Dẫu không nhìn thấy ánh sáng, vẫn có một người hoạ sĩ thương binh đã vẽ nên từng khoảnh khắc lịch sử của dân tộc và đặc biệt là người lãnh tụ vĩ đại, ánh sáng soi đường Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những bức tranh, những bức điêu khắc. Đó chính là Đại tá/ hoạ sĩ Lê Duy Ứng - chàng sinh viên mỹ thuật năm nào đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường chiến đấu nơi trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chấm máu từ chính đôi mắt đã loà, ông vẽ chân dung Bác Hồ.
Gần 50 năm sau, ở tuổi gần 80, dẫu không còn có thể nhìn được, ông vẫn ngày đêm lưu giữ hình ảnh của Bác bằng đôi bàn tay cầm súng năm nào bằng cách vẽ tranh và sử dụng nghệ thuật điêu khắc.
Trò chuyện cùng MC của chương trình, hoạ sĩ Lê Duy Ứng nhắc lại kỷ niệm: "Năm 1957, tôi mới 10 tuổi, Bác Hồ về thăm Đồng Hới. Tôi gặp Bác khi đứng dưới quảng trường và Bác thì đứng trên khán đài. Nhìn Bác từ dưới quảng trường, tôi hồi đó cứ ước ao mình được giống mấy em thiếu nhi, đeo khăn đỏ, ôm hoa đứng cạnh Bác Hồ như vậy. Đó là kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ".
Tâm sự về Bác, người hoạ sĩ thương binh luôn mỉm cười. Thậm chí, ông tiết lộ thường xuyên mơ về Bác và cảm thấy Bác ở bên mình. "Bác Hồ là cảm hứng sáng tác vô tận của tôi. Bây giờ, trong cuộc đời tôi, đi đâu tôi cũng vẽ Bác. Bác Hồ đã in sâu trong tôi" - hoạ sĩ xúc động nói.
Bức chân dung Bác Hồ được hoạ sĩ Lê Duy Ứng vẽ bằng chính máu của mình.
Cũng giống như hoạ sĩ Lê Duy Ứng, hình ảnh của Hồ Chủ tịch luôn hiện hữu và những kỷ ức về Người luôn được lưu giữ bởi nhiều chứng nhân lịch sử, trong đó có nhạc sĩ Doãn Nho. Ông là một nhạc sĩ với rất nhiều tác phẩm hào hùng nhưng cũng đầy trữ tình với đất nước.
Trong nhà của mình, nhạc sĩ luôn treo một bức ảnh cùng với Bác Hồ năm 1957 tại phòng khách. Đến năm 1967, nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác ca khúc "Tây Nguyên mừng đón thơ Bác". Nói về ca khúc này, ông cho biết cảm hứng đến từ ngay tại chiến trường Tây Nguyên: "Nghĩ đến Bác Hồ thì không gì bằng nhớ tới bài thơ của Bác. Tôi dựa vào ý thơ đó, dựa vào dân ca Tây Nguyên, kết hợp lại và viết bài này".
"Làm sao mà mình có thể ngủ quên được, bởi vì hình ảnh của Bác vẫn sống trong lòng dân tộc. Điều xúc động là tìm ra được hình tượng Bác Hồ thông qua ngôn ngữ âm nhạc" - nhạc sĩ khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!