Phim thời lượng khoảng 120 phút, bối cảnh diễn ra chủ yếu ở Quảng Trị và một số địa điểm ở Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Paris (Pháp). Để tăng tính chân thực, hãng dựng phim trường trên diện tích 50 ha ở Quảng Trị, đưa vào sử dụng từ tháng 9. Êkíp đoàn phim dự kiến lên tới hơn 1.000 người. Nhà sản xuất chưa tiết lộ kinh phí, nội dung kịch bản, quá trình thực hiện phim trường, do nhiều hạng mục còn trong giai đoạn chờ phê duyệt.
Một số hình ảnh của sa bàn bối cảnh thành cổ Quảng Trị, dựng trên tỷ lệ 1:72. Ảnh: Điện ảnh Quân đội Nhân dân
Đạo diễn Đặng Thái Huyền mong muốn xây dựng hình ảnh người lính anh hùng, hy sinh tuổi trẻ để bảo vệ quê hương. Êkíp hiện bắt đầu casting ở Hà Nội và TP HCM. Chị từng là đạo diễn các phim Người trở về, Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Đất lành.
Dự án do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất, hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025). Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội - cho biết cách đây gần chục năm, nhà văn Chu Lai đã gửi kịch bản Mưa đỏ. "Đây là câu chuyện hay, xúc động nhưng để sản xuất phải có nguồn kinh phí lớn. Chúng tôi đã ấp ủ thời gian dài, đến nay mới có tiềm lực thực hiện", bà Dung nói.
Tiểu thuyết "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai. Ảnh: Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân
Tiểu thuyết Mưa đỏ xuất bản năm 2016, lấy bối cảnh cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972. Nhân vật chính là Đặng Huy Cường - một sinh viên nhạc viện, có bố là cựu binh chống Pháp, anh trai là liệt sĩ. Được chọn ra nước ngoài học nhưng Cường tình nguyện ra chiến trường.
Trong những tháng ngày đi lính, anh gặp nhiều người như Tiểu đội trưởng Tạ, Sen - chiến sĩ lớn tuổi người Sài Gòn, Cường - sinh viên nhạc viện người Hà Nội, Bình Vẩu - cựu sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Hải Gù - công nhân điện nước quê Hà Tây, và người trẻ nhất là Tú, một chiến sĩ mới 16 tuổi. Họ đại diện cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng chung mục đích chiến đấu vì hòa bình. Hình tượng "mưa đỏ" ẩn dụ cho máu, những mất mát, hy sinh của thế hệ thanh niên yêu nước.
Mưa đỏ từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 và giải A Giải thưởng Bộ Quốc phòng. Tác phẩm từng được dựng thành kịch nói, chèo, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nhà văn Chu Lai 78 tuổi, quê Hưng Yên, là con trai nhà viết kịch Học Phi. Trong thời kỳ chống Mỹ, ông công tác ở Đoàn kịch nói Tổng cục chính trị rồi trở thành chiến sĩ đặc công ở chiến trường miền Năm. Sau năm 1973, ông làm trợ lý tuyên huấn Quân khu 7. Sau này, nhà văn công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thuộc thế hệ nhà văn khoác áo lính, các trang viết của ông lột tả chân thật không khí một thời bom đạn. Nhân vật của ông thường là những trí thức, người nông dân, công nhân, nguyện một lòng yêu nước. Họ dù trong thời chiến hay thời bình vẫn bộc lộ phẩm chất đáng quý. Trong hơn nửa thế kỷ viết văn, ông chung thủy với đề tài chiến tranh, có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Ăn mày dĩ vãng, Nắng đồng bằng, Khúc bi tráng cuối cùng.
Trước Mưa đỏ, Hãng Phim truyện Việt Nam từng sản xuất Mùi cỏ cháy với cùng đề tài. Phim lấy bối cảnh năm 1971-1972, xoay quanh câu chuyện về bốn chàng sinh viên trẻ. Đang ngồi trên ghế nhà trường, họ quyết định lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên khi chiến tranh ập đến. Tuổi trẻ của họ bị chôn vùi giữa bom đạn, khói lửa ở mặt trận Quảng Trị. Tác phẩm của đạo diễn Hữu Mười đoạt Bông Sen Bạc và Cánh Diều Vàng năm 2012.
Nửa năm qua, dòng phim chiến tranh được khán giả quan tâm, đón nhận hơn. Hồi tháng 2, phim Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn tạo ra "cơn sốt" săn vé, thu về 21 tỷ đồng, hòa vốn sau ba tháng công chiếu. Theo Cục Điện ảnh, đây là hiện tượng "chưa từng có" với các phim Do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, chỉ phát hành ở một số rạp Nhà nước.
Ngoài Mưa đỏ, một phim đề tài chiến tranh khác đang được sản xuất là Địa đạo (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Thái Hòa đóng chính), nói về cuộc chiến ở Củ Chi năm 1967.
Trích đoạn giới thiệu phim "Mùi cỏ cháy". Video: VFS
Hà Thu