Ngay cả những người sống chung với bạn gái mà chưa kết hôn cũng sống tốt hơn người sống một mình. Tuy nhiên, đàn ông sẽ có sức khỏe tốt nhất khi ở với vợ mình.
Một số người cho rằng kết quả khảo sát không khách quan, bởi đàn ông khỏe mạnh thường kết hôn nhiều hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy đàn ông không khỏe mạnh kết hôn sớm, ít ly hôn và có khả năng tái hôn sau ly hôn hoặc mất vợ nhiều hơn nam giới khỏe mạnh.
Gần đây, các nhà khoa học bắt đầu lý giải được vì sao nam giới đã kết hôn lại có sức khỏe tốt hơn. Nhưng trước khi chuyển sang câu hỏi tại sao, nên xem xét hôn nhân ảnh hưởng thế nào đến những căn bệnh cụ thể, gồm tim mạch và ung thư.
Hôn nhân và trái tim
Các nhà khoa học Nhật Bản cho hay, đàn ông chưa từng kết hôn có nguy cơ tử vong vì tim mạch cao gấp ba lần so với đàn ông đã kết hôn.
Một báo cáo nghiên cứu Tim mạch Framingham với hơn 3.600 người trưởng thành trong thời gian 10 năm, đánh giá các yếu tố nguy cơ tim mạch chính như tuổi tác, lượng mỡ trong cơ thể, hút thuốc, huyết áp, tiểu đường và cholesterol. Kết quả cho thấy đàn ông lập gia đình có tỷ lệ tử vong thấp hơn 46% so với người chưa lập gia đình.
Theo một nghiên cứu khác, bất hạnh và căng thẳng trong hôn nhân liên quan đến huyết áp, yếu tố gây nguy cơ lớn đến sức khỏe tim mạch. Theo thời gian, căng thẳng trong hôn nhân có liên quan đến sự dày lên của buồng bơm chính của tim. Tuy nhiên, căng thẳng trong công việc lại không gây tổn hại tương tự.
Bệnh động mạch vành và huyết áp tăng là những nguyên nhân lớn gây suy tim. Nhưng ngay cả khi bệnh này nặng lên thì một cuộc hôn nhân tốt đẹp vẫn có thể giúp cải thiện tình trạng theo hướng tích cực.
Ảnh minh họa: Freepik
Hôn nhân và ung thư
Có rất ít bằng chứng cho thấy hôn nhân làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư nhưng nó có thể ảnh hưởng đến kết quả. Ví dụ, một nghiên cứu trên 28.000 trường hợp ung thư cho thấy bệnh có khả năng tiến triển ở những người chưa kết hôn nhiều hơn người đã kết hôn.
Những bệnh nhân chưa kết hôn ít có khả năng được điều trị hơn bệnh nhân đã kết hôn. Nhưng dù là bệnh nhân được điều trị thì người có vợ có khả năng sống sót cao hơn.
Bệnh nhân có hôn nhân êm ấm sống lâu hơn hơn người ly thân vào thời điểm chẩn đoán ung thư.
Để tìm hiểu hôn nhân ảnh hưởng như thế nào khi mắc ung thư tiền liệt tuyến, các nhà khoa học thuộc đại học Miami, Mỹ, nghiên cứu 143.000 nam giới mắc bệnh này.
Trong 17 năm, những người đàn ông có vợ sống lâu hơn, trung bình 69 tháng, so với những người ly thân và góa bụa, với 38 tháng. Nam giới chưa từng kết hôn có tỷ lệ sống sót ở mức trung bình, 49 tháng.
Các nhà nghiên cứu Đại học Harvard và Đại học California Los Angeles xác định lợi ích tương tự với bệnh nhân lập gia đình mắc ung thư bàng quang, một căn bệnh chủ yếu là nam.
Các vấn đề sức khỏe khác
Dù dữ liệu còn thưa thớt nhưng hôn nhân dường như tác động tích cực đến sức khỏe. Đàn ông đã kết hôn có nguy cơ trầm cảm thấp hơn và khả năng hài lòng với nghỉ hưu cao hơn so với người chưa lập gia đình.
Kết hôn cũng giúp khả năng nhận thức tốt hơn, giảm nguy cơ mắc Alzheimer, cải thiện lượng đường trong máu, mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân nhập viện. Ngược lại, tình trạng góa bụa làm tăng khả năng mắc bệnh lây qua đường tình dục ở nam, không phải nữ.
Góa bụa
Một nghiên cứu theo dõi 12.500 người kết hôn trong khoảng 14-23 năm. Trong thời gian đó, hơn 1.400 người đàn ông và gần 3.300 phụ nữ mất bạn đời. Sau đó, 30% nam giới tử vong, trong khi chỉ 15% phụ nữ không thể vượt qua.
Những nam giới khỏe mạnh mất vợ có nguy cơ tử vong trong thời gian nghiên cứu cao gấp 2,1 lần so với đàn ông khỏe mạnh không có tang. Với nam giới có vấn đề sức khỏe từ trước, mất người thân làm tăng tỷ lệ tử vong lên 1,6 lần. Rủi ro lớn nhất là từ 7-12 tháng sau khi mất. Nhưng tỷ lệ tử vong vẫn tăng cao trong hơn hai năm.
Nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới xác nhận nam giới dễ bị tổn thương hơn phụ nữ khi mất bạn đời, do chế độ dinh dưỡng và các thói quen sức khỏe khác kém đi. Ngay cả việc vợ nhập viện cũng nguy hiểm cho sức khỏe của chồng.
Một nghiên cứu gần 1.700 người đàn ông ở Boston, Mỹ, cho thấy mất bạn đời làm suy giảm nồng độ testosterone tương đương với sự sụt giảm xảy ra trong 10 năm.
Như vậy, có thể thấy những cuộc hôn nhân tốt đẹp thúc đẩy sức khỏe và tuổi thọ, nhưng hôn nhân căng thẳng và tan vỡ gây tác động ngược lại, đặc biệt với đàn ông.
Về mặt sinh học: xung đột tạo ra căng thẳng, kích hoạt sản xuất các cytokine, các protein nhỏ tạo dòng phản ứng viêm. Viêm là yếu tố nguy cơ tim mới được công nhận. Đàn ông ly hôn có dấu hiệu viêm cao hơn người đã lập gia đình.
Yếu tố hành vi cũng không kém phần quan trọng. Nam giới chưa kết hôn, ly hôn và góa bụa không ăn uống tốt như đàn ông có gia đình. Họ ít tập thể dục nhưng lại hút thuốc, uống rượu quá mức và tham gia các hành vi nguy hiểm khác.
Ngược lại, đàn ông kết hôn được chăm sóc y tế thường xuyên hơn và được hưởng lợi từ mức sống cao hơn.
Sự cô đơn, trầm cảm và cô lập xã hội cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến việc mất người thân, ly hôn hoặc chưa bao giờ kết hôn. Một nghiên cứu của Harvard cho hay những người đàn ông sống cô lập với xã hội có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 82% so với những người có mối quan hệ cá nhân bền chặt.
Viện Nghiên cứu New England báo cáo 66% đàn ông dựa vào vợ để được hỗ trợ xã hội, chỉ 21% dựa vào người khác và 10% không có sự hỗ trợ như vậy.
Rõ ràng, việc không còn vợ sẽ khiến đàn ông rơi vào nguy cơ cô lập xã hội cao hơn.
Nhật Minh (Theo harvard health publishing)