TD-250-trieu-1506-1716438034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mIbPyiX6kPzHw7tQ66Yz0w

Siêu lục địa Pangea tồn tại trên Trái Đất cách đây hàng trăm triệu năm. Ảnh: NAU Geology/Ron Blakey

Trái Đất đã tồn tại khoảng 4,5 tỷ năm và thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian đó. Từ một quả cầu magma nóng chảy và khuấy động, Trái Đất dần nguội đi và phát triển những mảng kiến tạo nhỏ. Khoảng vài tỷ năm sau, hành tinh được tô điểm bởi các cấu trúc siêu lục địa và bắt đầu tràn ngập sự sống.

Nhưng Trái Đất vẫn còn trẻ, xét theo vũ trụ. Hành tinh xanh mới chỉ trải qua hơn 1/3 vòng đời và sẽ còn thay đổi nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, có vẻ con người sẽ không thể sống sót lâu khi những điều kiện thay đổi, IFL Science hôm 22/5 đưa tin.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Geoscience, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bristol sử dụng siêu máy tính để lập mô hình khí hậu 250 triệu năm tới. Khi đó, thế giới sẽ một lần nữa chỉ có một siêu lục địa duy nhất và động vật có vú gần như không thể sinh tồn.

"Viễn cảnh trong tương lai xa có vẻ rất u ám. Lượng CO2 có thể cao gấp đôi hiện nay. Mặt Trời dự kiến tỏa ra nhiều bức xạ hơn khoảng 2,5% và siêu lục địa chủ yếu nằm ở vùng nhiệt đới nóng ẩm. Phần lớn Trái Đất có thể phải đối mặt với mức nhiệt 40 - 70 độ C", nhóm nghiên cứu giải thích.

Siêu lục địa mới mang tên Pangea Ultima, gợi nhớ đến siêu lục địa cổ đại Pangea tồn tại khoảng 320 - 195 triệu năm trước, sẽ hứng chịu "bộ ba thảm họa". Thứ nhất, lượng CO2 trong khí quyển nhiều hơn khoảng 50% so với ngày nay. Thứ hai, Mặt Trời cũng sẽ nóng hơn hiện tại - điều xảy ra với mọi ngôi sao khi già đi. Thứ ba, chính kích thước của siêu lục địa cũng sẽ khiến nơi này trở nên gần như không thể sinh sống. Nguyên nhân bắt nguồn từ hiệu ứng lục địa - điều khiến các khu vực ven biển mát và ẩm ướt hơn nơi nằm sâu trong đất liền, đồng thời khiến nhiệt độ mùa hè và mùa đông ở Lawrence khắc nghiệt hơn nhiều so với ở Baltimore.

Kết quả là một môi trường rất khó sinh sống, thiếu nguồn thức ăn và nước uống cho động vật có vú. Mức nhiệt phổ biến khoảng 40 - 50 độ C, thậm chí mức nhiệt cực đoan hàng ngày còn lớn hơn, độ ẩm cũng rất cao. Con người cùng nhiều loài vật khác sẽ chết do không thể giảm nhiệt qua việc đổ mồ hôi và làm mát cơ thể.

Đáng chú ý, đây vẫn chưa phải là tình huống tệ nhất. "Chúng tôi nghĩ nồng độ CO2 có thể tăng từ khoảng 400 ppm ngày nay lên hơn 600 ppm trong nhiều triệu năm tới. Đó là mức khi giả định con người sẽ ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với mức này sớm hơn rất nhiều", Benjamin Mills, giáo sư về Tiến hóa Hệ thống Trái Đất tại Đại học Leeds, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Vì vậy, trong khi nghiên cứu chỉ ra viễn cảnh u ám về Trái Đất 250 triệu năm tới, nhóm nghiên cứu cảnh báo, không nên quên những vấn đề sắp xảy ra trước mắt. "Điều cực kỳ quan trọng là không sao nhãng cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại, vốn là kết quả của việc con người thải khí nhà kính. Chúng ta đang phải hứng chịu nắng nóng cực đoan gây hại cho sức khỏe. Đây là lý do tại sao cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể", Eunice Lo, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khỏe tại Đại học Bristol, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022