Đạo diện Đặng Lê Minh Trí từng ghi dấu ấn với nhiều chương trình nghệ thuật trong đó nổi bật nhất vừa qua là chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả trong nước và nhiều người Việt Nam tại nước ngoài. Đây là chương trình nghệ thuật thực cảnh kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 do Đặng Lê Minh trí làm tổng đạo diễn.

Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, đạo diễn Minh Trí đã cùng ê kíp đã tạo nên một chương trình ấn tượng, với ý tưởng sáng tạo và sự kết hợp của công nghệ hiện tại cùng thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Chia sẻ với VTV News về chương trình ý nghĩa trên, vị đạo diễn cho hay, ý tưởng chương trình đến với anh trong một lần đi khảo sát. Đứng trên tháp chuông ở bờ Nam sông Thạch Hãn, anh nhìn thấy một trục thẳng xuyên suốt kết nối những biểu tượng khắc họa và tôn vinh tinh thần của thế hệ ngày đó gồm: Tháp chuông hai bờ - Thành Cổ - Quảng trường Giải phóng - Bến thả hoa bờ Nam - Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn.

"Tôi chợt nghĩ liệu có thể làm được một cây cầu ánh sáng để gắn kết trục tâm linh này hay không? Ý tưởng thoáng qua nhưng ngay sau đó trở thành quyết tâm phải thể hiện bằng được. Tôi đã dành thời gian thảo luận với biên kịch và ê kíp nội dung trong nhiều ngày để đưa ra phương án hiệu quả nhất", đạo diễn Minh Trí nhớ lại.

dao-dien-hop-ban-16602926092551493283546-16602926884932117364729.png

Đăng Lê Minh Trí (đội mũ) cùng các ê-kíp thực hiện "Khát vọng hòa bình". Ảnh do NVCC.

Theo đạo diễn, đây là một tiết mục vô cùng công phu, không chỉ huy động số lượng lớn diễn viên và đạo cụ tham gia mà còn phải khớp nối với nhau chính xác đến từng chi tiết. Hơn nữa, để đảm bảo ý nghĩa trọn vẹn, những người thực hiện, ngoài lực lượng biểu diễn chuyên nghiệp, còn phải có sự tham gia của các cựu chiến binh và những người lính quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay.

Điểm nhấn của chương trình bắt đầu từ hồi chuông đồng vọng trên tháp chuông hai bờ do chính những người lính năm xưa từng chiến đấu tại đây gióng lên, sau đó ánh sáng từ hàng trăm ngọn nến trên tay các diễn viên mà phần nhiều là các đoàn viên thanh niên của tỉnh. Tiếp đó là sự tái hiện bước đi "trở về từ dòng sông" của các anh linh nay đã nằm lại dưới dòng sông huyền thoại qua phần mô phỏng của các chiến sĩ quân đoàn và rồi hiệu ứng ánh sáng vắt ngang sông nối liền hai bờ.

Sự chuyển động của đài sen thể hiện khát vọng chung duy nhất của hàng ngàn chiến sĩ trong những tháng năm oanh liệt đó. Khát vọng ngày mai thanh bình, ngát hương đến muôn đời sau. Thủ pháp đồng diễn và công nghệ ánh sáng tương tác đã được ê kíp phối kết hợp liên tục.

"Thông điệp chúng tôi muốn gửi tới qua tiết mục này chính là mạch nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Chúng ta hãy dành sự ngưỡng vọng đến hương hồn các liệt sĩ đã ngã xuống để quê hương thanh bình, non sông nối liền một dải, để giờ đây mỗi bước chân đi qua hai bờ Nam Bắc thấy yêu biết bao đất nước Việt Nam anh hùng", đạo diễn Minh Trí giải thích.

Nói về khó khăn lớn nhất của ê kíp khi thực hiện chương trình, anh cho biết, đó là phần dàn dựng sân khấu và tập luyện biểu diễn. Đây là không gian thực cảnh đồng thời cũng là những chứng tích lịch sử gắn với quá khứ hào hùng bi tráng của dân tộc. Mỗi một sự tạo tác, sắp xếp đều phải tính toán tỉ mỉ chi tiết để không ảnh hưởng đến nguyên trạng của vùng đất thiêng liêng này.

0nhip-cau-anh-sang-3a-16602932591441729961130.jpg

Một phân cảnh trong chương trình "Khát vọng hòa bình". Ảnh do NVCC.

Khi đó, thời tiết vào tháng 7 tại Quảng Trị có những lúc nắng đổ lửa từ sáng tới chiều muộn, nhưng cũng liên tục có những trận mưa lớn cả ngày lẫn đêm… Nhiều hôm, hơn 600 người gồm ê kíp chương trình, các biên đạo, các chuyên gia kỹ thuật, diễn viên, nghệ sĩ… tập và làm việc liên tục từ khi trời bớt nắng đến 4-5h hôm sau. Không ít lần, cơn mưa lớn ập xuống khi họ đang tập giữa đêm. Mọi người cùng nhau chờ mưa tạnh rồi lại miệt mài tập dù sân khấu và toàn bộ không gian diễn đều đã ướt.

"Chúng tôi đã trải qua hàng chục ngày như vậy, cứ bớt nắng lại tập, ngớt mưa lại ra sân khấu không kể đêm ngày", đạo diễn Minh Trí chia sẻ.

Khoảng thời gian chương trình diễn ra cũng là thời điểm cả nước hướng về những địa danh ghi dấu chiến công của các anh hùng liệt sĩ. Quảng Trị là một địa chỉ đỏ như vậy nên nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, các cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa, cùng các hoạt động văn hóa về nguồn liên tục diễn ra, khiến việc thi công sân khấu, tập luyện phải được triển khai hài hòa, phù hợp.

Khó khăn thứ hai nằm ở việc tiếp cận và chắt lọc nguồn tư liệu. Đây là một chương trình đặc biệt khi nói về "Khát vọng hòa bình" trên vùng đất từng xảy ra chiến sự ác liệt. Cuộc chiến vì lẽ phải luôn hướng tới mục tiêu hòa bình, tuy nhiên chủ đề này không được nhiều chương trình khai thác. Đạo diễn Minh Trí mất nhiều thời gian để làm việc với các chuyên gia và nhân chứng lịch sử.

"Họ vô cùng tâm huyết sẻ chia với chúng tôi để tạo nên mạch nội dung, nhất quán, cô đọng và súc tích nhất", anh nói.

Những thách thức trong mỗi dự án không khiến đạo diễn Minh Trí và ê kíp nản lòng mà ngược lại trở thành kinh nghiệm tốt để họ ngày càng hoàn thiện hơn trong các chương trình sau. Anh không thể quên tình cảm của tập thể ê kíp chương trình, các biên đạo, chuyên gia kỹ thuật. Mọi người vô cùng gắn kết, dành cả nhiệt huyết cùng cái tâm cho Khát vọng hòa bình. Bên cạnh đó, tình cảm và sự giúp đỡ chân tình của các chiến sĩ bộ đội cùng bà con nơi đây cũng là những kỷ niệm khó phai trong anh.

"Ngay từ những lúc chuẩn bị, họ đã luôn động viên và đồng hành cùng chúng tôi, tạo mọi điều kiện để chương trình có thể diễn ra tốt nhất", anh Minh Trí cho biết.

Tuổi trẻ hãy biến khát vọng hoà bình thành hành động nhiệt huyết thanh xuân

Theo đạo diễn Minh Trí, động lực khiến anh thực hiện một chương trình công phu và chưa có tiền lệ này là sự tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho công cuộc thống nhất nước nhà. Mong muốn lớn nhất của ê kíp là có thể kể lại câu chuyện của các anh, các chị đến thế hệ hôm nay. Nhắc nhớ quá khứ hào hùng để tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho hiện tại là việc luôn cần làm.

Thủ pháp nghệ thuật thực cảnh khi được truyền hình trực tiếp trên sóng đặt ra thách thức làm sao để khán giả có mặt tại đây và khán giả truyền hình cùng cảm được những hiệu ứng, nội dung mà êkíp thể hiện. Điều này khiến bản thân đạo diễn Minh Trí trăn trở nhiều.

mdp6159-16602926092601609338069.jpg

Theo đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, bất cứ ai sáng tạo nghệ thuật đều hướng tới giá trị nhân văn cao đẹp, khát vọng hoà bình.

Anh đã cùng ê kíp nội dung tính toán, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia kỹ thuật, ánh sáng, hình ảnh và êkíp truyền hình, làm việc qua nhiều ngày đêm, tính toán chi tiết góc quay, ánh sáng cũng như lựa chọn phương án tối ưu nhất ở từng câu hình. Ê kíp đã ứng dụng công nghệ AR trên các nền tảng số để thể hiện các tiết mục, đặc biệt đại cảnh có sự huy động lực lượng nghệ sĩ tham gia đông đảo.

Đến thời điểm hiện tại, khi chương trình đã diễn ra trọn vẹn, cá nhân anh vẫn còn nhiều trăn trở làm sao có thể giải quyết thách thức này một cách ưu việt hơn trong các chương trình sau.

Khát vọng hòa bình được tổ chức ở vùng đất từng là túi bom trong chiến tranh nay chuyển mình phát triển, trở thành điểm hẹn, biểu tượng của hòa bình. Qua chương trình, đạo diễn Minh Trí muốn nhắc nhở thế hệ trẻ về khát vọng và lẽ sống.

rop0830-1660276334662242809150-16602939342741781097436-crop-16602941117891980851891.jpg

Đạo diễn Đặng Lê Minh Trí

"Các bạn hãy biết trân trọng quá khứ và đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước qua sự cống hiến hết mình dựng xây phát triển quốc gia. Tuổi trẻ mãi là một biểu tượng tự hào của đất nước chúng ta, dù ở bất cứ thời điểm nào trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Hòa bình sẽ không chỉ dừng lại ở khát vọng, hãy để khát vọng ấy trở thành hành động chứa chan nhiệt huyết thanh xuân", đạo diễn Minh Trí nhắn nhủ.

Sau thành công lớn của Khát vọng hòa bình, đạo diễn Minh Trí bật mí đã xây dựng khá nhiều ý tưởng, dự án nghệ thuật đặc biệt trong những năm qua nhưng do bối cảnh dịch bệnh và một số điều kiện khách quan khác nên chưa bắt tay thực hiện được. Một trong số này là chương trình nghệ thuật thực cảnh "Ngàn năm gấm hoa" dự kiến tổ chức ở Hà Nội. Chương trình sẽ có những phần trình diễn tái hiện dòng chảy đất địa linh nhân kiệt xưa và nay, tôn vinh các giá trị văn hóa nền tảng của Việt Nam, đồng thời đưa thủ đô thành điểm hẹn hội tụ của văn hóa trên cả nước và quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022