Suốt một tuần trước ngày nhạc sĩ An Thuyên qua đời, gần như tối nào tôi cũng nghe Phạm Phương Thảo hát những ca khúc của ông trong đĩa nhạc do ông tặng tôi cách đó mấy tháng. Như là một dự cảm, thật lạ lùng.

“Nghe tin thầy mất, em sốc lắm. Em ngồi lặng đi, không nói được, không mở miệng ra được, em cứ ngồi như thế, ngồi một mình, lặng câm như hóa đá…” Phạm Phương Thảo tâm sự.

Mỗi lần nghe Phạm Phương Thảo hát những ca khúc của An Thuyên, tôi lại hình dung thi nhân Nguyễn Công Trứ đi hát phường Vải ở quê tôi: “Thuyền quyên ứ hự/anh hùng ...” cũng xiêu lòng, cũng mê đắm, cũng như tôi đang thả hồn mình mê đắm…

Với Phạm Phương Thảo, cố nhạc sĩ An Thuyên “không những là người thầy, còn như người cha, như người anh, như người bạn tri âm, tri kỷ… có người hỏi em yêu thầy phải không? Em bảo, còn hơn cả tình yêu đấy chứ… Phạm Phương Thảo bảo với tôi như vậy.

photo-4-17019458513542033958757.jpeg
photo-3-17019458502051714368200.jpeg

Phạm Phương Thảo sinh ra và lớn lên ở Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, trong một gia đình nông dân thuần chất, có năm người con.

“Thôi, tha cho nó, nó đồng hương với anh” - đó là câu mà cố nhạc sĩ An Thuyên lúc sinh thời thường nói khi cần “che chở” cho cô học trò nhỏ của mình.

Phạm Phương Thảo kể rằng cô chưa bao giờ mơ ước mình trở thành một ca sĩ mà chỉ mơ ước trở thành cô giáo dạy văn. Ngày học phổ thông ở quê, Phương Thảo thích thơ, học giỏi môn văn, thích được ở một mình trên lưng trâu, một mình giữa cánh đồng, nhiều khi hát một mình, ngâm ngợi một mình những bài hát không đầu không cuối, rồi tự mình nghĩ ra, đặt ra những câu có vần có điệu rồi “hét lên như điên” trong cơn giông, giữa đồng không mông quạnh… Mặc cho mưa gào, gió hú, bốn bề trời đất tối sầm…

Tuy sinh ra trong một gia đình nông dân, bố mẹ làm ruộng, từ nhỏ chất nghệ sĩ như trời cho đã có sẵn trong người cô bé Thảo.

Rồi chính đoàn ca múa kịch Nghệ An đã phát hiện ra năng khiếu của Phạm Phương Thảo, có hai suất đi học, Phạm Phương Thảo đã được nhận một suất ra học Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Năm 1998 đến 2002 học xong cao đẳng, năm 2007 đến năm 2009 xong hệ đại học. Khi trường cao đẳng VHNT quân đội trở thành đại học.

Khi nghe Phạm Phương Thảo hát Trăng sáng một mình do chính Phương Thảo sáng tác khi hay tin nhạc sĩ An Thuyên mất, tôi mới hiểu cái tình sâu nặng trong người ca sĩ trẻ tuổi này.

“Bao giờ tròn trăng ơi / Sao chẳng nói một lời với nhau / Vầng trăng lang thang ở đâu / Để buồn câu thơ em viết / Chặt làm đôi vầng trăng mỗi người mỗi nửa / Biết có bao giờ tròn trăng ơi …”.

Phải gan ruột thế nào, sâu nặng thế nào, đồng cảm thế nào mới viết ra được những ca từ, những nốt nhạc, những giai điệu như thế chứ.

photo-2-17019458490921281617654.jpeg

Trong 3 DVD Phạm Phương Thảo tặng tôi: Mơ quê, Tình trong câu hát Chút tình em gửi, tôi nghe Phương Thảo hát nhiều ca khúc say lòng của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu… Nhưng, không hiểu sao, mỗi lần Phạm Phương Thảo hát ca khúc của An Thuyên, tôi mới thực sự cảm nhận được sự mê đắm trong tâm hồn cô, cảm nhận được sự đa chiều, đa cảm, đa tình, đa âm sắc trong mỗi câu, mỗi chữ, mỗi nét nhạc, mỗi ý, mỗi lời… Những điều mà tôi cho rằng phải là người tri âm, tri kỷ, thực sự mới ngân lên được thế!

Trong 2 đĩa CD Gái Nghệ Tơ vương do Phạm Phương Thảo tặng, có ca khúc Gái Nghệ do chính cô sáng tác. Tôi cảm thấy lời bài hát như là lời thơ và âm điệu trong bài hát cũng “rất Nghệ”.

“Sắc như dao… mềm như lụa…” - lời bài hát. Gái Nghệ là thế ư? Gái Nghệ Phạm Phương Thảo là thế ư? Qua giọng hát cũng như qua tiếp xúc, trò chuyện tôi cảm nhận được nét “sắc như dao” và cả nét “mềm như lụa” trong người con xứ Nghệ Phạm Phương Thảo.

Sao mai điểm hẹn 2003, Phạm Phương Thảo được bình chọn là ca sĩ được yêu thích nhất. Sinh năm 1982, như Phương Thảo nói mình tuổi Dậu, vì sinh vào năm Âm lịch đã là năm Dậu rồi.

Với người nghệ sĩ, ta thường nói là không có tuổi. Tôi bị cuốn hút bởi sự tỏa sáng, bởi sự đam mê, bởi niềm chân thành, bởi cái tình cái nghĩa trong mỗi lời nói, nụ cười, ánh mắt, cả sự lặng im, cả những giọt nước mắt chân thành khi chúng tôi nhắc đến cố nhạc sĩ An Thuyên, người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi…

Phạm Phương Thảo thú nhận rằng cô là người đa sầu, đa cảm và nghề hát lại càng phức tạp hơn, nhiều khi làm cô mệt mỏi…

“Trong đời, những giây phút hạnh phúc mong manh lắm, dễ vỡ lắm, con người có bao giờ thỏa mãn với những điều mình có đâu…” - Phương Thảo tâm sự.

photo-1-17019458470491573020908.jpeg

Ca sĩ Phạm Phương Thảo đã qua một lần đò. Họ sống với nhau được sáu năm thì chia tay. Tuy chưa có con, Phạm Phương Thảo lại có nhiều cháu, con anh, con chị, con của người em gái nơi Phạm Phương Thảo đang ở cùng. Phạm Phương Thảo nói rằng cô rất yêu trẻ con, cô dành nhiều thì giờ để chăm sóc, vui chơi với các cháu của mình. Cũng là người con hiếu thảo, nên mấy lần gọi điện Phạm Phương Thảo nói em đang ở quê với bố mẹ.

Hễ có thời gian rỗi là em về Vinh, về nhà thăm bố mẹ, bố mẹ em cũng nhiều tuổi rồi, em thích được ở bên bố mẹ lắm…” - cô nói.

Nghe nói, ca sĩ Phạm Phương Thảo vừa mua một căn hộ rộng ở khu Trung Hòa - Nhân Chính, đang sửa chữa, có lẽ cô muốn thường xuyên đưa bố mẹ ra Hà Nội ở cùng chăng?

Tôi vốn mê nhạc An Thuyên và “mê luôn” người ca sĩ hát thành công nhất những ca khúc của An Thuyên.

Trò chuyện với Phạm Phương Thảo, tôi mới hiểu ra nhiều điều về mối “lương duyên” giữa người nhạc sĩ tài hoa và cô ca sĩ trẻ đầy mê đắm này.

Tôi nói với Phương Thảo rằng trong thơ, cũng như trong nhạc, cái chất nghệ sĩ quan trọng lắm.

Có rất nhiều người làm thơ, như là thợ làm thơ, nhưng những thi sĩ thực sự, những nghệ sĩ thực sự thì ít lắm.

Trong âm nhạc tôi cũng có cảm nhận như vậy?

Những nhạc sĩ là nghệ sĩ, những ca sĩ thực sự là nghệ sĩ cũng ít lắm chăng?

Phải là những nghệ sĩ thực sự, những người sống hết mình, yêu hết mình, đau khổ hết mình, khao khát hết mình, cháy hết mình cho nghệ thuật mới có thể lay động được hồn người.

Họ mới là những nghệ sĩ thực sự của cuộc sống, với tôi, ca sĩ Phạm Phương Thảo là vậy!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022