Chuyến tàu NH1 khởi hành từ ga Huế lúc 16h08 đến Nha Trang 6h18, chiều ngược lại bắt đầu từ 8h45 và đến điểm kết thúc lúc 22h39 mỗi ngày. Giá vé ghế mềm điều hòa là 317.000 đồng, vé giường nằm là 484.000 đồng. Trong thời gian khai trương (19/5 - 31/5), giá vé giảm 20%.
Đoàn tàu dừng đón khách tại 11 ga: Ninh Hòa, Ninh Giã, Tuy Hòa, Diêu Trì, Bồng Sơn, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Núi Thành, Tam Kỳ, Trà Kiệu, Đà Nẵng.
Khoang giường 4 có toàn bộ chăn, ga, gối, nệm được thay mới hoàn toàn.Ảnh: Thanh Tuyết. |
Giường nằm trên chuyến có hai loại: khoang 4 giường và khoang 6 giường. Tại các toa giường nằm và ghế mềm đều có đầy đủ tiện nghi: điều hòa, ổ cắm điện, cắm USB, đèn đọc sách, nước đóng chai, khăn lạnh, dép cho hành khách. Điều hòa có thể điều chỉnh nhiệt độ theo ý hành khách. Đây là điều khác hoàn toàn so với hệ thống điều hòa tổng của các đoàn tàu khác.
Nếu cần trợ giúp hành khách có thể bấm chuông ngay tại phòng, nhân viên tàu sẽ đến. Dọc hành lang có camera để đảm an ninh trên tàu cho hành khách.
Ghế ngồi kiểu mới, rộng rãi, có giá để chân, có thể ngả ra thành giường ngủ. Ảnh: Thanh Tuyết. |
Tàu hỏa tuyến Nha Trang - Huế nằm trong kế hoạch tăng cường phương tiện vận chuyển góp phần phát triển du lịch ven biển miền Trung, kết nối các điểm đến hàng đầu như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phú Yên, Nha Trang. Trước đó, giữa tháng 3/2017, hai tuyến tàu từ TP HCM đi Phan Thiết và Nha Trang cũng mở bán, thu hút nhiều khách du lịch.
Cận cảnh tàu hỏa "5 sao" TP HCM - Nha Trang. Video: Thanh Tuyết.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết các chuyến tàu được làm mới hoặc nâng cấp theo kiểu dáng hiện đại, thành toa làm bằng thép cường lực cao. Toa tàu được lắp đặt van, lò xo giảm chấn của Nhật Bản, hạn chế tối đa việc rung, lắc và tiếng ồn khi tàu chuyển bánh.
Điểm mới được nhiều hành khách hài lòng là trên tàu có hệ thống vệ sinh tự hoại, bồn rửa mặt với vòi nước thiết bị cảm ứng, máy sấy tự động. Nhân viên trên tàu đều qua khóa đào tạo nghiêm ngặt của giảng viên đến từ Học viện Hàng không.
"Vấn đề hạn chế nhất là ngoại ngữ của nhân viên trên tàu. Ngày càng có nhiều khách nước ngoài sử dụng tàu làm phương tiện di chuyển. Nhân viên bán vé ở ga đã giao tiếp tốt với họ, nhưng soát vé, nhân viên canteen... còn yếu ngoại ngữ. Chúng tôi đang tổ chức các khóa học để cải thiện điều này", ông Sơn cho biết.