Nửa sau của cuộc đời nên là khoảng thời gian tận hưởng hạnh phúc gia đình và trải qua tuổi già thanh thản. Tuy nhiên, đối với ông Lưu (Trung Quốc), dù hiện đã 70 tuổi, những năm tháng này với ông vô cùng khó khăn, mệt mỏi.

Hai người con của ông Lưu đã lập gia đình và có công việc ổn định. Cả đại gia đình trước đây sống rất hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng kể từ khi ông nghỉ hưu cách đây vài năm, cuộc sống yên bình vốn có của ông bắt đầu có những thay đổi đáng kể.

Lúc đầu, ông Lưu chỉ giúp đưa đón vài đứa cháu đi học. Sau này, ngoài việc đưa đón, ông còn phải lo tiền học phí cho các cháu. Ngay cả tiền tiêu vặt hàng tháng của các cháu cũng trở thành “nhiệm vụ” của ông.

217352c709cc421aa7d21048fda9be44-17120319154331657886864-1712049130911-17120491311881293744574.png

Khi các cháu vào tiểu học, cứ cuối tuần, cả gia đình con trai và con gái đều về thăm ông bà. Mọi công việc như đi chợ, nấu nướng, rửa bát,… đều do vợ chồng ông lo liệu. Việc chăm 4 đứa cháu nhỏ còn tuổi nghịch ngợm một lúc khiến vợ chồng ông đều mệt mỏi.

Đặc biệt những năm gần đây, con trai và con gái liên tục vay mượn tiền của ông Lưu. Dù mang tiếng là vay nhưng các con đều chưa bao giờ trả lại. Vì mỗi lần như vậy cũng không quá nhiều tiền và với lý do như lo sinh hoạt phí, đóng tiền học cho cháu nên vợ chồng ông không thể từ chối.

Trước tình huống này, ông Lưu khá bất lực. Những chuyện con cái nhờ vả nghe thì có vẻ không nhiều nhưng khi dồn lại khiến vợ chồng già không thể vui vẻ tận hưởng quãng thời gian nghỉ hưu. Thế nhưng, vì sợ mâu thuẫn và rất thương con cháu nên ông chỉ có thể ngậm ngùi vừa làm “cây ATM” của con, vừa phải dành toàn bộ thời gian để chăm cháu hộ các con.

Thực tế, trải nghiệm của ông Lưu không phải là trường hợp cá biệt. Ngày nay, có rất nhiều người già cũng rơi vào tình trạng phải lo cho con cháu cả về vật chất lẫn tinh thần.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc, hơn 65% gia đình ở thành phố có hiện tượng “người già nuôi con lớn”. Khoảng 30% người trưởng thành phải nhờ cha mẹ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí sinh hoạt cho mình. Những bậc cha mẹ này đã ngoài 50 vẫn không thể nghỉ hưu thực sự.

Tại Trung Quốc có một thuật ngữ cho tình trạng cha mẹ già vẫn phải nuôi con đã trưởng thành, gọi là "gặm nhấm người già". 

7f9ce1abca304ad4833cb15865c71ad3-17120319154341944626359-1712049132155-1712049132324614112290.png

Bà Trương, một người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Sau khi con gái của bà tốt nghiệp đại học, cô tiếp tục học lên thạc sĩ và ôn thi công chức. Ở tuổi đã nghỉ hưu với đồng lương hưu chỉ vừa đủ sống, bà vẫn phải lo cho con gái ăn học. Thậm chí bà Trương còn phải cho con tiền đi chơi, tiêu vặt, đi du lịch. Gặp nhiều áp lực về tài chính nhưng bà cũng không thể ngăn cản hay từ chối con gái đã lớn “ăn bám” mẹ vì cô luôn có lý do là việc học.

Những người lớn tuổi như trên đều rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vòng xoáy mang tên “tình yêu”. Họ vẫn phải chăm con khi về già thay vì được con cái trưởng thành chăm sóc lại mình và có thể sẽ phải tiếp tục sống như vậy lâu dài.

So với việc hiếu thảo, cha mẹ còn mong con tự lập hơn. Trong tư tưởng văn hóa truyền thống coi trọng gia đình của người Á Đông, cha mẹ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng con cái khi còn nhỏ và con sẽ phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi trưởng thành. 

Tuy nhiên, đời sống xã hội ngày nay có nhiều áp lực và khó khăn, không phải ai cũng có thể đủ khả năng độc lập lo cho mình. Thế nên có những “đứa trẻ đã lớn” nhưng vẫn dựa dẫm vào bố mẹ, dù là về tài chính hay tinh thần.

Có chuyên gia cho rằng nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này một phần cũng đến từ cách dạy con của cha mẹ. Vì quá yêu thương, bao dung cho con nên các ông bố bà mẹ này vẫn chấp nhận bảo bọc con ngay cả khi biết mình không cần và không nên làm như vậy nữa. Việc “buông tay” con, để con tự lập và tự sống cuộc đời mình bị coi là thiếu tình thương.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, chìa khóa hạnh phúc gia đình thực chất nằm trong tay mỗi thành viên. Khi con cái không thể cân bằng giữa công việc và gia đình, cha mẹ có thể giúp đỡ những công việc như chăm cháu. Nhưng việc nhờ vả cha mẹ già cần có chừng mực và tùy thuộc vào mong muốn, khả năng thực tế của mỗi người.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022