Dù Cục Hàng không khẳng định việc đóng cửa 1 đường băng tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu khai thác, nhưng thực tế cả hành khách và hãng hàng không đều đang khốn khổ vì các chuyến bay “delay”.

Vật vã 5 tiếng bay Hà Nội - TP.HCM

Đặt vé chuyến bay mang số hiệu VN 0265 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội vào TP.HCM lúc 15 giờ chiều 5.7, chị Khanh Nguyên (ngụ Q.4, TP.HCM) nhận được tin nhắn của hãng thông báo đổi giờ khởi hành sang 16 giờ. Có mặt trước giờ khởi hành gần 2 tiếng đồng hồ theo đúng khuyến cáo của hãng, đến giờ ra cổng làm thủ tục lên máy bay thì VNA tiếp tục thông báo chuyến bay bị hoãn (delay) đến 17 giờ. Lúc 17 giờ, tất cả hành khách hoàn tất thủ tục và yên vị trên máy bay nhưng máy bay tiếp tục xếp hàng chờ cất cánh, tới hơn 18 giờ mới chính thức bay.
“Tôi chọn đi chuyến 15 giờ chiều để tiện cho công việc nhưng cuối cùng, delay 2 tiếng mới được bay. Chưa hết, vào tới TP.HCM, máy bay tiếp tục phải bay lòng vòng trên trời gần 30 phút. Vào chờ lấy hành lý cũng rất lâu, mất thêm 20 - 30 phút nữa. Chuyến từ TP.HCM ra Hà Nội cũng vậy, bay lòng vòng trên trời hơn 30 phút mới đáp xuống được Nội Bài. Tính ra bay chặng Hà Nội - TP.HCM bây giờ mất cả 4 - 5 tiếng”, chị Nguyên lắc đầu ngao ngán.
Theo đại diện các hãng hàng không, tình trạng máy bay xếp hàng chờ đường băng bắt đầu diễn ra từ 1.7, khi đường cất hạ cánh 25R/07L, đường lăn E1, NS1, W4, W6 của sân bay Tân Sơn Nhất và đường cất hạ cánh 11L/29R của sân bay Nội Bài chính thức đóng cửa để tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Là 2 sân bay lớn nhất, tần suất phục vụ cao nhất cả nước, việc ách tắc tại 2 cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài còn khiến tình trạng delay lan truyền đến rất nhiều sân bay khác. Đơn cử, tối 5.7, cùng lúc máy bay chuyến VN 0265 của VNA đang bay lòng vòng chờ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, có tới 5 máy bay cũng đang phải bay lượn “xếp hàng” trên bầu trời Ninh Bình. Rất nhiều hành khách đi du lịch cũng phải vật vờ ngồi chờ máy bay vài tiếng đồng hồ tại sân bay Đà Nẵng.
Không chỉ hành khách bị ảnh hưởng, các hãng hàng không cũng khốn khổ không kém vì tình trạng máy bay chờ đường băng. Đại diện VNA cho hay từ ngày các đường băng đóng cửa sửa chữa, sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài gần như lúc nào cũng trong tình trạng kẹt cứng, đợi nhau cất cánh. OTP (chỉ số đúng giờ) của các chuyến bay đến giảm mạnh, dao động từ 51 - 68%. Cá biệt ngày 3.7, cộng thêm yếu tố thời tiết xấu khiến chỉ số OTP của VNA tụt mạnh chỉ còn 36,7%. “Máy bay bay lòng vòng trên trời thêm phút nào là nhiên liệu tiêu hao, tiền đốt thêm phút đó. Chưa kể chỉ 1 chuyến bay chậm trễ sẽ kéo theo dây chuyền chậm rất nhiều các chuyến khác trong ngày. Hành khách lại than phiền chất lượng dịch vụ giảm. Khổ đủ đường”, vị đại diện VNA than.
Còn một đại diện Bamboo Airways cũng thông tin bắt đầu từ 1.7, trung bình mỗi ngày hãng có tới 5 - 6 chuyến bay bị delay, chỉ số OTP liên tục giảm. Các chuyến bay dù ở Vinh hay Ninh Bình cũng không thoát khỏi cảnh bay lòng vòng chờ đáp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động khai thác của hãng.
1_pqkb.jpg

Việc sửa chữa đường băng gây ảnh hưởng đến việc khai thác của các hãng

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Xe kéo gãy chốt, máy bay Airbus 'kẹt' ở đường băng sân bay Nội Bài

Không thể tránh khỏi ách tắc

Trước khi chính thức đóng cửa sửa chữa đường băng, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không (Trường đại học Bách khoa TP.HCM), đã lưu ý trên thế giới có rất nhiều sân bay chỉ có 1 đường cất hạ cánh, tần suất khai thác cũng rất cao. Trong trường hợp cần sửa chữa, nâng cấp đường băng, họ sẽ lên kế hoạch tạm ngưng khai thác vào một khoảng thời gian nào đó trong ngày, không phải giờ cao điểm, thường thì vào ban đêm. Việc sửa chữa, bảo dưỡng sẽ được làm theo kiểu cuốn chiếu từng đoạn, hoạt động tại sân bay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng vẫn có thể khai thác bình thường.

“Sắp tới khi học sinh được nghỉ hè, các gia đình tăng đi du lịch thì áp lực khai thác đổ lên các nhà ga chắc chắn còn cao hơn. Thực tế không thể tránh khỏi tình trạng ách tắc, chậm trễ khi 2 sân bay lớn nhất chỉ khai thác trên 1 đường băng. Trong thời gian gần 2 năm sửa chữa, bên cạnh việc cố gắng dồn sức đẩy nhanh công tác thi công, chỉ còn cách hạn chế tối đa rủi ro trong công tác điều phối, khai thác. Chỉ cần 1 sự cố xảy ra đối với đường băng còn lại, ùn tắc có thể sẽ không còn chỉ tính bằng giờ mà thậm chí phải tính bằng ngày”.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN

Thế nhưng theo Cục Hàng không VN, sau khi đóng cửa 1 đường băng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ còn khai thác được 32 chuyến/giờ, giảm 12 chuyến so với 2 đường băng. Tương tự, sân bay Nội Bài giảm còn 29 chuyến so với 32 chuyến/giờ trước đây. Cục Hàng không nhận định việc tần suất cất hạ cánh giảm không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu khai thác bởi đường bay quốc tế hiện chưa được mở lại. Căn cứ vào các giai đoạn thi công của dự án, Cục Hàng không sẽ có phương án điều tiết chuyến bay cho phù hợp với năng lực khai thác. Cụ thể, nhiều chuyến bay trong khung giờ 6 - 8 giờ, 12 - 14 giờ, 16 - 18 giờ sẽ được giãn vào các giờ thấp điểm, tăng các chuyến bay đêm.
Thực tế, trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Tất Bình, Phó giám đốc Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) thừa nhận việc giảm thiểu ách tắc sân bay trong quá trình thi công, sửa chữa 2 đường băng là bài toán khó. Về mặt thị trường, các hãng hàng không đang phải tích cực mở rộng mạng bay, tăng các chuyến bay nội địa để bù đắp những thiếu hụt của thị trường quốc tế. Người dân cũng đang có nhu cầu đi chơi, đi du lịch sau thời gian dài giãn cách xã hội, nên áp lực phục vụ khai thác tại các cảng vẫn cao. Về mặt điều hành khai thác, nhà chức trách bao giờ cũng muốn giãn các chuyến bay để giảm áp lực hạ tầng. Song, các hãng hàng không cũng rất khó để “nhả” slot bay vào giờ đẹp vì thực tế hành khách có nhu cầu đi vào các khung giờ đó. Không ai muốn phải cất cánh từ tờ mờ sáng hay đáp máy bay vào đêm khuya.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022