Bản đồ cứu trợ được nhiều cư dân mạng ở TP.HCM chia sẻ để san sẻ cho những người khó khăn. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, người sáng lập SOSmap (sosmap.net) là anh Phạm Kim Vi (32 tuổi), CEO một công ty chuyên về giải pháp phần mềm, ứng dụng. Khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thấy nhiều người thất nghiệp, khu vực phong tỏa ở khắp nơi, anh Vi kích hoạt SOSmap - “bản đồ cứu trợ” để cộng đồng chung tay giúp đỡ những người đang khó khăn trong dịch Covid-19.
Bản đồ SOSmap kết nối giúp đỡ người khó khăn vì dịch bệnh tại TP.HCM |
Giúp đến khi hết tiền
Bản đồ có hai mục cho người sử dụng lựa chọn: “muốn cho” hoặc “muốn nhận”. Từng mục sẽ yêu cầu thông tin liên lạc, địa chỉ, nhu cầu cần nhận - cần cho. Những chấm đỏ trên bản đồ là địa điểm những người khó khăn cần giúp đỡ đã cầu cứu.
Đích thân anh Vi lái xe đi trao quà giúp bà con khó khăn |
Đến ngày 15.8, bản đồ hiển thị cả nước có 14.403 điểm cần được hỗ trợ, 1.007 điểm cần cho và 2.109 địa điểm đã nhận hỗ trợ. Sau gần nửa tháng hoạt động, nhóm của anh Vi đã chuyển đồ cứu trợ đến hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn ở khắp TP.HCM, các khu vực phong tỏa, xóm trọ nghèo.
Anh Vi kể trong đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 2020, anh muốn đi cứu trợ nhưng không biết đi đâu, tham khảo từ ai. Anh sáng lập ra SOSmap để kết nối được nhiều địa điểm và hoàn cảnh cần được cứu trợ. Là giám đốc trẻ, vừa điều hành công ty vừa dành thời gian đi tình nguyện, anh Vi chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày. Mỗi buổi tối anh sẽ làm việc với ban điều hành, nhóm công nghệ, có hôm đến 4 giờ mới xong việc. Chợp mắt một chút, tỉnh dậy anh lại trực tiếp lái xe đi giao hàng cứu trợ. “Mình phải đi thì mình mới hiểu được và hoàn thiện ứng dụng hơn. Hiện tại app vẫn chạy hiệu quả nhưng nguồn nhân lực để đi trao quà và lương thực thì không đủ”, anh tâm sự.
Tiếp nhận thực phẩm cần cho cũng như của các tình nguyện viên rồi đem phân phối cho các nơi cần nhận Ảnh: NVCC |
Làm việc liên tục khiến anh Vi bị đuối sức nhưng nghĩ đến những dòng cầu cứu được ghi trên SOSmap anh lại tiếp tục lái xe đi phát quà. “SOSmap sẽ hoạt động đến khi nào tôi hết tiền thì thôi. Sau khi hết dịch, tôi mong muốn ứng dụng bản đồ vào những trường hợp như cầu cứu về bạo hành gia đình, trẻ em không đi học được...”.
Bản tin Covid-19 ngày 16.8: TP.HCM chia 3 giai đoạn để kiểm soát dịch bệnh, đổi chiến lược điều trị "5 tầng" thành "3 tầng" |
Nhiều người chung tay
Ban đầu nhóm thiện nguyện của anh Vi chỉ có khoảng 10 người, dần dần nhiều người đăng ký. Ở mỗi quận huyện đều có một nhóm tình nguyện viên sẵn sàng đi cứu trợ sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin trên SOSmap.
Mang thực phẩm đến cho những nơi khó khăn cần hỗ trợ và kêu cứu trên bản đồ SOSmap |
Anh Ngô Kim Hướng (28 tuổi, phụ trách truyền thông cho SOSmap kiêm tình nguyện viên) cho biết để hoạt động hiệu quả, nhóm chia thành 3 tổ nhỏ gồm tổ tiếp nhận thông tin của người cho sau đó đến để nhận hàng, tổ admin, trực tổng đài 19006448 và tổ trực tiếp lái xe chở đồ đến những người cầu cứu. Hiện tại nhóm có khoảng 100 người bao gồm cả admin, nhân viên tổng đài làm việc hết công suất và có khoảng 6 - 7 chiếc xe để chở hàng tiếp tế đi khắp TP.HCM. Tổng đài viên sau khi nhận được các thông tin từ người sử dụng sẽ liên hệ trực tiếp đến số điện thoại khảo sát nhu cầu cần cho - nhận.
Chị Phạm Thị Hạnh (ngụ Q.Gò Vấp) cùng nhiều người trong quán trọ thất nghiệp 2 tháng nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã đăng ký cứu trợ trên SOSmap. Khi đến giao quà là rau củ và gạo, nhóm SOSmap không vào được bên trong nên dừng xe ở đầu hẻm và gọi điện thoại cho mọi người ra lấy. “Mình rất biết ơn những anh chị của SOSmap vì giúp đỡ rất có tâm và nhiệt tình, được cho rau củ đầy đủ. Mong là mọi người biết đến bản đồ nhiều hơn”, chị tâm sự.
“Thường 1 điểm cầu cứu sẽ có nhiều hoàn cảnh cần hỗ trợ, vì một người đăng ký hộ cho cả một xóm trọ, một khu phong tỏa”, anh Hướng nói và chia sẻ: “Tôi mong nhiều người biết đến SOSmap để tăng thêm nguồn nhân lực và nguồn hàng cứu trợ và có thể giúp đỡ được nhiều người hơn”.