đôi việc lên. Điều này duy trì suốt từ 1987 đến nay".
Hỏi vui ông rằng vì bận "chạy show" như thế nên người ta đồn NSND Lê Chức nhiều tiền lắm, tuy nhiên, ông chia sẻ: "Nói không giấu giếm thì có buổi đọc off 15 phút tôi nhận 2 triệu nhưng cũng có khi người ta đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, hoàn toàn không đòi hỏi. Thậm chí, đôi khi tôi còn làm free (miễn phí) cho những đơn vị khó khăn hoặc có khi đến cả tiền phòng thu tôi cũng ủng hộ".
Cho đến hiện tại, điều khiến ông tự hào nhất không phải là thu nhập mà là được mọi người người nhớ đến với "Giọng đọc vàng", "Giọng đọc huyền thoại trong ngành sân khấu",...
"Tôi họ Lê, quê tổ là Thọ Xuân (Thanh Hoá) nhưng được lớn lên ở một trung tâm lẫn lộn “n" và “l" là Hải Phòng. Vậy mà trong giọng và tiếng của tôi, tôi kiêu ngạo nói rằng “không có một âm tiết nào của thổ âm 63 tỉnh thành và 7.200 quận huyện của đất nước thân yêu này lẫn vào giọng tôi". Vậy giọng tôi là giọng nào để nói tiếng Việt của chúng ta? Như Lưu Quang Vũ nói “Ôi tiếng Việt muôn đời tôi mắc nợ"; Phạm Duy nói “Từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời ‘à ơi'. Bố mẹ tôi cũng không lẫn lộn “n" ‘l", 10 anh chị em cũng thế nhưng đến đời cháu thì bị pha chút âm địa phương. Rất may, bà Lê Mai chuẩn tiếng Việt, ông Trần Tiến cũng chuẩn thanh niên Thủ đô nên Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy cũng không lẫn chút nào", ông kể.
Chia sẻ về việc giữ giọng, NSND Lê Chức nói, ông không kiêng uống rượu, cũng không kiêng nước đá bởi ông có bí quyết là một thứ thuốc đặc biệt giá chỉ 1.000 đồng: "Tôi có nước muối, nước muối nhạt tự pha từ muối biển, muối thô. Trước khi ngủ là vệ sinh răng miệng và uống 2 ly thuốc chữa vết thương cũ, sục nước muối rồi ngậm một viên Bảo Thanh đi ngủ. Và có 1 điểm chắc chắn không được quên là chân phải đi tất dù mùa nào cũng thế. Thực tế, huyệt của tiếng nói nằm ở bàn chân nên lạnh chân là không được. Chỉ đơn giản thế thôi.
Còn cao nhất là mật gấu tươi, kiểu cần đi đọc mà giọng có vấn đề, bỗng dưng không chống lại được thời tiết, mà thực ra là đọc 5 cuộc thì dù có ăn no cũng có lúc mệt thì nhét vào họng một miếng mật gấu tươi, chỉ ngậm ở viêm mạc chứ không được nhai hay nuốt. Ngậm trong 3 tiếng là hồi giọng ngay".
"Thực ra, ở tuổi này rồi như ngọn đèn trước gió, khó nói trước thế nào được. Đây là nhận định có tính quy luật, ai biết thế nào được giây phút sẽ ra đi. Chính vì thế nên nhiều người ngạc nhiên khi tôi từng nói bản thân không giữ được tiền trong người, làm nhiều nhưng tiền về xong tiền lại đi luôn. Tôi còn không có sổ tiết kiệm.
Ở tuổi 78, NSND Lê Chức vẫn bận rộn với công việc nghệ thuật. Ông thừa nhận, lâu nay ông không thích đi du lịch mà thường kết hợp mỗi chuyến công tác là một chuyến du lịch.
Ông khoe "nước thần" để giữ được giọng đọc huyền thoại chính là nước muối biển, muối thô pha loãng giá chưa đến 1.000 đồng.
NSND Lê Chức ở phòng thu.
Con tôi cũng từng thắc mắc, bố làm nhiều mà không có sổ tiết kiệm thì lúc ốm đau thế nào? - Tôi hỏi ngược lại: 'Các con tính thế nào?' - Con bảo: 'Mừng nhất là bố chưa ốm! Tiền thì bao nhiêu cho vừa. Bố là ân đức đấng bề trên cho, gia tộc cho, chúng con được hưởng, được hưởng ngay không phải đợi đến đời cháu. May bố chưa ốm, nhưng nếu chẳng may bố ốm, cùng lắm thì bán nhà cũng lo cho bố' - Tôi nói: 'Bố cảm ơn!'.
"Nhưng tiết lộ nhỏ là gần đây tôi đang có 2 sổ tiết kiệm ở ngân hàng trị giá 350 triệu. Thực sự đến lúc cũng cần có 1 khoản để phòng khi dùng đến, không cần nhờ vả con cháu", NSND Lê Chức nói.
Cũng theo nam nghệ sĩ, hiện tại ông tự hào vì vẫn còn sức khoẻ, còn giọng đọc, còn được cống hiến nghệ thuật: "78 tuổi vẫn được cống hiến là điều mừng lắm. Bây giờ 78, cố gắng giữ đến 80 giọng đọc vẫn được như này, vẫn tự mình kiếm được những đồng tiền sạch sẽ.
Ngoài ra, tuần vài buổi chạy xe sang thăm bà Lê Mai nữa. Bà Mai cũng già rồi, cũng lẫn lẫn rồi nhưng có chị có em vẫn là vui. Tôi qua chơi bà ấy cũng vui", NSND Lê Chức tâm sự.
NSND Lê Chức ở tuổi U80.
NSƯT Lê Chức và chị gái Lê Mai trên con phố mang tên nhà viết kịch Lê Đại Thanh ở Hải Phòng. Ảnh: NVCC.