Những địa điểm hoang phế có thể đưa lại cái nền hoàn hảo cho những bộ phim. Những cấu trúc đã trở nên cũ kỹ đưa lại vẻ chân thực cho bối cảnh mà những phim trường dựng tạm không thể nào đạt được.
Ngôi làng Henry River Mill nằm ở bang North Carolina, Mỹ, được lập nên từ năm 1905, khi ấy, nơi đây là một thị trấn của những người thợ đào vàng. Nhưng ngôi làng đã dần trở nên vắng lặng và bị bỏ hoang kể từ năm 1987 khi người cuối cùng sống ở thị trấn này rời đi.
Ngôi làng Henry River Mill đã trở thành Quận 12 trong sê-ri phim “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử). Sau khi đoàn phim đến đây ghi hình, lấy bối cảnh, các fan của sê-ri này đã tìm tới thị trấn bị bỏ hoang để bắt gặp những bối cảnh quay đã xuất hiện trong phim.
Khuôn viên Caerleon là một phần thuộc về Đại học South Wales, xứ Wales, Anh. Nơi đây được xây dựng từ năm 1912, bắt đầu đón sinh viên tới học vào năm 1914. Năm 2016, Đại học South Wales quyết định đóng cửa khu vực trường Caerleon.
Bộ phim truyền hình “Sex Education” (Giáo dục giới tính) đã được ghi hình tại khu vực khuôn viên trường Caerleon hồi năm 2018. Nội thất đã được thiết kế lại để không gian có vẻ hiện đại hơn.
Hòn đảo Hashima (Nhật Bản) từng là một thị trấn chuyên về khai thác than, nơi đây bắt đầu đón những người thợ mỏ và gia đình của họ đến sinh sống hồi năm 1881. Đã từng có thời hòn đảo Hashima là nơi sinh sống của khoảng 5.000 người dân, đó là thời kỳ đông dân nhất của đảo, vào khoảng năm 1959. Về sau, khi nguồn than đá bắt đầu cạn kiệt, số lượng người dân sống trên đảo giảm dần và đến năm 1974, nơi đây về cơ bản là đảo hoang không người ở.
Hòn đảo được lựa chọn làm sào huyệt của nhân vật phản diện trong tập phim “Skyfall” (Tử địa Skyfall - 2012) của sê-ri phim Điệp viên James Bond. Hòn đảo vắng lặng này giờ đây là một Địa danh Di sản Thế giới của UNESCO. Đôi khi, vẫn có những đoàn làm phim tới đây để ghi hình.
Trại cải tạo Bang Ohio, Mỹ, từng mở cửa hoạt động hồi năm 1896 và từng là nơi sinh hoạt cải tạo của 5.235 người ở tại thời điểm năm 1955. Nơi đây đã đóng cửa hoạt động vào năm 1990 và hiện giờ là một viện bảo tàng kiêm một phim trường.
Trại cải tạo Bang Ohio đã được lựa chọn làm phim trường với bối cảnh nhà tù trong bộ phim “The Shawshank Redemption” (Nhà tù Shawshank - 1994), một bộ phim được xếp vào hàng kinh điển.
Rhyolite là một trong những thị trấn bị bỏ hoang lớn nhất nằm ở bang Nevada, Mỹ, nơi đây được lập nên hồi năm 1904 trong cơn sốt đào vàng rất thịnh hành thời bấy giờ. Thị trấn này đã bị bỏ hoang vào năm 1911 khi người dân bắt đầu rời đi. Nơi đây chính thức không còn người sinh sống vào năm 1916.
Một số khu vực của thị trấn này đã được hãng phim Paramount PIctures khôi phục để sử dụng làm bối cảnh quay cho một số bộ phim. Có thể kể tới những bộ phim từng ghi hình tại đây, như “Cherry 2000” (1987), “Six String Samurai” (1998) và “The Island” (Đảo vô hình - 2005)...
Thị trấn Craco, Ý, đã trở thành vùng đất hoang vào năm 1963 sau khi xảy ra những vụ sạt lở đất và loạt trận động đất khiến nơi đây trở nên thiếu an toàn. Đây là một thị trấn với những nét kiến trúc từ thời trung cổ, vốn do những người Hy Lạp đến định cư đầu tiên sáng lập nên vào khoảng năm 540. Dù bị bỏ hoang nhưng nơi đây đã dần trở thành một điểm đến tham quan hấp dẫn.
Thị trấn Craco đã xuất hiện trong bộ phim làm về Điệp viên James Bond - “Quantum of Solace” (Định mức khuây khỏa - 2008) và bộ phim “The Passion of the Christ”...
Sân bay Tempelhof bị bỏ hoang ở Berlin, Đức từng được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1936-1941. Sân bay này được sử dụng để phục vụ cho việc lắp ráp chiến đấu cơ. Nơi đây đã chính thức bị đóng cửa vào năm 2008.
Sân bay này đã xuất hiện trong những bộ phim như “The Hunger Games: Mockingjay - Part 2” (Đấu trường sinh tử: Húng nhại - Phần 2 - 2015), “The Bourne Supremacy” (2004), “Bridge of Spies” (Người đàm phán - 2015)… Đặc biệt, trong “The Hunger Games: Mockingjay - Part 2”, sân bay Tempelhof chính là bối cảnh Quận 2.
Công viên Six Flags ở thành phố New Orleans, Mỹ, đã đóng cửa sau khi cơn bão Katrina tàn phá công viên này hồi năm 2005.
Kể từ khi công viên này bị bỏ hoang, nó đã trở thành bối cảnh quay của những bộ phim điện ảnh đình đám như “Jurassic World” (Thế giới khủng long - 2015), “Dawn of the Planet of the Apes” (Sự khởi đầu của hành tinh khỉ - 2014) và “Percy Jackson: Sea of Monsters” (Percy Jackson: Biển quái vật - 2013).
Tòa nhà Babcock nằm trong Bệnh viện Bang South Carolina vốn được biết tới là Bệnh viện Tâm thần South Carolina, nơi đây được xây dựng trong quãng thời gian kéo dài từ năm 1857-1885. Công trình này ngừng hoạt động sau khi tất cả bệnh nhân được đưa đi điều trị ở các cơ sở khác hồi năm 1990.
Bộ phim “Chattahoochee” (1989) với diễn xuất chính của Gary Oldman đã được quay tại một trong những căn phòng của tòa nhà Babcock bị bỏ hoang. Trong phim, nhân vật của Gary Oldman được đưa vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần sau khi nảy sinh ý định tự sát.
Nhà thờ City Methodist nằm ở thành phố Gary, bang Indiana, Mỹ, đã đóng cửa hồi năm 1975. Sự suy thoái kinh tế hồi năm 1970 đã khiến nơi đây dần trở nên hoang phế do không có kinh phí để duy trì hoạt động. Công trình buộc phải đóng cửa vào năm 1975.
Nhà thờ đã trở thành bối cảnh quay cho những bộ phim như “A Nightmare on Elm Street” (Ác mộng chết người - 1984), “Transformers: Dark of the Moon” (Transformers 3 - 2011) và “Pearl Harbor” (Trân Châu Cảng - 2001).
Trung tâm thương mại Hawthorne Plaza Mall ở bang California, Mỹ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1977 và đóng cửa vào năm 1999.
Trung tâm thương mại bị bỏ hoang này đã trở thành bối cảnh quay của rất nhiều bộ phim như “Gone Girl” (Cô gái mất tích - 2014), “Minority Report” (2002), “The Fast and The Furious: Tokyo Drift” (2006) và “The Green Hornet” (Chiến binh bí ẩn - 2011)...
Bích NgọcTheo Insider/Screen Rant