Họ từng có một thời thanh xuân tươi đẹp khi cô sinh viên ngoại ngữ tình cờ gặp anh sỹ quan trong dịp về quê ăn Tết, 15 năm trước. Thần tượng chàng trai từng học rất giỏi, cô phải lòng ngay trong lần đầu gặp mặt.
Yêu nhau hai năm họ kết hôn. "Môi trường công việc ở một công ty nước ngoài giúp mình năng động bao nhiêu, áp lực cơ quan nhà nước khiến anh chậm chạp đi bấy nhiêu", chị Vũ Thị Tơ, 37 tuổi, ở TP HCM kể.
Khác biệt tư tưởng, đặc biệt đứa con đầu tiên ra đời, gánh nặng trả nợ mua nhà trong thời lãi suất tăng vùn vụt những năm 2011-2013 khiến cặp vợ chồng trẻ lúc nào cũng chật vật. Mâu thuẫn chồng lên mâu thuẫn khiến họ ngày càng xa nhau.
Đỉnh điểm, một lần chị Tơ hỗn với mẹ, anh Đông lần đầu tiên quát vợ. Bao nhiêu ấm ức dồn nén bấy lâu, người vợ viết đơn ly hôn. "Tính mình trẻ con, cao ngạo, đưa đơn cứ nghĩ mình oai, anh sẽ níu kéo. Ai dè, anh ký cái rẹt", chị Tơ nhớ lại.
Nhưng có lẽ duyên chưa hết. Anh Đông là người đầu tiên xác định cần phải hồi sinh cuộc hôn nhân này. Anh đến gặp một người sếp, bạn thân nhất của vợ, để hiểu hơn về tâm tư của cô. Sau cuộc gặp, anh không còn khăng khăng quan điểm "tôi chỉ có vậy" mà bắt đầu thay đổi, chiều vợ con hơn. Người chồng cũng ra ngoài tìm cách cải thiện thu nhập.
Chị Tơ cũng nhìn lại bản thân và tập trung vào những điểm tốt của chồng. Khi muốn gì sẽ nói chứ không bắt anh phải tự hiểu như trước. "Dần dần hai vợ chồng nói chuyện nhiều hơn, nhờ đó hiểu nhau, chứ không phải hiểu nhầm như trước", chị kể.
Người vợ chủ động tổ chức những buổi hẹn hò riêng để hai vợ chồng yêu lại từ đầu. Anh Đông thú nhận, việc này không dễ vì người lính quen đơn giản. Nhưng vì vợ, anh đến rạp chiếu phim, khách sạn để hẹn hò. Các năm sau đó, họ có thêm con thứ hai và ba. Áp lực cuộc sống vẫn còn nhưng nhà cửa bình yên vì hai vợ chồng đều kiên nhẫn và nghĩ cho nhau hơn trước.
Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, trường hợp biết tự nhìn lại mình, hạ "cái tôi" để cứu vãn hôn nhân như chị Tơ, anh Đông không nhiều. Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình công bố tháng tháng 12/2022 cho thấy tỷ lệ ly hôn chiếm 2,2% dân số, tăng 0,4% so với 2019.
Một thống kê trước đó của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy trung bình cả nước có hơn 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. Trong đó, 70% thuộc về các cặp vợ chồng trong độ tuổi 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày đã tan vỡ.
Gia đình anh Đông, chị Tơ trong một buổi dã ngoại năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cuộc hôn nhân của Thu Hiền và Minh Đức ở Hà Nội cũng gặp khủng hoảng trong 5 năm đầu hôn nhân. Là một phóng viên về mảng thời trang, Hiền sành điệu, có gu khác hẳn vẻ ngoài không trau chuốt của người chồng là kỹ sư ôtô.
Hai năm trước, Hiền được đề bạt phụ trách chuyên mục, khối lượng công việc nhiều hơn trước. Bình thường đã vụng chuyện nhà, nay cô càng xao nhãng, mọi thứ mặc cho chồng và người giúp việc. Buổi tối, cho con ngủ xong, cô tiếp tục ôm máy tính xử lý công việc.
Nhiều lần chồng gợi ý "chuyện ấy", cô né tránh hoặc chỉ làm cho có vì mệt mỏi, chỉ muốn ngủ. Không ít lần chồng giận dỗi, cô lại quy kết anh ích kỷ, không biết cảm thông. Hai vợ chồng cứ thế xa nhau.
Trong một bữa tiệc cơ quan giữa năm 2022, Hiền uống quá chén không tự lái xe về được. Một đồng nghiệp chở cô về nhà. Nhân lúc đưa cô xuống xe, người này ôm chầm rồi thổ lộ tình cảm. Anh Minh Đức nhìn thấy nhưng không làm ầm lên, chỉ đưa vợ tờ đơn ly hôn.
"Cầm tờ giấy đó tôi thấy đau lòng, nhưng cái tôi cao ngạo nên không níu kéo hay giải thích gì. Thời gian qua lúc nào vợ chồng cũng bất hòa, tôi còn nghĩ không còn yêu thì chia tay", Thu Hiền 28 tuổi, nói.
Những tưởng quyết định ly hôn chính là sự giải thoát nhưng những ngày sau đó, cô vợ trẻ lờ mờ cảm nhận việc mình sắp phải đối mặt không dễ dàng. "Tôi không ăn, không thể chợp mắt, cũng không làm gì được. Trong đầu nghĩ về những lúc hạnh phúc, lúc yêu đương thề thốt, vợ chồng cãi nhau và nghĩ đến tương lai chia cắt là nước mắt trào ra", cô chia sẻ.
Rơi vào trạng thái suy sụp, cuối cùng Hiền phải tìm đến chuyên gia tâm lý. Lắng nghe chia sẻ, chuyên gia Hoàng Hải Vân (Hà Nội) nhận thấy Thu Hiền vẫn còn yêu chồng nhưng không biết cách cứu vãn cuộc hôn nhân đang đổ vỡ.
Nhà tâm lý phân tích nguyên nhân khiến vợ chồng Hiền phải đưa nhau ra tòa là do thiếu kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, quá đề cao cái tôi ở những cặp vợ chồng trẻ. Rạn nứt không bắt đầu từ việc nam đồng nghiệp tỏ tình mà do cô đã quá mải mê công việc phớt lờ nhu cầu tình cảm của chồng. Sự hời hợt trong phòng ngủ cũng là tác nhân đẩy cuộc hôn nhân đến bờ vực bởi vợ chồng mất kết nối.
"Em cho rằng theo đuổi thành công để được hạnh phúc nhưng em không thể tìm thấy hạnh phúc khi từ bỏ nó ở ngay trước mắt mình", chuyên gia nói.
Sau cuộc trò chuyện với nhà tâm lý, Hiền biết mình cần làm gì. Cô thẳng thắn nói với chồng không muốn ly hôn, đồng thời giải thích rõ về mối quan hệ kia. Thấy vợ nói xin lỗi trong nước mắt, Đức im lặng, ngầm cho cơ hội.
Tết rồi cô vợ trẻ khoe khoe mối quan hệ hai vợ chồng đã cải thiện. Thời gian qua họ đã trò chuyện với nhau rất nhiều, giúp kết nối trở lại. Hiện tại, cô giảm khối lượng công việc để có thời gian cho gia đình. Một tuần ba buổi, vợ chồng đèo nhau đi tập kick boxing vốn là sở thích chung trước khi có con.
GIa đình chị Ngọc Anh trong bộ ảnh kỷ niệm 17 năm ngày cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Ngọc Anh, 37 tuổi, ở Hà Nội cũng được bạn bè xem là người có tài xoay chuyển cuộc hôn nhân.Kết hôn lúc chưa đầy 20 tuổi, kinh nghiệm sống không có, cộng với việc có bầu nên chị ở nhà toàn thời gian. Tâm lý "mình là kẻ ăn bám" và tự ti về bản thân khiến Ngọc Anh kiểm soát chồng.
Chồng chị hồi đó làm ăn bên ngoài, gặp gỡ ai, áp lực ra sao, tuyệt nhiên không chia sẻ vì cho rằng vợ không hiểu công việc, không va chạm như anh nên nói cũng bằng thừa.
Một người thứ ba đã bước chân vào mối quan hệ của họ. Khi biết sự thật, Ngọc Anh đã sốc và đau đớn. Nhưng không gào khóc như mọi lần, cô bình tĩnh nhìn lại, nhận ra mình đã yêu sai cách.
Lấy chồng sớm nhưng hôn nhân với Ngọc Anh không phải là chuyện thích thì cưới, gặp khó là bỏ. "Trải qua hàng chục khó khăn mới đến được với nhau, chẳng lẽ vì một lần sai lầm là đạp đổ", chị nói.
Chị cho chồng một tuần để suy nghĩ và lựa chọn gia đình hay người kia rồi ôm con bỏ đi. Việc này khiến chồng chị bất ngờ, chưa từng nghĩ vợ dám ra điều kiện, lại ôm con đi khi trong người không một đồng. Chưa đầy một tuần anh đón hai mẹ con về, xin lỗi và mong muốn vợ chồng cho nhau một cơ hội.
"Dù chuyện xảy ra lúc còn non trẻ, tôi chưa lúc nào oán thán người kia, cũng không tìm hiểu xem đó là ai, mặt mũi thế nào. Thậm chí tôi thấy biết ơn, nhờ họ tôi biết nếu không thay đổi sẽ đánh mất hạnh phúc của mình", Ngọc Anh chia sẻ.
Sau đó, người vợ này bắt đầu lên kế hoạch đi học cao đẳng, học cách trang điểm, mix đồ, làm đẹp, tâm lý học hành vi. Ngoài công việc văn phòng, chị bán hàng để chia sẻ cùng chồng gánh nặng tài chính.
Trải qua quá trình dài cả Ngọc Anh và chồng cùng mắc sai lầm, rút ra bài học và thay đổi, đến giờ ở năm thứ 17 của hôn nhân, họ là những người bạn tâm giao của nhau.
Anh Đông, chị Tơ cùng nhau tham gia một giải chạy marathon năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, đám cưới chỉ trong một ngày nhưng hôn nhân là cả một chặn đường dài, có khi càng đi, con đường càng lắm những chông gai. Để tránh những cuộc ly hôn vội vã, các cặp vợ chồng có thể áp dụng một số cách sau để đi qua giai đoạn khủng hoảng.
Đầu tiên cần nhớ hạnh phúc cần có sự cân bằng. Câu chuyện của Hiền là ví dụ điển hình cho kiểu phụ nữ hiện đại, có sự nghiệp và tự do theo đuổi những giá trị mong muốn. Tuy nhiên, nếu tất cả những gì bạn quan tâm chỉ là công việc, bỏ bê gia đình, con cái, sẽ là trở ngại để giữ lửa hôn nhân.
Kinh nghiệm của những nhà tâm lý học cho thấy, muốn biết một cặp có bền vững hay không, hãy nhìn cách họ cãi nhau. Vì vậy kỹ năng quản lý cảm xúc là vô cùng quan trọng. "Trong sự nóng nảy của cuộc tranh cãi vợ chồng, thật khó để có thể giữ bình tĩnh nhưng bất luận thế nào hãy nhớ lời nói khi nóng giận 'có chứa nhiệt độ", người nghe có thể bị bỏng'", bà Vân nói.
Chìa khóa giải quyết mâu thuẫn vợ chồng là kỹ năng giao tiếp và thỏa hiệp khi cần thiết, thay vì tranh cãi ai đúng ai sai đến cùng. Khi bạn nói ít đi, lắng nghe nhiều hơn, người kia sẽ bớt phòng thủ, mở lòng cho những cuộc trao đổi mang tính tích cực hơn.
Và cuối cùng, hôn nhân không phải màu hồng. Dù bạn lấy được người phù hợp đến mấy, sớm hay muộn cũng sẽ gặp rất nhiều mâu thuẫn trong thời gian chung sống. Để giảm thiểu xung đột, vợ chồng hãy ngồi lại cùng nhau, thống nhất một số nguyên tắc ứng xử chung trong gia đình, làm sao có thể cân bằng giữa công việc, nhu cầu phát triển bản thân và trách nhiệm chăm sóc tổ ấm. Trong quá trình thực hiện cảm thấy điều gì chưa phù hợp hãy nhanh chóng cùng nhau chỉnh sửa, nếu không, tích tụ lâu ngày đến khu bùng nổ sẽ khó cứu vãn.
Phan Dương