Hình ảnh lidar của Tugunbulak, địa điểm của một thành phố thời trung cổ ở Uzbekistan. Ảnh: SAIElab/J. Berner/M. Frachetti
Ẩn mình trong những ngọn núi cao chót vót của Trung Á, dọc theo tuyến đường được gọi là Con đường Tơ lụa, các nhà khảo cổ học đang khám phá hai thành phố thời trung cổ có thể đã từng nhộn nhịp cư dân sinh sống cách đây nghìn năm.
Năm 2011, một nhóm nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra một trong những thành phố bị lãng quên này khi đang leo núi ở phía đông Uzbekistan để tìm kiếm những câu chuyện lịch sử chưa được kể.
Các nhà khảo cổ đã đi bộ dọc theo lòng sông và phát hiện ra các địa điểm chôn cất trên đường lên đỉnh một trong những ngọn núi. Khi đến nơi, một cao nguyên với những gò đất kỳ lạ trải rộng ra trước mắt họ. Đối với người không chuyên, những gò đất này trông có vẻ không có gì đặc biệt. Nhưng "với tư cách là các nhà khảo cổ, chúng tôi nhận ra đó là những nơi do con người tạo ra, là nơi con người sinh sống", Farhod Maksudov thuộc Trung tâm Khảo cổ học Quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan chia sẻ.
Mặt đất cũng ngổn ngang hàng nghìn mảnh gốm. "Chúng tôi đã rất kinh ngạc", Michael Frachetti, một nhà khảo cổ học tại Đại học Washington ở St. Louis, cho biết. Ông và Maksudov đã tìm kiếm bằng chứng khảo cổ về các nền văn hóa du mục chăn thả gia súc trên đồng cỏ núi. Các nhà nghiên cứu không ngờ lại tìm thấy một thành phố thời trung cổ rộng 12,1 ha trong một vùng khí hậu tương đối khắc nghiệt ở độ cao khoảng 2.133,6 m so với mực nước biển. Địa điểm này được gọi là Tashbulak, theo tên gọi hiện tại của khu vực.
Địa điểm thứ được phát hiện vào năm 2015, đặt tên là Tugunbulak, được công bố vào ngày 23/10 trên tạp chí Nature. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ viễn thám để lập bản đồ nơi mà họ mô tả là một thành phố thời trung cổ rộng lớn, gần 121,4 ha, cách Tashbulak 4,8 km và được kết nối vào mạng lưới các tuyến đường thương mại được gọi là Con đường Tơ lụa.
Để có được một cái nhìn chi tiết về vùng đất này, Frachetti và Maksudov đã trang bị cho một máy bay không người lái công nghệ viễn thám gọi là lidar (phát hiện và đo khoảng cách bằng ánh sáng). Máy quét lidar sử dụng các xung laser để lập bản đồ các đặc điểm của vùng đất bên dưới. Công nghệ này đã được sử dụng ngày càng nhiều trong khảo cổ học - trong vài năm qua, nó đã giúp khám phá ra một thành phố Maya bị lãng quên trải dài bên dưới tán rừng nhiệt đới ở Guatemala.
Tại Tashbulak và Tugunbulak, kết quả là một bản đồ địa hình của các địa điểm với độ chi tiết ở mức inch. Với sự trợ giúp của các thuật toán máy tính, theo dõi thủ công và khai quật, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các sườn núi tinh tế có khả năng là tường thành và các công trình bị chôn vùi khác.
Bảo Anh (Theo Live Science)