Bà Nguyễn Thị Khôi, Cán bộ Quản lý trường hợp (Case Manager) của tổ chức Hagar International tại Việt Nam, người có gần 20 năm hỗ trợ cho nhóm những người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người, cho rằng giáo dục giới tính là một trong những hoạt động quan trọng để phòng ngừa vấn nạn xâm hại tình dục ở trẻ em.

"Không có một giai đoạn vàng nào cả. Đó là việc phải làm mỗi ngày, ở mọi độ tuổi", bà nói.

Trước khi trẻ có khả năng tiếp nhận các hoạt động giáo dục nhằm bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục, thì người chăm sóc (người trực tiếp nuôi dưỡng) cần nhận thức rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ trẻ ở ba cấp độ: phòng ngừa - hỗ trợ - can thiệp và chủ động trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng và thông tin liên quan.

Với trẻ sơ sinh đến dưới hai tuổi, chuyên gia gợi ý phụ huynh áp dụng "quy tắc 5 vòng tròn" để thiết lập ranh giới. Từ đó, giúp trẻ sớm hình thành khái niệm không gian cá nhân và quyền được bảo vệ.

Ví dụ, cha mẹ cần xác định rõ: ai là người được ôm trẻ, ai được phép nắm tay, ai có thể tiếp xúc với vùng nhạy cảm khi thay tã hoặc tắm rửa. Tất cả các hoạt động này cần thực hiện ở nơi riêng tư, tránh để người ngoài chứng kiến, kể cả người thân quen.

Khi đó, họ không chỉ bảo vệ trẻ mà còn buộc những người xung quanh phải ứng xử đúng mực. "Thực tế, chúng ta không thể biết chắc người khác nghĩ gì khi nhìn thấy con mình trong những tình huống nhạy cảm như vậy", chuyên gia nhấn mạnh.

Trẻ cũng cần hiểu rằng có những vùng riêng tư không ai được phép nhìn hay chạm vào, ngoại trừ người chăm sóc khi thật sự cần thiết như lúc vệ sinh hoặc khám bệnh và phải có sự giải thích rõ ràng.

Với trẻ lứa tuổi mầm non, một trong những cách hiệu quả là quy tắc 5 ngón tay – giúp trẻ dễ hình dung mức độ gần gũi an toàn với từng nhóm người.

Từ 10-12 tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn tiền dậy thì, có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Lúc này, cha mẹ cần đồng hành sát sao và củng cố kiến thức giới tính, kỹ năng phòng vệ cho con.

z6754645115193-f0457f5f3d19710-5947-8948-1751946509.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4dniciMpNgCD1sHT3Vyn_w

Quy tắc 5 ngón tay dạy con tránh bị lạm dụng tình dục

Chuyên gia khuyến nghị, người chăm sóc cần hiểu rõ đặc điểm phát triển tâm lý của từng trẻ để lựa chọn cách giao tiếp phù hợp. Việc trò chuyện không nên gượng ép khi trẻ chưa sẵn sàng, nhưng cũng không thể né tránh chỉ vì người lớn cảm thấy ngại ngùng.

Phụ huynh phải tạo được môi trường thoải mái và an toàn để trẻ dễ tiếp nhận: Chọn thời điểm và không gian thoải mái để nói chuyện, bắt đầu bằng những câu chuyện hàng ngày và dần dần chuyển sang chủ đề nhạy cảm; sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với độ tuổi của con; lắng nghe con một cách chân thành và tôn trọng cảm xúc của trẻ.

Người lớn có thể sử dụng sách, video hoặc tài liệu giáo dục để hỗ trợ trong việc giải thích và làm rõ các vấn đề, giúp trẻ dễ tiếp nhận.

"Trẻ không chỉ cần kiến thức và kỹ năng để bảo vệ bản thân, mà còn cần một người đồng hành thật sự tin cậy. Chúng ta không thể ở bên trẻ 24/7, nhưng có thể dạy trẻ cách nhận biết và phản ứng khi gặp tình huống nguy hiểm", bà nói.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022