Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên họp này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.
Đáng chú ý, Thiếu tướng Lê Tấn Tới thẳng thắn đưa ra nhận định: "Điển hình, sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Ngay sau ý kiến này, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã có những tranh luận. Dư luận cho rằng “Người phán xử” phát sóng đến nay đã 4 năm. Trong suốt thời gian đó có rất nhiều bộ phim về đề tài giang hồ, xã hội đen được chiếu tràn lan trên nhiều nền tảng trực tuyến tạo nên “sức nóng” không hề nhỏ và chắc chắn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phần người xem, nhất là thanh thiếu niên. Việc chỉ đích danh “Người phán xử” - phim “giờ vàng” VTV, cũng từng nhận được giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng của năm (Giải thưởng truyền hình VTV) thì có phần chủ quan.
"Người phán xử" là bộ phim nói về sự đấu đá của các băng nhóm giang hồ
“Nếu chỉ 1 bộ phim mà thật sự có tác dụng ghê gớm như vậy thì có lẽ từ khi điện ảnh ra đời đến nay với hàng trăm, hàng ngàn bộ phim hành động được sản xuất thì thế giới phải có đến hàng triệu, hàng triệu tên tội phạm, thế lực đen tối...”; “Tội phạm nhiều hay ít liên quan rất nhiều yếu tố như: giáo dục, xã hội, văn hóa, an sinh đời sống, luật pháp, cơ quan thực thi luật pháp... Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mới có giải pháp hữu hiệu. Nếu nói như lời phát biểu, có phải trước khi công chiếu “Người phán xử” thì tội phạm, xã hội đen rất ít không? Tôi không đồng tình”; “Nếu xem “Người phán xử” lượng tội phạm tăng cao thì “Quỳnh búp bê” tăng lượng cave, “Sinh tử" lượng quan tham tăng cao…Giờ khán giả muốn cái gì sắp tới tăng cao để anh em còn đề xuất làm phim?”... một số ý kiến khán giả bày tỏ.
Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Danh Dũng, một trong ba đạo diễn “Người phán xử" nhưng không được.
Chia sẻ với Gia đình & Xã hội, Mai Hồng Phong - đạo diễn bộ phim “Quỳnh búp bê" cho rằng tất cả phim gây được hiệu ứng xã hội thì đều đón nhận nhiều chiều ý kiến và ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới cũng rất đáng tham khảo.
Tuy nhiên, với quan điểm sáng tạo của người nghệ sĩ, quan điểm làm nghề thì theo đạo diễn Mai Hồng Phong, sản phẩm làm ra được khán giả quan tâm, đón nhận thì đầu tiên phải đạt độ chân thật.
“Nếu mô tả một tổ chức tội phạm, một chân dung tội phạm hoặc chân dung một cô cave như “Quỳnh búp bê" của tôi chẳng hạn thì yếu tố đầu tiên là phải thuyết phục được khán giả bằng chân thật từ kịch bản, hình ảnh, tạo hình,... Từ góc độ chân thực đó chúng tôi mới níu giữ được khán giả tiếp tục xem bộ phim. Tất nhiên mỗi bộ phim khán giả sẽ tiếp nhận, cảm nhận theo cách khác nhau, tùy thuộc vào cảm xúc, lý trí, trình độ học vấn,... nhưng không đến mức chân thực mà khán giả lại học theo.
Tôi cho rằng, những đối tượng học theo phim ảnh tội phạm thì bản thân trong họ đã có sẵn yếu tố tội phạm rồi, trước sau gì họ cũng có thể phạm tội. Chỉ có điều khi xem phim, có thể khiến họ hào hứng hơn mà thôi”, đạo diễn họ Mai nhấn mạnh.
Đạo diễn cũng cho biết thêm: “Định hướng của VTV nói chung và VFC nói riêng khi xây dựng những tội phạm, tổ chức phạm tội,... tưởng chừng có thể “xưng hùng xưng bá”, tưởng chừng có quyền lực đấy cuối cùng đều có kết cục bi thảm, phải chịu sự trả giá của pháp luật, của chính bản thân và của chính gia đình. Phim ảnh quan trọng nhất là tính định hướng và những phim đề tài này của VFC đều mang đến bài học cảnh tỉnh, yếu đố giáo dục với xã hội”.
“Còn ý kiến nào cũng có 2 mặt. Tất nhiên các nhà làm phim cũng phải quan tâm đến liều lượng để xây dựng, xử lý tình huống phim đối với thế giới xã hội đen,... cần có sự cân chỉnh nhất định. Nhưng tôi vẫn bảo lưu ý kiến làm phim về xã hội đen không có nghĩa là khuyến khích mọi người học theo, mà mọi người hãy quan tâm đến số phận nhân vật đó sau cùng có kết cục thế nào, trả giá thế nào. Phim VTV đều chú ý và là rất tốt điều đó”, đạo diễn Mai Hồng Phong khẳng định một lần nữa.
Xem phim Quỳnh búp bê, lượng cave có tăng cao?
Về ý kiến cho rằng bộ phim “Quỳnh búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong có thể làm tăng lượng cave trong xã hội? Vị đạo diễn này cho biết: “Tất cả tệ nạn cần xóa bỏ nhưng không phải nói xóa là làm được trong một sớm một chiều. Khi tôi làm “Quỳnh búp bê", như tôi đã chia sẻ là điều đầu tiên luôn phải đem đến thế giới chân thực nhất của những con người thuộc thế giới đó, những đau đớn thể xác, tinh thần mà các cô gái phải hứng chịu.
Bộ phim không có nghĩa khuyến khích mọi người sẽ học theo cô Quỳnh nghề để làm cave mà khán giả sẽ thấy rằng, giới đó cũng cần có cái nhìn độ lượng với họ, không phải ai cũng cố tình dấn thân mà đôi khi do hoàn cảnh. Và ẩn sâu bên trong, họ vẫn nuôi trong mình khát khao muốn thoát, làm lại cuộc đời. Và dần dần những khát khao đó lại cảm hoá được những con người cùng cảnh ngộ ở trong chính thế giới đó. Tôi nghĩ, chính vì ý nghĩa này mà “Quỳnh búp bê” đã tạo được hiệu ứng mạnh với xã hội thời điểm lên sóng. Tôi cảm giác mình đã hoàn thành tốt sứ mệnh khi làm tốt bộ phim đó”.
Cho rằng, ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới có thể vô tình sẽ khiến cho việc kiểm duyệt điện ảnh vốn đã khó khăn lại càng trở nên khắt khe, có thể phim ảnh Việt sẽ càng khuôn mẫu hơn trước. Đạo diễn Mai Hồng Phong bày tỏ: “Nếu các nhà hoạch định chính sách, kiểm duyệt cứ khắt khe thì ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy sáng tác. Vì thực ra, một phim phát truyền hình có sứ mệnh thu hút đông đảo người xem, từ sức hút đó thì mới gửi gắm truyền tải được nhiều ý nghĩa, định hướng xã hội. Nếu khắt khe, khuôn mẫu quá thì việc “giữ chân" được khán giả là rất khó".
Đạo diễn Mai Hồng Phong
An Khánh