Sáng 4/7, giới chuyên môn và các nghệ sĩ góp mặt trong tọa đàm Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh ở Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024. Nói về tầm ảnh hưởng của ông, Viện trưởng Lê Thị Hà cho biết họ từng nhận được đề nghị chiếu tác phẩm của ông ở Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp), chương trình phim Đặng Nhật Minh tại Liên hoan Phim Amiens (Pháp) năm 2014, ở Australia năm 2019, gần nhất là Mùa phim Việt Nam tại Anh (2024).

6453c3556745c51b9c54-172008272-2637-2661-1720083533.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Oi3Z9-s4J4YBEAbZY39zaA

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, 86 tuổi, tại tọa đàm ngày 4/7. Ảnh: Phương Uyên

Đạo diễn được biết đến với phim Thị xã trong tầm tay (1983), kể về những vết thương tâm hồn sau chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau đó, ông gây ấn tượng khi Bao giờ cho đến tháng Mười trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên được công chiếu tại Mỹ, nhận giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva.

Không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao, những dự án này chinh phục nhiều đối tượng khán giả, nhất là người trẻ. "Chúng tôi nhận phản hồi tích cực, nhiều người nói dự án của Đặng Nhật Minh toát lên bản sắc dân tộc, giúp họ hiểu thêm về lịch sử đất nước. Điều này cho thấy ông tạo được dấu ấn riêng, các tác phẩm sống mãi với thời gian", bà Hà nói.

Tác phẩm của Đặng Nhật Minh giống con người đạo diễn ở điểm luôn đứng về những người đau khổ, thiệt thòi trong cuộc sống. Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - nói các nhân vật đa phần là con người bình dị, luôn hướng đến điều tốt đẹp trong cuộc sống. Họ đều được đặt trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thời khắc lịch sử, từ đó bộc lộ tình cảm, tính cách.

Giám đốc liên hoan phim - bà Ngô Phương Lan - nhận xét: "Phong cách sáng tác bộc lộ sự tinh tế, sâu lắng, làm rung động khán giả và thể hiện bản sắc Việt Nam. Ông kết nối số phận người phụ nữ với số phận đất nước, tâm hồn con người".

Ông Jean-Mark Theroanne, đồng sáng lập Liên hoan phim châu Á Versoul (Pháp), cho rằng Đặng Nhật Minh là "đạo diễn Việt Nam vĩ đại" khi đạt nhiều thành tựu nổi bật tại các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế, suốt hơn 40 năm sự nghiệp.

cd21e03a88262a787337-172008298-5631-5978-1720083533.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UIvAxOSKta5sxRcvYOJCDg

Diễn viên Quách Thu Phương ôm đạo diễn Đặng Nhật Minh sau khi kết thúc buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Uyên

Lần đầu dự hội thảo về các tác phẩm của mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói xúc động khi nghe ý kiến của các nghệ sĩ và chuyên gia ngành điện ảnh, khiến ông nhớ lại trải nghiệm lúc thực hiện dự án. Dù tuổi cao, phải có người dìu đi, đạo diễn vẫn luôn nở nụ cười.

Đạo diễn cho biết suốt quá trình làm nghề luôn trăn trở kể chuyện thế nào để người xem cảm động và suy ngẫm. Những dự án đề cập đến vấn đề mà ông quan tâm, ít tình tiết éo le và luôn gắn liền với bối cảnh Việt Nam. "Tác phẩm của tôi hết sức nhỏ bé so với thành quả chung. Tôi xin cảm ơn những người đã làm việc cùng mình", ông nói.

nsnd-thuy-huong-ke-ky-niem-dong-thuong-nho-dong-que-cua-ng-n-1720083141.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XC7ltft3Oswm_y4wplZbxw
NSND Thuý Hường kể kỷ niệm đóng 'Thương nhớ đồng quê' của ng Nhật Minh

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường kể kỷ niệm đóng "Thương nhớ đồng quê" của Đặng Nhật Minh. Video: Quế Chi

Các nghệ sĩ như Lan Hương, Quách Thu Phương, Ngô Quang Hải, Nguyễn Hữu Mười góp mặt trong sự kiện, chia sẻ về quá trình làm phim với ông. Dưới hàng ghế đại biểu, Đặng Nhật Minh luôn dõi theo câu chuyện, mỉm cười nhìn họ. Trong khi trao đổi, một số người nghẹn ngào, không kìm được nước mắt. Quách Thu Phương nhiều lần nghẹn giọng nói biết ơn đạo diễn vì mời cô tham gia dự án Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), với vai Lê, vợ của người lính Lâm (Ngô Quang Hải thủ vai).

Nghệ sĩ Nhân dân Minh Châu xúc động khi tái ngộ đàn anh, nói vai chính trong Cô gái trên sông (1987) là bước ngoặt diễn xuất. "Cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh vì đã tạo ra Minh Châu ngày hôm nay", diễn viên nói. Kết thúc chương trình, Đặng Nhật Minh và các khách mời nán lại ôm nhau, chụp ảnh kỷ niệm. Nhiều nghệ sĩ đồng thanh chúc ông mạnh khỏe.

canh-cheo-trong-phim-bao-gio-cho-den-thang-muoi-1695182045.png?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FbGvekW7Sm9msUYWS-Yqhg
Cảnh chèo trong phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười'

Trích đoạn chèo trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười". Video: Hãng phim truyện Việt Nam

Trước đó hai ngày, Đặng Nhật Minh được trao giải Thành tựu điện ảnh ở lễ khai mạc liên hoan phim vì những đóng góp bền bỉ cho nghệ thuật. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Mười - đóng Bao giờ cho đến tháng mười (1984) và Lan Hương - diễn viên Mùa ổi - cùng đạo diễn lên nhận cúp lưu niệm từ ban tổ chức.

Đặng Nhật Minh là con trai của giáo sư Đặng Văn Ngữ. Ông được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005, Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung năm 2013.

Ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 Mùa ổi. Ông từng là chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022