Theo lời mẹ chồng, một con làm bữa cơm tất niên, một con cúng giao thừa, một con nấu thịt đông, hai con cuối để dành cho mâm cỗ đãi khách những ngày trong Tết.

Xong 5 con gà, Tú lại tất bật nấu bữa cơm tất niên, lau dọn nhà cửa, sắp xếp bàn thờ đón giao thừa. Mọi thứ kết thúc lúc 1h30 ngày mồng 1 Tết. Sáng hôm sau không được ngủ nướng giống mọi người, cô phải dậy sớm làm mâm cơm thắp hương rồi sửa soạn quần áo cho chồng con đi chúc Tết. Chiều tối lại chuẩn bị cơm cho cả gia đình.

Nhưng mồng hai mới là ngày bận rộn và vất vả nhất của người phụ nữ 37 tuổi này. Vì bố chồng là con trưởng, dưới có 8 người em nên theo thông lệ vào ngày này Tú phải chuẩn bị 3-4 mâm cỗ để thết đãi họ hàng. Hết mồng 2 lại đến mồng 3- ngày hóa vàng- cô lại tiếp tục vùi mình trong bếp. "Truyền thống nhà chồng là phụ nữ phải lo toan, sắm sửa, cơm nước phục vụ, họ hàng khách khứa ngày Tết. Mẹ chồng tuổi cao, sức yếu nên mọi thứ dồn lại cho mình tôi". Tú nói.

Ấn tượng của người phụ nữ này với Tết là những ngày mọi người tụ tập ăn uống, phụ nữ luôn trong bếp, còn đàn ông luôn say xỉn. Đã có lần Tú đề nghị mẹ chồng giản lược bớt thủ tục ăn uống, cỗ bàn nhưng lập tức bị mắng. "Con dâu không có quyền thay đổi truyền thống nhà chồng", bà nói.

tet-1-1-1744-1674035168.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ST-UNkmuzuBCUd0ZcfEncg

Với nhiều phụ nữ, Tết đồng nghĩa với việc vùi mình trong bếp, nấu ăn, dọn dẹp, không có thời gian du xuân hay đi chúc Tết người thân. Ảnh minh họa: sina

Mỗi năm cứ thấy hoa đào hé nụ, Thu Ngọc, sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội đều thốt lên: "Ôi trời! Lại đến Tết". Dù nội ngoại gần nhau, nhưng cứ vào dịp này người phụ nữ 34 tuổi lại phải nghĩ nát óc thực đơn để làm hài lòng các thành viên trong gia đình cũng như khách khứa.

Bố mẹ hai bên mỗi người một khẩu vị. Ông bà ngoại vốn là người truyền thống nên chỉ thích những món Tết xưa còn bên nội lại thích đồ Tây hoặc hải sản. Tết đến, có ngày hai gia đình tụ họp, Ngọc phải chuẩn bị tới hai chục món để hợp khẩu vị tất cả mọi người. Chưa kể chồng cô là lãnh đạo trong một cơ quan nhà nước, khách khứa đến cũng phải bày biện dăm món đặc biệt, lại thêm nồi lẩu hay món nướng để có thể lai rai, trò chuyện lâu cùng nhau.

"Mình làm không ra gì lại bị so sánh với vợ người này, vợ người khác. Cho nên Tết tôi chỉ quanh quẩn trong bếp, ít khi đi du xuân hay chúc Tết như mọi người", Ngọc chia sẻ.

Giải thích vì sao nhiều phụ nữ vẫn vùi mình trong bếp ngày Tết, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ định kiến, thước đo của xã hội về sự đảm đang, chu toàn thường được mang ra vào các dịp đặc biệt. Định kiến này dần thay đổi nhưng ở một số nơi vẫn tồn tại.

"Lý do thứ hai chính là áp lực của chính phụ nữ đó với bản thân khi muốn phải trở thành dâu thảo, dâu chuẩn, dâu chăm", ông Tú nói. Theo ông, hiện nhiều phụ nữ vẫn tâm niệm về trách nhiệm của người vợ theo cách đó.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, ví con người giống như một hằng số nên không thể gánh vác hết tất cả mọi việc. Phụ nữ hiện đại vẫn phải đi làm kiếm tiền, vẫn chăm lo cho nhà cửa, lễ Tết... bởi vậy bản thân họ cần phải thay đổi tư duy, đó là "bình đẳng trong lao động và bình đẳng trong hưởng thụ".

"Bình đẳng không phải là tôi rửa một cái bát, anh cũng phải rửa một cái bát, mà là sự phân chia theo sở trường của mỗi người", bà An nói. Tất cả nên xuất phát từ sự sẻ chia, tự nguyện, đồng thời cần giản lược việc mua sắm... như vậy phụ nữ mới thoát khỏi cảnh vùi mình trong bếp ngày Tết.

Theo bà An, thờ cúng ông bà, tổ tiên là văn hóa truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc, dù thời nào cũng nên chu toàn, tuy nhiên không phải cỗ bàn tràn ngập, hương khói nghi ngút mới gọi là truyền thống. "Tết là sum vầy, đoàn tụ, là hạnh phúc. Vậy giản lược thế nào miễn đảm bảo được ý nghĩa tốt đẹp đó thì vẫn là Tết", bà An nói.

Không giống như Tú hay Ngọc coi Tết như sự chịu đựng, với nhiều phụ nữ, được nấu ăn và nhìn gia đình sum vầy tại nhà ngày Tết đã là hạnh phúc.

Gia đình anh Tuấn Phong, 35 tuổi, ở Thái Nguyên bao đời nay vẫn giữ các nguyên tắc phong tục cổ truyền, đặc biệt trong lễ Tết. Nhà anh thường làm cỗ bàn nhiều món, thắp hương đủ 5 ngày Tết.

Con cái đi làm ăn xa, cận Tết mới về nên mẹ anh-bà Vân- thường đi chợ từ ngày 27, mua lương thực về chuẩn bị cỗ bàn. Từ 30 Tết, bà sẽ chỉ quanh quẩn trong bếp.

Vòng quay đó lặp lại từ năm này sang năm khác. Đã có năm thương mẹ vất vả, muốn bà được nghỉ ngơi nên anh em Phong bàn nhau, mua đồ ăn sẵn hoặc chế biến nhanh chất đầy tủ lạnh. "Năm nay cả nhà ăn Tết với đồ chúng con mua. Mẹ nghỉ ngơi thêm đi, hy sinh quá nhiều rồi", Phong nói với mẹ.

Những tưởng sáng kiến của các con sẽ giúp bà Vân bớt mệt, nhưng thực tế bà chẳng vui vẻ chút nào. Tết đến, như một thói quen, bà vẫn dậy lúc 5 giờ sáng, xuống bếp ngó nghiêng, nhưng chẳng thấy cần làm gì nên lại lên phòng khách ngồi. Không có việc làm, đôi mắt bà thẫn thờ, còn chân tay bứt rứt.

Cơm Tết chuẩn bị chưa tới 30 phút đã hoàn thành gồm đồ làm sẵn như nem đông lạnh, cá kho niêu, thịt nguội, xúc xích... chỉ cần sắp xếp là xong. Thời gian còn lại, bà Vân hết ra vườn quét lá, lau chùi cốc chén, rồi lại ngồi vẩn vơ.

Thấy mẹ không vui, Phong nghĩ chắc chưa quen nên bà mới vậy, nhưng mấy ngày sau đó, bà Vân vẫn không thay đổi tâm trạng, trở nên trầm lắng hơn. Đến mồng 4 Tết, khi các con chuẩn bị đồ đạc trở lại thành phố, bà nói với con trai năm sau vẫn để bà chuẩn bị mâm cơm truyền thống thắp hương ông bà tổ tiên. Bà chia sẻ, đó không chỉ là trách nhiệm hay nghĩa vụ mà còn là niềm vui khi được chăm lo bữa ăn Tết cho gia đình, thấy bản thân có ích hơn.

"Chỉ cần được làm những việc ý nghĩa với gia đình, Tết chỉ nấu với nướng thôi mẹ cũng vui rồi", bà nói.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, mỗi thời có lối suy nghĩ khác nhau. Có thể lớp phụ nữ hiện đại không thường xuyên vào bếp, nhưng với phụ nữ truyền thống, Tết được nấu ăn cho chồng con trong không khí thiêng liêng lại là niềm hạnh phúc.

"Với nhiều người, được đứng trong căn bếp, nấu những món ăn mà mọi người trong gia đình yêu thích là điều khiến họ cảm thấy ấm cúng nhất". Theo ông, đây không thể hiện cho sự hy sinh, mà là làm điều mình thích và thấy hạnh phúc vì được làm điều đó. Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng vậy nên đừng lấy thước đo của người khác làm tiêu chuẩn sống của mình.

"Mỗi người đều có một cách khác nhau để hạnh phúc nói chung và thưởng Tết trọn vẹn nói riêng", ông Tú khẳng định.

Còn với Tiến sĩ Bùi Thị An, trong xã hội vẫn còn có người giống như bà Vân. Tuy nhiên nếu để phụ nữ một mình lăn lộn trong bếp ngày Tết, nấu những món ăn yêu thích cho chồng con dù với họ đó là niềm vui là hạnh phúc nhưng thực sự chưa trọn vẹn. Sự trọn vẹn là khi có sự chia sẻ từ các thành viên khác trong gia đình. Mọi người cùng lao động, cùng hưởng thụ mới đúng nghĩa một cái Tết đầm ấm, sum vầy.

Tết năm nay, gia đình Tuấn Phong không mua đồ ăn sẵn nữa mà anh cùng vợ con sẽ về quê sớm, dành thời gian cùng mẹ đi chợ, mua sắm đồ ăn, thức uống. Nhà anh vẫn sẽ làm cỗ thắp hương đủ ngày như mọi năm, chỉ có điều bà Vân có thêm những phụ bếp sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc mọi nơi, kể cả những người đàn ông trước đây ít khi đụng vào chuyện bếp núc.

"Tết là dịp sum vầy, cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp, bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên... vậy thôi đã đủ hạnh phúc rồi", Phong nói.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022