Ảnh minh họa: Phụ Nữ Việt Nam.
Năm ngoái, khi tôi sinh con trai, bố mẹ chồng đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Bố mẹ đẻ của tôi sống ở nước ngoài nên bố mẹ chồng là chỗ dựa duy nhất của tôi. Mặc dù giữa tôi và bố mẹ chồng có một vài khác biệt về quan điểm nhưng họ vẫn thường xuyên giúp đỡ tôi trong việc chăm sóc em bé. Tôi và chồng luôn tin tưởng họ và biết ơn họ.
Nhưng mọi chuyện không êm đềm kể từ khi bố chồng bắt đầu chỉ trích tôi. Ông thường xuyên đưa ra những bình luận gây tổn thương nhắm vào tôi, ngay cả khi đó là những điều liên quan đến chồng tôi. Thường thì khi nghe được những bình luận chê cười từ người khác, tôi có xu hướng không đáp lại họ. Tuy nhiên, những chỉ trích từ bố chồng khiến tôi cảm thấy bị tổn thương và xấu hổ.
Vì muốn con có mối quan hệ thân thiết với ông bà nội nên tôi cố gắng nhẫn nhịn. Chồng tôi cũng lắng nghe và ủng hộ tôi. Chúng tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện và cả hai đều đồng ý rằng bố anh ấy dường như không ghét tôi. Những điều ông nói không có ác ý, bởi trước khi tôi sinh con, tôi nhớ rằng ông chưa bao giờ đưa ra bất kỳ nhận xét tiêu cực nào về tôi.
Giờ đây, trong vai trò một người mẹ, tôi càng phải có trách nhiệm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bố mẹ chồng, bất chấp sự khác biệt của chúng tôi. Tôi cũng đã thấy sự bất đồng với bố mẹ chồng có thể gây khó khăn cho các cặp vợ chồng như thế nào và tôi không muốn điều đó xảy ra với chồng mình.
Tôi biết, bố chồng tôi từng có một thời gian khó khăn trong công việc nên ông đã bỏ bê bản thân. Ở một mức độ nào đó, điều này không thực sự liên quan đến tôi hay cách nuôi dạy con cái của tôi. Việc chữa lành cho bố chồng không phụ thuộc vào tôi nhưng dù sao, tôi cũng phải cho đi một cái gì đó. Thời điểm căng thẳng nhất, tôi đã cố gắng không để cho những nhận xét tiêu cực phá hỏng mối quan hệ tích cực trong gia đình.
Nhờ những cuộc trò chuyện và thủ thỉ với chồng, tôi mới có thể giải tỏa được ấm ức trong lòng. Có lần, anh nói với tôi: "Anh cũng như em vậy, anh hoàn toàn không biết lý do bố không hài lòng về em. Nhưng ngoài điều đó ra, anh thấy bố thực sự rất yêu quý em. Bố cũng muốn em quan tâm và chú ý đến bố. Anh phát hiện, cách cư xử của bố thay đổi sau khi chúng ta có con. Biết đâu, sự gắn kết giữa chúng ta và con khiến bố cảm thấy tủi thân vì cho rằng chúng ta không còn quan tâm đến bố như trước nữa. Theo quan sát của anh gần đây, em và bố có một điểm chung: Không giao tiếp chân thành với nhau.
Em cảm thấy chán nản vì bố đưa ra những nhận xét gay gắt. Nhưng thực tế, có lẽ bố cũng không cảm thấy dễ chịu chút nào. Anh biết, cả bố và em đều bị mắc kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn. Sự thiếu kết nối giữa em và bố chính là nguyên nhân gây ra những xung đột. Em biết đấy, khi chúng ta không thể giải tỏa được những bức xúc trong lòng, chúng ta thường có nhu cầu tìm kiếm ai đó để kích động phản ứng. Dù sao, anh vẫn đứng về phía em vì anh hiểu những gì em đang phải chịu đựng. Chúng ta hãy cố gắng nhìn vấn đề ở góc độ tích cực, không phải bố đang trút giận lên em mà đó là một tín hiệu cho thấy bố đang cố gắng kết nối lại với em. Đón nhận sự chỉ trích của bố một cách nhẹ nhàng sẽ làm dịu phản ứng của em với bố".
Nghe lời chồng, hôm sau, tôi quyết định kết nối trở lại với bố chồng bằng sự trợ giúp của... con. Tôi đặt con nằm chơi trên chiếc ghế lười và bắt đầu trò chuyện với thằng bé: "Con trai xem này, đây là đồ chơi ông nội mua cho con đấy. Ông nội yêu con biết bao, lúc nào ông cũng nghĩ về con...".
Khi nói những điều đó, tôi không cố gắng để ý phản ứng của bố chồng nhưng tôi cũng đã dự phòng một số phương án. Nếu bố chồng không ngừng chỉ trích tôi, tôi sẽ trò chuyện với ông bằng thái độ chân thành và cởi mở. Tôi có quyền được biết lý do ông nổi giận với mình. Tôi tin chồng và tin vào cảm nhận của mình. Có lẽ ông chỉ cố tỏ ra giận dữ nhưng thực chất ông rất yêu quý tôi. Tôi tự nhủ, nếu mình đủ kiên nhẫn, kết quả sẽ khiến mình ngạc nhiên.