NSƯT Thanh Nguyệt: Từ bỏ nhà theo đoàn hát đến dấu ấn Thị Bình "Lôi vũ"

NSƯT Thanh Nguyệt sinh năm 1947, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, quê ở Bạc Liêu. Bà thuộc thế hệ nghệ sĩ gạo cội của cải lương miền Nam, cùng thời với NSND Lệ Thủy, Bo Bo Hoàng… Bà từng là gương mặt sáng giá, cộng tác cùng nhiều đoàn cải lương danh tiếng như: Trung Hiếu, Thanh Minh, Saigon 1, Trần Hữu Trang, 284… Năm 1965, nữ nghệ sĩ từng đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm khi mới 18 tuổi. 

Thanh Nguyệt vẫn nhớ những ngày đầu tiên bước chân vào nghiệp hát. Năm 16 tuổi, bà bỏ nhà theo đoàn, hành trang chỉ là vài bộ đồ mẹ may. Sau khi thử giọng, bà được "bầu" Bảy Cao nhận vào đoàn hát Hoa Sen. Một lần, diễn viên Ngọc Hạnh bất ngờ xin nghỉ, ông bầu cấp tốc tập cho Thanh Nguyệt thế vai trong tuồng Bến hẹn năm xưa. Nhờ "học lỏm" tuồng trước, bà nhanh chóng nhập vai dù lần đầu đảm nhận đào chánh, được giao thêm các tuồng Sanh dưỡng đạo đồng, Người mẹ Việt Nam.

Bước ngoặt của Thanh Nguyệt là khi bà rời đoàn Hoa Sen, gia nhập đại ban Kim Chưởng. Dù đoàn đã có nhiều ngôi sao như Phương Quang, Diệp Lang, Phượng Liên..., bà vẫn tỏa sáng với vai Tiểu Long Nữ trong tuồng Song long thần chưởng. Năm 1965, bà đoạt giải Thanh Tâm với vai Gia Cát Anh, tuồng Thiên hạ đệ nhất kiếm. Soạn giả Nguyễn Phương từng nhận xét: "Chỉ sau ba năm đi hát qua hai đoàn, Thanh Nguyệt đã đoạt được huy chương vàng Thanh Tâm - giải thưởng sân khấu các nam nữ nghệ sĩ cải lương đều mơ ước. Buổi phát giải năm 1965, Thanh Nguyệt hát trên sân khấu Dạ Lý Hương vở Bụi mờ ải nhạn, được khán giả và ký giả kịch trường nhiệt liệt khen ngợi".

edit-nsut-thanh-nguyet-van-la-cai-ten-tao-nhieu-dau-an-tren-san-khau--16802510512371690475524.pngnghe-si-thanh-nguyet-tung-la-co-dao-sang-gia-thap-nien-1960-16802509893891190978424.jpeg

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt từng là cô đào sáng giá thập niên 1960

Kinh qua nhiều dạng vai, Thanh Nguyệt vẫn để lại ấn tượng đậm nét với những nhân vật hiền lành, thương chồng con. Một thời, bà đóng đinh bởi các vai như bà mẹ mù trong vở Áo cưới trước cổng chùa, bà Hai Hương trong Đời cô Lựu, Thị Bình trong Lôi Vũ... Thanh Nguyệt nói, mỗi lần đóng vai mẹ, bà thường lấy cảm hứng từ người mẹ quá cố. Một trong những nỗi day dứt lớn của bà là không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối.

Từ ngày sàn diễn cải lương bị thu hẹp, NSƯT Thanh Nguyệt tham gia đóng phim truyền hình như Vòng xoáy tình yêu (2005), Ký túc xá (2013), Ngã rẽ cuộc đời (2014)... Nhớ lại thời hoàng kim, nghệ sĩ Thanh Nguyệt tâm sự về những ký ức đẹp lần lượt hiện về kèm niềm tự hào khó tả. Bà kể: "Năm 1964-1965, tôi về đoàn Kim Chưởng, ký hợp đồng 2 năm. Trong 2 năm đó, tôi diễn đến 12 vở, cứ mấy tháng là diễn một vở mới. Mỗi ngày, tôi hát 2 suất ở các rạp tại Sài Gòn như: Quốc Thanh, Thủ Đô, Công Nhân… Tôi diễn mà không biết mệt là gì, cũng không dám mệt luôn".

Sống trong giai đoạn vàng son của cải lương, bà ngậm ngùi nhìn lại: "Thời của tôi, khán giả rất quý trọng nghệ sĩ, đi coi hát là mặc áo dài, côm-lê rất trịnh trọng. Hồi tôi đi hát cho đoàn 284, trời mưa tầm tã mà khán giả vẫn rần rần dầm mưa, kéo nhau đi xem. Có lẽ, thế hệ sau này không trải nghiệm được cảm giác đó, thừa hưởng được không khí đó".

Đi qua thời kỳ hoàng kim, nghệ sĩ Thanh Nguyệt tiết lộ từng gặp sự cố nguy hiểm khiến bà không còn dám đứng trên sân khấu từ đó đến nay. "Có một lần tôi đóng vai mẹ Điệp trong vở "Lan và Điệp", diễn đến đoạn xúc động quá thì tôi lên máu ngay trên sân khấu. Tôi choáng váng, hết hồn, tay nắm chặt vào cạnh bàn rồi diễn tiếp. Xong lần đó, tôi sợ quá, giờ ai mà mời tôi cũng không dám nhận lời nữa. Nhiều khi nhớ sân khấu mà rớt nước mắt", nữ nghệ sĩ nghẹn ngào nói.

dsf9583-1426757359389-16802511671861439320393.jpeg

NSƯT Thanh Nguyệt trong vở "Áo cưới trước cổng chùa"

nguyet99-1426757496419-16802512218581068244855.jpeg

NSƯT Thanh Nguyệt và Hùng Minh trong vở "Giấc mộng đêm xuân"

NSƯT Thanh Nguyệt: U80 bệnh tật không đi diễn, sống tằn tiện vẫn hạnh phúc với chồng thứ 2

Nghệ thuật là thế, đời tư của bà cũng có thăng trầm trước khi tìm được hạnh phúc bên nghệ sĩ Quốc Nhĩ.

Trước khi gặp Quốc Nhĩ, Thanh Nguyệt từng nghĩ hạnh phúc với bà là điều nằm ngoài tầm với. Mẹ qua đời khi bà độ tuổi đôi mươi, cha cưới vợ khác, một mình Thanh Nguyệt đi hát, kiếm tiền nuôi các em khôn lớn. Khi được soạn giả Mộc Linh - tên tuổi nổi tiếng của làng cải lương thời vàng son - ngỏ lời, bà gật đầu vì muốn cuộc sống bớt quạnh quẽ. Con đầu lòng chào đời, tình cảm vợ chồng phai nhạt, hôn nhân Thanh Nguyệt đứt gánh giữa đường sau vài năm bà gắng gượng chịu đựng. Nghệ sĩ nuốt nước mắt ôm con gửi chị ruột nhờ chăm sóc, còn bà tiếp tục lang bạt theo gánh hát, sống đời "gạo chợ nước sông".

Năm 1976, bà và Quốc Nhĩ quen nhau sau khi đóng chung vở Tiếng trống Mê Linh. Lần đầu gặp, ông đã đem lòng cảm mến cô đào có gương mặt "đẹp tựa trăng rằm" - như lời ông tả, tính nhân hậu, hay quan tâm đồng nghiệp. Về phần Thanh Nguyệt, dù mến ông, lòng bà ngổn ngang muôn câu hỏi. Bà sợ hạnh phúc một lần nữa khép cửa, lo ông không thương yêu con trai riêng của bà.

nghe-si-thanh-nguyet-va-quoc-nhi-thoi-tre-16802509894411855876630.jpeg

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt và Quốc Nhĩ thời trẻ

thanh-nguyet-2-jpeg-8108-1630814805-1680250989401453459802.jpegnghe-si-thanh-nguyet-quoc-nhi-tiet-lo-dieu-tran-tro-cuoi-doi-16802509894941913857705.jpeg

Nghệ sĩ Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ đồng hành với nhau trong mọi hoạt động ở tuổi xế chiều

Cố nghệ sĩ Thanh Nga - đàn chị dẫn dắt bà ở đoàn Thanh Minh - ra sức làm cầu nối cho cả hai nên duyên. Một đám cưới nhỏ diễn ra sau đó. Lấy nhau về, ông một tay chăm sóc con trai Thanh Nguyệt những ngày bà bận lưu diễn. Nhìn cách ông cưng nựng con riêng của vợ như con ruột, cũng như săn sóc người chị bị tâm thần của Thanh Nguyệt, bà biết không chọn nhầm người.

Ở tuổi U80, Thanh Nguyệt mắc nhiều bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch... Năm 2016, bà được cấp cứu sau một lần tăng huyết áp, mất một tuần điều trị. Ra viện, mắt phải bà không còn nhìn rõ vì chứng xuất huyết võng mạc. Đến nay, thỉnh thoảng bà phải tiêm thuốc vào mắt để tan máu bầm, tránh suy giảm thị lực. Sau đó, bác sĩ khuyến cáo hạn chế làm việc quá sức, cộng thêm dịch COVID-19, bà ngưng đi diễn. Không có thu nhập, cuộc sống đôi vợ chồng bấp bênh vì mỗi tháng bà phải tốn vài triệu đồng tiền thuốc. Dù vậy, bà cho biết ít khi nhờ vả đồng nghiệp vì hiểu ngoài kia còn nhiều nghệ sĩ khốn khó hơn.

Mới đây nhất, diễn viên Phi Phụng, Thụy Mười cùng một số nghệ sĩ khác đã ghé thăm căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp (TPHCM) của cặp nghệ sĩ đình đám một thời. Theo Phi Phụng chia sẻ, cuộc sống của họ đơn giản, tằn tiện ở tuổi xế chiều. Cặp đôi có một người con trai, tuy không sống cùng bố mẹ nhưng vẫn tới lui thăm hỏi thường xuyên. "Trong nhà chỉ là hai ông bà lủi thủi chăm sóc nhau. Họ sống bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi đã dành dụm từ khi còn trẻ. Khi túng thiếu họ nhờ bạn bè thân thiết giúp đỡ", Phi Phụng nói.

dien-vien-vong-xoay-tinh-yeu-o-tuoi-76-benh-tat-bo-nghe-song-tan-tien-7ea5a9f8cad742c3afebb6b33eb8c661-16802509894281953658291.jpeg

Phi Phụng cùng một số nghệ sĩ khác ghé thăm nhà cặp NSƯT Thanh Nguyệt - Quốc Nhĩ

Cũng theo Phi Phụng, NSƯT Thanh Nguyệt mang nhiều bệnh trong người. Mắt phải của bà bị xuất huyết võng mạc nên không nhìn thấy, mắt trái có thể hoạt động được 80%. Nữ nghệ sĩ còn bị hở van tim, rối loạn nhịp tim kèm theo bệnh cao huyết áp nên phải uống thuốc đều đặn sáng - chiều. Bên cạnh đó, chân bà còn bị giãn tĩnh mạch nên khó đi lại, mỗi khi đứng lâu sẽ bị đau nhức.

Nghệ sĩ Quốc Nhĩ cho biết mình mắc bệnh tiểu đường, mỗi ngày phải tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu. Ông chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe. "Nghệ sĩ Quốc Nhĩ khỏe hơn vợ nên thường cáng đáng việc nhà. Ông vẫn chạy xe máy được nên thỉnh thoảng chở vợ đi thăm họ hàng hoặc đồng nghiệp trong Viện dưỡng lão", Phi Phụng nói thêm.

Thế nhưng, trong căn nhà nhỏ của mình, Thanh Nguyệt treo đầy ảnh kỷ niệm lúc còn làm nghề cùng ông xã. Nữ nghệ sĩ nhắc đi nhắc lại những vở tuồng, bộ phim mà mình từng tham gia một cách đầy tự hào.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nguyện - Quốc Nhĩ kể chuyện tuổi xế chiều

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022