Ông Gián và vợ là bà Phùng Thị Vy kết hôn năm 1965. Đang trong thời chiến ác liệt nên họ chỉ tổ chức một buổi lễ chớp nhoáng trong đêm để tránh bom đạn. Chú rể chỉ ở với người vợ trẻ một đêm, sáng hôm sau vào chiến trường luôn.

Đầu năm 2025, nhân 60 năm ngày cưới của ông bà và mừng thọ tuổi 80 của bà Vy, các con cháu quyết định bí mật tổ chức cho ông bà "một đám cưới đầy đủ". Họ hẹn nhau cùng về quê và chuẩn bị kế hoạch, phút cuối mới thông báo cho ông bà biết.

Nhận tin, bà Phùng Thị Vy rất bất ngờ, ngại ngần vì "tuổi này rồi còn cưới với xin". Nhưng các con, cháu không để cho bà có cơ hội từ chối, người đội khăn voan trắng, người trang điểm, hối bà chuẩn bị, kịp giờ đẹp để ông đến "đón dâu".

Đúng 4h chiều, ông Gián trong bộ đồ comple, ôm bó hoa dơn đỏ, cùng con trai bê tráp trầu cau, đại diện cho "nhà trai", từ nhà thờ họ Lê Quý đến đón bà Vy.

Anh Lê Quý Chiến (con trai cả) nói "ngày trước bố đi hỏi vợ cho con, nay con đi hỏi vợ cho bố", làm cả đoàn phá lên cười.

z6284051530542-44fd4d6c11f91dc-9337-4921-1738591643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jjXsiyHcGcqvYKA9t9HI_g

Vợ chồng ông Gián xúc động vì được tổ chức đám cưới hôm mùng 4 Tết Nguyên đán. Ảnh gia đình cung cấp

Vợ chồng ông Gián trầm lặng vì xúc động, thi thoảng lén lấy tay lau nước mắt. "Tôi vừa bất ngờ, vừa hạnh phúc. Tuổi già của vợ chồng tôi như vậy là viên mãn", bà Vy nói.

Sau lễ đón dâu, ông bà thắp hương lên bàn thờ gia tiên, cùng trao nhau nhẫn cưới do con cháu chuẩn bị sẵn, trong tiếng nhạc, tiếng vỗ tay chúc mừng. Khoảnh khắc đó, ông Gián nắm chặt tay vợ, nhớ lại ngày cả hai về chung một nhà, tròn 60 năm trước.

Năm 1965, Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt. Sắp lên đường nhập ngũ nên ông Gián xin cưới bà Vy, sau ba tháng yêu. Đêm 8/4/1965, đám cưới không bánh kẹo, canh kẻng báo động được tổ chức. Vài thanh niên trong xóm tới chung vui, động viên bà Vy ở nhà thực hiện phụ nữ "ba đảm đang" để chồng yên tâm đi chiến đấu.

Sáng hôm sau, nhà ông Gián làm mâm cơm để bà Vy ra mắt nhà chồng. Trưa cùng ngày, ông vào chiến trường. Hai lần về phép, mỗi lần hai ngày giúp ông bà lần lượt sinh hai người con. Năm 1972, ông Gián trở về trong niềm hạnh phúc ngỡ ngàng của người vợ trẻ. "Ngày đó lính đặc công hi sinh nhiều lắm. Đại đội của tôi 41 người, chỉ ba người còn sống'', ông kể.

z6284051458460-3ced8f17e970c94-8520-2987-1738591643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8eE32Phcpp1aa9KRehEKYw

Bà Vy được các con, cháu gái đội khăn, trang điểm trong ngày cưới. Ảnh gia đình cung cấp

Sau xuất ngũ, ông bà sinh thêm ba người con. Đến nay, hai con trai, ba gái đều có gia đình, thành công trong sự nghiệp, sinh 13 cháu nội ngoại và bốn chắt.

Thường xuyên được nghe bố mẹ, ông bà kể chuyện lấy nhau thời chiến tranh, các con, cháu ông Gián luôn muốn làm đám cưới cho bố mẹ. Dịp Tết năm nay, người từ miền Nam ra, người từ miền Bắc vào, tề tựu đông đủ.

"Đám cưới có nhạc, có hoa, vui tươi giữa thời bình khác hẳn không khí trầm lặng, vội vã năm xưa", bà Vy nói và cho biết luôn tự hào vì các con đoàn kết, thương yêu nhau, có hiếu với cha mẹ già.

z6284051489980-cdaafa6044b2af7-2566-7380-1738591643.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5b70c7vLa1NW74ibi_ifKA

Các con, cháu trong lễ "rước dâu" của ông bà. Ảnh gia đình cung cấp

Anh Cao Trung, 34 tuổi, cháu rể cho biết không chỉ bù đắp, đám cưới là cách các con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, giúp ông bà vui cười khi còn có thể.

"Nhìn ông bà sau 60 năm vẫn thương yêu nhau dù trải qua thời gian khó, các con cháu đều cảm động và nể phục. Đám cưới của ông bà cũng nhắc nhở chúng tôi biết trân trọng tình cảm gia đình'', anh nói.

Tuổi ngoài 80 nhưng vợ chồng ông Gián luôn minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn đạp xe đi khắp nơi bằng xe đạp. Ông bà nuôi một đàn gà, vườn rau để mỗi dịp con cháu về, lại có đồ ngon, đồ sạch thưởng thức.

"Trong đám cưới bữa đó, ông nhà tôi phát biểu tới ba lần để cảm ơn các con cháu, vì vui và xúc động quá'', bà Vy cười, nói.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022