Từ ngày 7 – 11/11 diễn ra Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII do Bộ VHTTDL phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Sở VHTT thành phố Hà Nội thực hiện. Dự kiến có khoảng 800 đại biểu và khách mời trong nước và quốc tế tham dự LHP.
Với khẩu hiệu "Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh", Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội lần thứ VII là sự kiện văn hóa nghệ thuật, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, độc đáo của quốc tế và Việt Nam. LHP là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024 và kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).
LHP nhằm phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới và kết nối, giao lưu hợp tác để cùng phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế.
Poster chính thức của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Ảnh: BTC
LHP năm nay có sự góp mặt của 117 phim dài và phim ngắn của 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, được tuyển chọn từ hơn 500 bộ phim đăng ký tham dự. Các quốc gia có phim tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII gồm: Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển, Liên bang Nga, Đan Mạch, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Việt Nam, Philippines, Hungary, Colombia, Chile, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha, Iceland, Benin, Estonia, Iran, Kazakhstan, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Serbia, Hy Lạp, Ai Cập, Litva, Bangladesh, Campuchia, Thái Lan.
Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng chung tuyển để tuyển chọn phim tham dự các chương trình của LHP. Kết quả đã chọn được 11 phim dài dự thi, gồm 8 phim truyện dài dự thi nước ngoài đến từ các nước: Thụy Sĩ, Liên bang Nga, Bỉ, Thụy Điển, Đức, Estonia, Hàn Quốc, Iran; và 1 phim truyện dài dự thi của Việt Nam là phim Ngày xưa có một chuyện tình (Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê), do đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh thực hiện, sản xuất năm 2024.
19 phim ngắn dự thi, trong đó: 11 phim nước ngoài đến từ các nước: Colombia, Trung Quốc, Iran, Serbia, Campuchia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hy Lạp; 8 phim Việt Nam bao gồm các thể loại tài liệu, hoạt hình, phim truyện; 7 phim trong Chương trình Tiêu điểm điện ảnh Đức; 39 phim trong Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới (Panorama); 34 phim trong Chương trình phim Việt Nam đương đại, gồm 22 phim truyện, 6 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình.
Trailer chính thức của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VII - 2024
Trong khuôn khổ LHP sẽ có nhiều sự kiện, hoạt động, trong đó Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc - Trao giải sẽ được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm (40 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lễ Khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 7-11, được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (HTV1). Lễ Bế mạc và Trao giải thưởng diễn ra vào lúc 20 giờ, ngày 11-11, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2).
Ý tưởng của kịch bản Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc - Trao giải thưởng lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, tạo nên không khí tươi trẻ, tràn đầy sức sống, phù hợp với không gian của một LHP quốc tế, nơi mà nghệ thuật và văn hóa được tôn vinh và phát triển. Hình ảnh chủ đạo tại Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc - Trao giải thưởng toát lên tinh thần Á Đông sâu sắc, vừa đậm chất truyền thống Việt Nam, vừa mang nét thẩm mỹ thanh lịch, tinh tế của người Hà Nội.
Cảnh phim "Ngày xưa có một chuyện tình". Ảnh: ĐPCC
Theo đó, Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là bộ phim Khai mạc LHP, được trình chiếu lúc 15 giờ ngày 7/11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Trong buổi chiếu phim, đạo diễn và đoàn làm phim sẽ ra mắt khán giả.
Chương trình chiếu phim ngoài trời và giao lưu với ngôi sao điện ảnh dự kiến được trình chiếu trong 3 buổi tối, tại phố đi bộ, Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phim chiếu tại các rạp của thành phố Hà Nội từ ngày 7 đến 11/11 tại 3 cụm rạp: Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội); BHD Star Cineplex; CGV Mipec Tower (Tầng 5 Mipec Tower, 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) (Chương trình chiếu phim được in và gửi tới quý khán giả tại các địa điểm chiếu phim).
Phim "Đào, Phở và Piano" trình chiếu trong khuôn khổ chương trình Phim Việt Nam đương đại. Ảnh: ĐPCC
Trong khuôn khổ của LHP sẽ có 2 cuộc Hội thảo được tổ chức: Hội thảo 1 với chủ đề "Tiêu điểm Điện ảnh Đức" được thực hiện vào lúc 9 giờ, ngày 8-11 (Thứ Sáu). Hội thảo nhằm trao đổi những bài học kinh nghiệm về sản xuất phim của điện ảnh Đức; Cách khai thác đề tài mang tính con người, xã hội và nhân văn; Phân tích cách kể chuyện đa chiều sáng tạo, xu hướng làm phim của điện ảnh Đức hiện nay.
Hội thảo 2 có chủ đề "Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học". Hội thảo đặt ra những vấn đề khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh, đổi mới tư duy của các nhà làm phim khi khai thác đề tài lịch sử; Hội thảo đưa ra một số giải pháp nâng tầm và phát triển các dòng phim, kinh nghiệm của quốc tế. Hội thảo được tổ chức vào 9 giờ ngày 9/11.
Bên cạnh đó, LHP còn có Chợ dự án phim, do Cục Điện ảnh phối hợp với Công ty TNHH Bình Hạnh Đan tổ chức. Chợ Dự án HANIFF VII là nơi hỗ trợ các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giới thiệu dự án làm phim của mình với các nhà đầu tư, các chuyên gia điện ảnh trong nước và nước ngoài thông qua hội thảo, workshop và các sự kiện networking diễn ra trong khuôn khổ chương trình. Chợ Dự án quốc tế sẽ lựa chọn 4 dự án phim nổi bật của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trao giải thưởng; Chợ Dự án trong nước lựa chọn 4 dự án nổi bật của Việt Nam để trao giải thưởng.